Nhiên liệu sạch và bền vững

(ANTĐ) - Năm 2009, 2 chiếc xe buýt đầu tiên sử dụng nhiên liệu khí CNG chính thức lăn bánh tại Việt Nam. Đây được coi là bước đột phá cho việc sử dụng khí thiên nhiên, năng lượng rẻ và sạch. Trong một tương lai không xa, cuộc “thay máu” của ngành nhiên liệu ở Việt Nam sẽ góp phần phát triển bền vững khi tất cả các xe ôtô khác đều có thể chuyển sang sử dụng nhiên liệu này khi nguồn khí tự cung cấp đủ tiêu dùng trong nước.

Khí nén thiên nhiên

Nhiên liệu sạch và bền vững

(ANTĐ) - Năm 2009, 2 chiếc xe buýt đầu tiên sử dụng nhiên liệu khí CNG chính thức lăn bánh tại Việt Nam. Đây được coi là bước đột phá cho việc sử dụng khí thiên nhiên, năng lượng rẻ và sạch. Trong một tương lai không xa, cuộc “thay máu” của ngành nhiên liệu ở Việt Nam sẽ góp phần phát triển bền vững khi tất cả các xe ôtô khác đều có thể chuyển sang sử dụng nhiên liệu này khi nguồn khí tự cung cấp đủ tiêu dùng trong nước.

Công nghệ khí nén thiên nhiên tại Việt Nam - Compressed Natural Gas (CNG) - Là khí thiên nhiên nén, thành phần chủ yếu là CH4 (metane) được lấy từ những mỏ khí thiên nhiên, qua xử lý và nén ở áp suất cao (250atm) để tồn trữ. Do không có benzene và

hydrocarbon thơm kèm theo, nên khi đốt, 2 loại nhiên liệu này không giải phóng nhiều khí độc như NO2, CO… và hầu như không phát sinh bụi. Công nghệ khí nén thiên nhiên CNG lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam bằng sự ra đời của Nhà máy khí thiên nhiên CNG bắt đầu hoạt động từ tháng 8-2008. Ông Nguyễn Sĩ Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Kinh doanh Khí hóa lỏng cho biết, hiện trên thế giới việc sử dụng nhiên liệu khí nén CNG cho động cơ khá phổ biến, các kết quả thử nghiệm cũng cho thấy không những giá thành rẻ, khí nén CNG còn bảo vệ động cơ, bảo vệ môi trường và được coi là nguồn nhiên liệu sạch. Tính đến tháng 12-2007, toàn thế giới có 754.000 xe sử dụng khí CNG. Sử dụng khí nén CNG giá thành chỉ bằng khoảng 50% so với dùng dầu. Ngoài ra, khi dùng CNG, một xe có thể giảm được 60% carbon monoxide, 90% nonmetal hydrocacbon, cùng 1 loạt những lợi ích khác như chống mài mòn, tăng tuổi thọ động cơ, chi phí bảo dưỡng giảm.

Trên thế giới, CNG sẽ là công nghệ chủ lực của ngành công nghệ dầu khí, bởi nhiên liệu này có thành phần là CH4 điều kiện cháy lý tưởng hơn propane và butan. CNG đạt chỉ số nén là 120 so với 110 của khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), trong khi loại xăng cao cấp nhất cũng chỉ đạt 95. Khí thiên nhiên nén CNG đã được sử dụng phổ biến cho nhiên liệu phương tiện ôtô và làm chất đốt công nghiệp ở nhiều nước trên thế giới như khu vực Nam Mỹ, Bắc Mỹ, New Zealand, ấn độ, Pakistan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, lndonesia, Thái Lan…

Tại Việt Nam hiện nay, Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) là đơn vị duy nhất cung cấp sản phẩm CNG cho thị trường trong nước, chiếm 100% thị phần. PV GAS hiện có 2 đơn vị thành viên đang đầu tư, sản xuất và kinh doanh CNG phục vụ cho các hộ công nghiệp và giao thông vận tải. Công ty Cổ phần CNG Việt Nam đã đi vào hoạt động từ năm 2008 và có công suất giai đoạn 1 là 30 triệu m3 khí/năm, chủ yếu phục vụ các hộ công nghiệp nằm xa tuyến ống. Trong giai đoạn 2, CNG Việt Nam sẽ tăng công suất lên 250 triệu m3 khí/năm. CNG Việt Nam đã làm việc với PVTrans - CGT trong việc cung cấp sản phẩm CNG để CGT tiêu thụ trong ngành giao thông vận tải.

Với lợi thế của khí CNG hiện nay là giá thành khá thấp, chỉ bằng khoảng 20-30% so với LPG. Đây chắc chắn là nhiên liệu rẻ, sạch làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong các thành phố lớn và các khu công nghiệp, đặc biệt trong tình hình giá xăng dầu tăng cao trong những năm gần đây. Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Phạm Xuân Mai, Trưởng Khoa Kỹ thuật giao thông, ĐH Bách Khoa thì để để thực hiện được cuộc “thay máu” trong giao thông công cộng này thì dự án CNG cần phải cân nhắc nhiều hơn nữa. Giá nhiên liệu luôn thay đổi, liệu có đảm bảo duy trì được mức chênh lệch 50% hay không. Việc tiết kiệm nhiên liệu có tương xứng với chi phí bỏ ra để thay đổi động cơ, nguồn nhiên liệu trong nước có đảm bảo yêu cầu tiêu thụ...

Do đặc tính kỹ thuật của CNG (mỗi xe bồn chỉ có thể chở được một khối lượng hàng ít khoảng 3 tấn CNG, nên vận chuyển xa sẽ không kinh tế) nên việc cung cấp CNG chỉ triển khai được ở khu vực nằm trong vòng bán kính 200km kể từ nguồn cấp. Chính vì vậy, khí tự nhiên được xử lý tại trạm xử lý chính, sau đó dẫn về trung tâm phân phối, hệ thống này do PV GAS quản lý vận hành. Khí được dẫn vào trạm nén, nén vào bồn chứa đặt trên xe chuyên dụng, vận chuyển đến nơi tiêu thụ.

Dự án CNG cung cấp cho các hộ công nghiệp xa tuyến ống đòi hỏi rất cao về tính cung ứng liên tục, đảm bảo không gây gián đoạn cho dây chuyền sản xuất của khách hàng, do vậy thiết bị sản xuất CNG đạt được độ tin cậy rất cao. Đây được coi là hệ thống ống “ảo” đưa khí thiên nhiên đến những nơi chưa có cơ hội tiếp cận với đường ống dẫn khí chính. Nhà máy khí thiên nhiên CNG được coi là nhà máy đột phá cho việc sử dụng khí thiên nhiên, năng lượng rẻ và sạch, góp phần phát triển bền vững cho các công ty đang hoạt động tại Việt Nam.

Có thể thấy rằng tiềm năng của CNG trong giao thông vận tải cũng như công nghiệp tại Việt Nam là rất lớn; xu hướng sử dụng nhiên liệu tiết kiệm, thân thiện với môi trường sẽ tăng mạnh. Tương lai không xa, tất cả các xe ôtô khác đều có thể chuyển sang sử dụng nhiên liệu này khi nguồn nhiên liệu sạch CNG cung cấp đủ tiêu dùng trong nước, tất cả sự phát triển là vì một môi trường sạch và bền vững.

Hiền Thục