Nhếch nhác như nhà tái định cư ở Hà Nội

ANTD.VN - Sau khi Báo ANTĐ số ra ngày 15-8 đăng bài “Thấp thỏm lo âu nhà chung cư khu Đồng Tàu sụt móng”, Đường dây nóng của Báo đã nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc ở các khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, Nam Trung Yên, Đền Lừ (Hà Nội) về tình trạng xuống cấp khá nghiêm trọng của các tòa nhà tái định cư, gây mất an toàn cho người dân.

Thang máy: Từ tậm tịt đến tê liệt!

Có mặt tại khu tái định cư Trung Hòa-Nhân Chính sáng 15-8, chúng tôi chứng kiến cảnh tượng khá lộn xộn. Trên vỉa hè, sân chơi chung của các khu nhà, phần lớn diện tích đã biến thành điểm trông giữ xe, nơi bán hàng ăn, giải khát, thực phẩm, gây mất mỹ quan, nhếch nhác chẳng khác nào chợ cóc. Kéo theo đó là la liệt bàn ghế, bếp than tổ ong, nồi niêu bát đĩa, thậm chí cả rác và nước thải đổ tràn lan khiến người đi bộ phải đi xuống lòng đường. 

Tại khu chung cư N2A, dù mới được đưa vào sử dụng khoảng 10 năm nay, nhưng nhìn khu nhà này giống như một khu tập thể cũ với những mảng tường rêu bám đầy, bong tróc nham nhở. Hiện trong khu nhà này có 63 hộ dân đang sinh sống với khoảng 200 nhân khẩu, song chỉ có 1 thang máy đang hoạt động. Thang còn lại đã tê liệt hoàn toàn cách đây khoảng 3 tháng, được che chắn tạm bợ, chờ sửa chữa.

Không chỉ có vậy, cầu thang thoát hiểm của tòa nhà đang bị một số hộ dân chiếm dụng để bàn ghế, đồ dùng sinh hoạt, thậm chí còn bị quây lại thành nơi nuôi nhốt chó mèo, khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tại khu vực hành lang ở các tầng, gạch lát vỡ bong từng mảng, gây ô nhiễm môi trường.

Ông Lê Quý Hồng - Tổ trưởng tổ 39 phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân - người sống tại nhà N2A cho biết, dù trong tòa nhà có 2 thang máy nhưng thường xuyên trong tình trạng 1 hỏng hẳn, 1 tậm tịt. Chiếc thang máy đang hoạt động hiện cáp đã bị mòn, nhiều bộ phận khác cũng sắp hỏng, nếu không thay thế kịp thời sẽ chỉ duy trì được khoảng 2 tháng nữa. Nghiêm trọng hơn, hệ thống cứu hỏa tại đây có cũng như không.

Nhếch nhác như nhà tái định cư ở Hà Nội ảnh 2

Nhà N2A khu tái định cư Trung Hòa - Nhân Chính vỉa hè thành nơi bán hàng

“Do họng nước PCCC bị thủng ở phần ngầm nên đã được khóa lại khiến nước không thể chảy lên hệ thống đường ống cứu hỏa ở các tầng. Trong khi đó, cầu thang thoát hiểm hầu như đã bị bịt kín, cửa thoát hiểm nứt vỡ nên nếu xảy ra hỏa hoạn, người dân chắc chỉ có thể ngồi chờ chết. Trước tình trạng này, tổ dân phố đã nhiều lần làm đơn phản ánh với đơn vị quản lý nhà nhưng chỉ nhận được câu trả lời “chờ kinh phí”. Thực tế, thời gian qua, người dân đã phải góp tiền sửa chữa thang máy nhiều lần với số tiền lên tới 50 triệu đồng nên không ít hộ cũng lâm vào cảnh khó khăn. Hiện khu nhà cũng chưa có Ban Quản trị nên mỗi khi xảy ra sự cố, các hộ gia đình chỉ biết vận động nhau tự xử lý” - ông Hồng chia sẻ. 

Chỗ nào cũng xuống cấp

Ngoài nhà N2A, tại khu tái định cư Trung Hòa - Nhân Chính có nhiều khu nhà khác cũng ở trong tình trạng tương tự. Tại nhà N5B, nhiều mảng tường cũng đã bị rộp, bong tróc. Hiện tượng chiếm dụng phần diện tích sử dụng chung tại các tầng để làm nơi chứa đồ, phơi quần áo, để chậu hoa… cũng diễn ra khá phổ biến.

Không chỉ khu tái định cư Trung Hòa - Nhân Chính, mà tình trạng xuống cấp nhanh và ngày càng nghiêm trọng còn diễn ra tại khu tái định cư Nam Trung Yên, Đền Lừ. Hầu hết các tòa nhà đã xuất hiện tình trạng rêu mốc, tường ẩm ướt xuất hiện nhiều vết nứt, khu vực để xe sụt lún, biến dạng, hở cả đường ống thoát nước ngầm và đường thoát nước thải, nhà chứa rác bị ứ đọng bốc mùi hôi thối nồng nặc, vườn hoa biến thành nơi trồng rau xanh, đường nội bộ, sân chơi chung thành nơi tập kết rác thải sinh hoạt.

Nhếch nhác như nhà tái định cư ở Hà Nội ảnh 3Cầu thang bộ bị chiếm dụng và thang máy bị tê liệt hoàn toàn

Được biết, hầu hết các tòa nhà trên đều được xây dựng trước khi Luật Nhà ở có hiệu lực nên hầu hết không có quỹ bảo trì 2%. Trong khi đó mỗi tháng, mỗi hộ dân chỉ phải nộp phí dịch vụ là 30.000 đồng/hộ dân/tháng, không đủ chi trả các khoản như bảo vệ, vệ sinh… dẫn đến chất lượng dịch vụ thấp, gây khó khăn cho công tác vận hành quản lý tòa nhà. Ngoài sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng, ý thức của người dân cũng khiến các khu nhà nhanh chóng xuống cấp.

Hầu hết các khu nhà tái định cư đang thuộc quyền quản lý của Xí nghiệp Quản lý dịch vụ và khai thác khu đô thị. Để có thông tin nhiều chiều về sự việc trên, chúng tôi đã liên lạc qua điện thoại với lãnh đạo xí nghiệp này nhưng  sau rất nhiều cuộc gọi, chúng tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời do “không liên lạc được”.

Nhằm đảm bảo đời sống, sinh hoạt cho người dân sống tại các khu tái định cư, đề nghị cơ quan có thẩm quyền phối hợp với chính quyền các địa phương kiểm tra tổng thể, có biện pháp khắc phục sự cố  tại các tòa nhà này trong thời gian sớm nhất, tránh để xảy ra những sự cố đáng tiếc!