Nhất trí cao về nguyên tắc "suy đoán vô tội"

ANTĐ - Có cần bắt buộc phải ghi âm, ghi hình toàn bộ hoạt động hỏi cung bị can hay không? Quyền của người bị bắt, bị tạm giam, bị can, bị cáo được bảo vệ như thế nào? Đó là những nội dung lớn trong dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) được các ĐBQH quan tâm thảo luận ngày 6-11. 

Nhất trí cao về nguyên tắc "suy đoán vô tội" ảnh 1Theo Trung tướng Đỗ Kim Tuyến (ĐBQH Hà Nội), nếu quy định bị can được “quyền im lặng” như dự luật sẽ gây nhiều khó khăn trong điều tra, truy tố tội phạm


Khi hành vi phạm tội chỉ bị can mới rõ...

Đa số ĐBQH tán thành mục tiêu sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) là tạo ra công cụ pháp lý sắc bén để đấu tranh hữu hiệu với mọi loại tội phạm cũng như tăng cường trách nhiệm của các cơ quan tố tụng trong việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân đã được hiến định. 

Các đại biểu bày tỏ nhất trí cao với dự thảo trong việc tiếp cận tố tụng theo nguyên tắc “suy đoán vô tội”, tức quy định “khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo không có tội”.

Đồng tình với quan điểm này song ĐB Đỗ Mạnh Hùng (đoàn Thái Nguyên) cho rằng, trong nguyên tắc xét xử có lợi cho người bị buộc tội, dự thảo bộ luật mới chỉ giải quyết được một vế là “nguyên tắc suy đoán vô tội” mà chưa đề cập đến “nguyên tắc suy đoán nhẹ tội”, tức nếu cơ quan tố tụng không chứng minh được người bị buộc tội có tội nặng thì phải xử mức tội nhẹ hơn cho họ. 

Trong khi đó, có đại biểu tán thành quy định về quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội và cho rằng quy định “quyền im lặng” như vậy sẽ góp phần giảm oan sai, tránh bức cung, nhục hình. Tuy nhiên, từ thực tiễn công tác, ĐB Đỗ Kim Tuyến (đoàn Hà Nội), Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an cũng bày tỏ sự băn khoăn về chế định “quyền im lặng” trong dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi).

Theo Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, trong nhiều vụ phạm tội, rất nhiều chứng cứ, bằng chứng, hành vi phạm tội chỉ bị can mới rõ nên nếu quy định bị can được “quyền im lặng” như dự luật sẽ gây nhiều khó khăn trong điều tra, truy tố tội phạm. “Về nguyên tắc tố tụng hiện nay là chúng ta tranh tụng, coi trọng lời khai của người phạm tội, nhân chứng, người bị hại, đây là những chứng cứ rất quan trọng có giá trị quyết định trong xét xử. Vì vậy, tôi đề nghị cân nhắc kỹ việc đưa chế định quyền im lặng vào trong luật này” - ĐB Đỗ Kim Tuyến nói.

Cần cân nhắc kỹ về tính khả thi

Về bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can, một số ĐBQH tán thành với dự thảo bộ luật về quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can và đề nghị quy định chặt chẽ về trình tự, thủ tục, về bảo quản, sử dụng kết quả ghi âm ghi hình trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Tuy nhiên qua thảo luận, đa số đại biểu cho rằng không cần thiết phải ghi âm, ghi hình trong mọi trường hợp, nhất là những trường hợp phạm tội đơn giản hay đối tượng nhận tội. Các ĐB Phạm Trường Dân (đoàn Quảng Nam), Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng)… đề nghị chỉ ghi âm, ghi hình trong trường hợp bị can phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

Nêu thực trạng mỗi năm cơ quan điều tra tiến hành hơn 100.000 vụ án với gần 200.000 đối tượng, mỗi vụ án việc hỏi cung phải tiến hành ít nhất 5 lần với hàng tiếng ghi âm, ghi hình, ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (đoàn TP.HCM) cho rằng việc ghi âm, ghi hình toàn bộ các cuộc hỏi cung là không thực tế. ĐB Đỗ Kim Tuyến cho biết thêm, với số lượng bị can và số cuộc cần hỏi cung rất lớn như vậy thì chỉ riêng về cơ sở vật chất đã đòi hỏi có khoảng ít nhất trên 5.000 phòng hỏi cung.

Đây thực sự là vấn đề không nhỏ đòi hỏi lượng kinh phí, cơ sở vật chất rất lớn. Mặt khác sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề về lưu trữ, cho phép sử dụng các tài liệu này trong điều tra xét xử, do đó cần cân nhắc rất kỹ quy định.