- Nhật Bản biên chế tàu sân bay trực thăng lớp Izumo đầu tiên
- Lo Trung Quốc, Nhật Bản - Ấn Độ tăng cường hợp tác quân sự
- Nhật Bản có thể biến Izumo thành tàu sân bay thực thụ để đối phó Trung Quốc
Dưới đường lối mới được đề ra, Nhật Bản sẽ có khả năng đến hỗ trợ lực lượng quân đội Mỹ khi đang bị nước khác đe doạ và có quyền triển khai các tàu quét thuỷ lôi đến Trung Đông.

Quân đội Nhật Bản sẽ được mở rộng hoạt động trên thế giới theo đường lối quân sự mới
Đây là lần đầu tiên 2 nước Nhật – Mỹ sửa đổi đường lối quân sự chung kể từ năm 1997, và được cho là phản ánh những thay đổi to lớn trong chính sách an ninh của Nhật Bản, theo Reuters. Hiện chính sách cũ quy định Nhật Bản chỉ có quyền bảo vệ lãnh thổ của mình hoặc những khu vực xung quanh Nhật Bản. Điều này thường hiểu là Nhật Bản sẽ có thể hỗ trợ hậu cần cho Mỹ trong trường hợp xảy ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.
Ngoài việc được linh hoạt hơn trong sự hiện diện quân sự, quân đội Nhật Bản cũng sẽ đa dạng hoá các lĩnh vực như an ninh mạng và chống khủng bố. Quy mô hợp tác quốc phòng mới giữa Mỹ và Nhật Bản sẽ được tiến hành trên nhiều lĩnh vực quan trọng từ phòng thủ tên lửa đạn đạo, tấn công mạng, tấn công từ không gian tới an ninh hàng hải.
Chi tiết của bản đường lối quốc phòng được công bố sau khi Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida và Bộ trưởng Quốc phòng Nakatani có cuộc gặp mặt với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter ở New York. Cuộc gặp mặt này là trọng tâm chuyến công du của ông Abe.
Những người có quan điểm trái ngược với Thủ tướng Abe nhận định rằng ông đang muốn rũ bỏ đi quá khứ chiến tranh trong khi đồng minh của Thủ tướng Nhật trong nội bộ chính phủ nước này lại cho rằng sau 70 năm kết thúc Thế chiến II, Tokyo cũng nên giữ một vai trò lớn hơn trong các sự kiện quốc tế.
Sự sửa đổi đường lối quân sự Nhật – Mỹ cũng được cho là một sự phản ứng với việc Trung Quốc đang tăng cường hiện đại hoá quân đội và thường xuyên thể hiện sức mạnh tại khu vực châu Á.
Bắc Kinh luôn cáo buộc việc Nhật Bản thay đổi chính sách quân sự là một sự đi ngược lại với các cam kết trở thành một người bảo vệ hoà bình kể từ sau Thế chiến II. Hiện Bắc Kinh và Tokyo cũng đang có nhiều căng thẳng trong vấn đề ngoại giao vì vấn đề tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.