"Nhặt được" khi biết rõ người đánh rơi cũng là trộm cắp

ANTD.VN - Bạn tôi va chạm với một thanh niên ở quán ăn đêm. Trong lúc xô xát, người kia rơi chiếc điện thoại iPhone 6 mà không biết, bạn tôi nhặt được, tiện tay cho luôn vào túi cho “bõ tức”. Mấy ngày sau bạn tôi bị gọi lên cơ quan công an làm việc liên quan đến chiếc điện thoại nói trên. Hành vi này của bạn tôi bị xử lý như thế nào, xin luật sư tư vấn giúp? Trần Quốc Thái (Nam Định)

"Nhặt được" khi biết rõ người đánh rơi cũng là trộm cắp  ảnh 1Luật sư Giang Hồng Thanh, VPLS Giang Thanh, Địa chỉ: Số 197, phố Đặng Tiến Đông, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội 

Trả lời: Nếu việc giấu điện thoại của người khác vào túi của mình chỉ nhằm mục đích để cho "bõ tức" và ngay sau đó, bạn của bạn trả lại điện thoại cho người ta thì việc làm đó không vi phạm pháp luật hình sự.

Còn nếu sau khi cất giấu chiếc điện thoại iPhone 6, bạn của bạn mang tài sản tới chỗ khác, vượt qua sự kiểm soát của chủ sở hữu chiếc điện thoại hoặc chối bỏ việc giữ điện thoại khi người kia phát hiện và đòi lại thì hành vi đó đã cấu thành tội "Trộm cắp tài sản", theo Điều 138 - BLHS.

Bởi việc làm này đã thể hiện sự lén lút, bí mật lấy tài sản mà chủ sở hữu không biết. Xin nói thêm là ở tình huống này, ban đầu, bạn của bạn không hề có ý  thức chiếm đoạt chiếc điện thoại iPhone 6 của đối phương. Tuy nhiên khi cơ hội bất chợt nảy sinh, bạn của bạn đã tranh thủ và lén lút chiếm đoạt tài sản của chủ sở hữu.    

Theo đó, Điều 138-BLHS quy định: “Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.

"Nhặt được" khi biết rõ người đánh rơi cũng là trộm cắp  ảnh 2Hành vi trộm cắp thể hiện ở chỗ lén lút, bí mật lấy tài sản mà chủ sở hữu không biết

Ngoài bị áp dụng hình phạt tù là hình phạt chính thì người phạm tội còn có thể bị áp dụng thêm hình phạt bổ sung là phạt tiền với mức từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.

Như vậy, tùy thuộc vào giá trị của chiếc điện thoại iPhone 6 (theo định giá tài sản), bạn của bạn sẽ bị áp dụng khung hình phạt tương ứng. Thông thường chiếc điện thoại nêu trên không có gì quá đặc biệt thì giá trị của nó chắc chắn sẽ dưới 50 triệu đồng và khi đó bạn của bạn đã phạm vào khoản 1, Điều 138 – BLHS. Tương ứng với khung khoản này thì mức hình phạt cao nhất không quá ba năm tù.