Nhật Bản chuẩn bị cho khả năng xảy ra xung đột với Trung Quốc

ANTĐ -Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã sẵn sàng cho khả năng bắt tù binh, và "Công việc chuẩn bị được hướng tới khả năng xung đột ở “khu vực phía tây nam, nơi nhiều hòn đảo phân tán ở khoảng cách tương đối lớn”.
Bản tin phát thanh ngày 21-6 do báo An ninh Thủ đô sản xuất

Thêm 4 giàn khoan được Trung Quốc đưa ra biển Đông

Bắc Kinh đang đẩy mạnh các hoạt động thăm dò dầu khí ở biển Đông bằng việc đưa thêm 4 giàn khoan nữa vào biển Đông, chỉ chưa đầy 2 tháng sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép một giàn khoan khổng lồ mang tên Hải Dương 981 ở vùng biển chủ quyền của Việt Nam. 

Các tọa độ được đưa lên website Cục Hải sự Trung Quốc cho thấy giàn khoan Nam Hải số 2 và 5 sẽ được triển khai ở vị trí nằm giữa nam Trung Quốc và quần đảo Đông Sa (do Đài Loan kiểm soát). Giàn khoan Nam Hải số 4 sẽ được kéo sát về phía bờ biển Trung Quốc. 

Cơ quan này không nói rõ đơn vị sở hữu các giàn khoan nói trên. Tuy nhiên họ cho biết cả ba giàn khoan này sẽ được đưa vào đúng vị trí vào ngày 12-8.

Trước đó, ngày 17-6, Cục Hải sự Trung Quốc đã cung cấp tọa độ của một giàn khoan thứ 4 – Nam Hải 9. Giàn khoan này theo kế hoạch sẽ được hạ đặt bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào ngày 20-6.

Giàn khoan Nam Hải số 9

Và tại buổi họp báo diễn ra ngày hôm qua, 20-6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc – Hoa Xuân Oánh còn trắng trợn tuyên bố, việc ồ ạt đưa giàn khoan vào biển Đông là những “hoạt động bình thường”.

Tại Hội thảo quốc tế “Hoàng Sa: Trường Sa – Sự thật lịch sử” do ĐH Đà Nẵng và ĐH Phạm Văn Đồng tổ chức ngày 20/6 tại Đà Nẵng.  Hàng chục học giả đến từ Mỹ, Nga, Pháp, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ… đều cho rằng, trong hoàn cảnh hiện nay, kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế là việc cần thiết nhất mà Việt Nam phải làm, để khẳng định chủ quyền trên biển Đông, đòi lại Hoàng Sa và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ “đường 9 đoạn”.

Các học giả phân tích, những sự thật lịch sử, chứng cứ mà phía Việt Nam đưa ra cùng những bước đi từ xưa đến nay của phía Trung Quốc cho thấy nước này ngày càng lộ rõ mưu đồ thôn tính không chỉ Hoàng Sa – Trường Sa mà toàn bộ biển Đông. 

Quân đội Nhật Bản sẵn sàng bắt giam tù binh chiến tranh

Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã yêu cầu lực lượng hải quân, không quân và lục quân chuẩn bị khả năng bắt giam tù binh chiến tranh, tờ báo hàng đầu Nhật Bản Yomiuri hôm qua dẫn một số nguồn tin giấu tên.

Bài báo nói rằng, công việc chuẩn bị được hướng tới khả năng xung đột ở “khu vực phía tây nam, nơi nhiều hòn đảo phân tán ở khoảng cách tương đối lớn”. Trong thực tế, cả Nhật Bản và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. 

Một máy bay Nhật Bản đang tuần tra trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư

Động thái này xuất hiện khi quan hệ Trung - Nhật ngày càng xấu đi vì tranh chấp lãnh thổ. Trong sự cố đối đầu mới nhất, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc hồi tuần trước rằng máy bay Nhật Bản đã bay gần ở mức nguy hiểm với một máy bay Trung Quốc đang tuần tra trên chuỗi đảo tranh chấp.

Nhật Bản cảnh báo trong sách trắng quốc phòng xuất bản thường niên năm ngoái rằng, những va chạm như vậy có thể dẫn tới tình huống ngoài dự kiến.