Nhập khoảng 2,5 triệu m3 xăng dầu trong quý II-2022

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Bộ Công Thương giao 10 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, nhập khẩu từ 2,4- 2,5 triệu m3 xăng dầu để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong 3 tháng tới.
Nhập khẩu thêm xăng dầu để đủ dùng cho thị trường trong nước

Nhập khẩu thêm xăng dầu để đủ dùng cho thị trường trong nước

Theo Bộ Công Thương, trước mắt trong quý II-2022, nguồn cung xăng dầu trong nước sẽ được đảm bảo thông qua việc tăng cường nhập khẩu mặt hàng này.

Bộ Công Thương sẽ phân giao lại tổng nguồn và hạn mức nhập khẩu xăng dầu tối thiểu bổ sung cho các thương nhân kinh doanh đầu mối. Theo đó, các doanh nghiệp đầu mối sẽ được phân giao chỉ tiêu nhập khẩu khoảng 2,4-2,5 triệu m3 xăng dầu, gồm lượng xăng dầu thiếu hụt do sản xuất trong nước không đạt kế hoạch sản lượng và 20% lượng nhập khẩu bổ sung để đảm bảo cho nhu cầu phục hồi kinh tế.

Bộ sẽ tiếp tục theo dõi tình hình sản xuất, cung ứng xăng dầu trong nước và đến giữa tháng 5-2022 sẽ xây dựng phương án phân giao tổng nguồn cụ thể cho 6 tháng cuối năm 2022.

Cụ thể, tại Quyết định số 242/QĐ-BCT về việc giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong Quý II-2022.

Cụ thể, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) được giao nhập khẩu thêm 1.065.567 m3; Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil) 488.688 m3; Công ty TNHH Thủy bộ Hải Hà 140.401 m3;

Ngoài ra, nhiệm vụ nhập khẩu xăng dầu được giao cho các doanh nghiệp đầu mối gồm: Công ty TNHH Hải Linh; Công ty CP Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu; Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil; Tổng Công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ; Công ty CP Thương mại Dầu khí Đồng Tháp; Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức; Công ty CP Hóa dầu Quân đội.

Bộ Công Thương lưu ý, số lượng xăng dầu kinh doanh tạm nhập, tái xuất không tính vào lượng nhập khẩu xăng dầu giao bổ sung tại Quyết định này.

Quyết định cũng nêu rõ, các doanh nghiệp được giao tăng sản lượng nhập khẩu xăng dầu nêu trên phải thực hiện việc nhập khẩu xăng dầu không thấp hơn sản lượng xăng dầu giao bổ sung tại Quyết định này; đồng thời, phải chứng minh được hoạt động xuất, nhập khẩu của mình bằng các hóa đơn, chứng từ xuất, nhập xăng dầu trong mỗi tháng.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng cho biết, Bộ đã cùng các cơ quan liên quan thống nhất cách thức điều hành giá của Bộ Công Thương theo tinh thần của Nghị định 95 có tính đến các tình huống cấp bách, tiệm cận với giá thế giới.

Theo đó, tiếp tục thực hiện điều hành giá theo chu kỳ 10 ngày, tuy nhiên khi cần, cứ 2 ngày một lần, Tổ Tư vấn liên Bộ Công Thương - Tài chính phải họp, thống nhất, báo cáo với Lãnh đạo hai Bộ để báo cáo với Chính phủ xin ý kiến cho kỳ điều hành tiếp theo.