Chuyên gia: "Cần sớm sửa đổi cơ chế điều hành giá xăng dầu"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc điều hành giá xăng dầu theo chu kỳ (10 ngày) trong khi giá thế giới biến động từng ngày, từng giờ khiến mỗi bước tăng giá xăng dầu dễ gây “sốc” cho người dân, doanh nghiệp.

Cơ chế điều hành góp phần gây bất ổn

Từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng liên tục tăng, trong 2 tháng, giá xăng đã tăng 6.000 đồng - tương đương 25%- lên mức gần 30.000 đồng/lít. Lý giải về việc xăng dầu tăng giá mạnh thời gian gần đây, theo ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho biết có 2 nguyên nhân.

Thứ nhất là do giá xăng dầu thế tăng cao đặc biệt là do leo thang chính trị giữa Nga – Ukraine. Bên cạnh đó, quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 khiến cho nhu cầu về nhiên liệu tăng lên ở mức rất cao, trong khi, nguồn cung không tăng kịp.

Thứ hai là nguyên nhân chủ quan do cơ chế điều hành trong nước. Theo đó, hiện nay cơ chế điều hành giá xăng dầu nước ta là điều chỉnh theo chu kỳ (thông thường 10 ngày/lần). Trong khi giá dầu thế giới vận động hàng ngày, hàng giờ, do đó khi giá xăng dầu của chúng ta đi sau thế giới thì sẽ phải “đuổi theo” giá thế giới để kịp nhịp tăng trưởng, vì vậy đã gây “sốc”.

Cũng theo ông Thỏa, thực tế, điều hành về bình ổn giá, quan hệ cung cầu xăng dầu trong nước còn bị động, lúng túng dẫn tới những phản ứng tiêu cực của thị trường như tình trạng găm hàng, giữ hàng để chờ giá tăng, gây ra đứt gãy nguồn cung, bất ổn thị trường. “Nếu không sửa cơ chế điều hành giá xăng dầu thì vẫn sẽ tiếp tục xảy ra câu chuyện bất ổn nếu giá thế giới tăng”, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam nhấn mạnh.

Chu kỳ điều hành giá xăng dầu lớn dễ dẫn đến tăng sốc khi giá thế giới tăng

Chu kỳ điều hành giá xăng dầu lớn dễ dẫn đến tăng sốc khi giá thế giới tăng

Bên cạnh đó, theo ông, thị trường xăng dầu trong nước thiếu tính cạnh tranh, một số “ông lớn” chiếm lĩnh thị trường, có thể dẫn đến việc “làm giá” theo cơ chế thị trường.

Đồng tình các quan điểm trên, chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực bổ sung thêm nguyên nhân là do nguồn cung xăng dầu trong nước bị đứt gãy khiến giá dầu tăng mạnh. “Đứt gãy nguồn cung thế giới là rất lớn. Vậy thiếu hụt này có bù đắp được ngay không, chúng ta chỉ có thể bù đắp ngay được khoảng 30 - 35%. Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn chiếm tới 30 – 35% thị phần nhưng lại giảm công suất tới 40 – 45%. Chỉ cần Nghi Sơn không giảm công suất, tôi nghĩ thị trường không gặp tình trạng khan hiếm nguồn cung” – ông Lực nói

Nghiên cứu sửa đổi cơ chế về thuế, phí

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chi phí từ xăng dầu chiếm 3,52% tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế, với một số ngành chi phí xăng dầu có thể chiếm đến 30-40%. Do đó, việc giá xăng dầu tăng mạnh sẽ tạo áp lực lên lạm phát và ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân, tác động xấu đến tăng trưởng của nền kinh tế.

Cụ thể, theo TS Cấn Văn Lực sẽ có một số tác động đến kinh tế nước ta như: Tăng nhập siêu. “Rất nhiều người cho rằng giá xăng dầu tăng thì ngân sách tăng vì mình xuất khẩu dầu thô. Tuy nhiên không phải, chúng ta vẫn nhập siêu xăng dầu, khi giá tăng cao sẽ làm tăng nhập siêu. Chẳng hạn năm ngoái chúng ta nhập siêu 6,3 tỷ USD. Năm nay, với giá tăng như hiện nay thì sẽ vào khoảng 9- 10 tỷ USD” – vị chuyên gia phân tích.

Do đó, theo ông Lực, lợi ích của tăng giá xăng dầu chỉ mang tính cục bộ đối với thu ngân sách và doanh nghiệp xăng dầu, còn lại toàn bộ là tiêu cực. Trong đó, nó tác động mạnh đến doanh nghiệp và người dân, trong đó các doanh nghiệp chịu tác động lớn là vận tải, hóa chất, phân bón, sản xuất nhựa.... dẫn đến tác động đến các ngành khác.

Tăng giá xăng dầu cũng khiến đà phục hồi kinh tế của chúng ta gặp khó khăn hơn. Nếu như giá xăng dầu tăng 10%, GDP sẽ giảm khoảng 0,5 điểm %, lạm phát tăng thêm 0,36 điểm %. Đồng thời, điều này cũng gây tác động tâm lý, khiến giá hàng hóa khác “tát nước theo mưa”.

Do đó, theo các chuyên gia, việc tăng giá xăng dầu có thể làm lu mờ hiệu ứng của chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế mà Chính phủ đang tích cực thực hiện, trong đó có giải pháp giảm 2% thuế VAT. Bởi vậy, câu chuyện hạ nhiệt giá xăng đang trở nên nóng hơn bao giờ hết.

Dù mới đây, Bộ Tài chính đã chốt phương án đề xuất giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu so với hiện tại, song nhiều ý kiến vẫn cho rằng hiện nay, trong cơ cấu giá xăng dầu có 4 loại thuế, trong đó thuế chiếm 38% giá bán xăng và 20% đối với giá bán dầu là quá cao.

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa ở nhiều nước, mức thuế chiếm tỷ trọng từ 45 – 60% trong giá bán xăng, dầu, ngoại trừ một số nước có lượng dự trữ dầu mỏ lớn. Đơn cử như Hàn Quốc thuế xăng dầu chiếm 49%, Thái Lan chiếm 45%, Malaysia chiếm 29%…

Vị chuyên gia cũng cho biết các sắc thuế áp dụng đối với xăng dầu tại Việt Nam đều đúng luật. “Tuy nhiên, luật cũng do con người sinh ra và tính toán. Theo tôi, chúng ta cần nghiên cứu lại để vẫn giữ bản chất điều tiết thị trường của thuế và đảm bảo nguồn thu ngân sách. Qua đó, tránh tình trạng thuế chồng thuế”, ông Thỏa nều quan điểm.