Nháo nhào phân bón thật - giả

ANTĐ - Trong 3 tháng tăng cường kiểm tra hoạt động sản xuất - kinh doanh thị trường phân bón, các tổ công tác của Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) TP Hà Nội đã phát hiện 49/67 trường hợp vi phạm, thu giữ 8 tấn phân bón các loại.

Nháo nhào phân bón thật - giả  ảnh 1Để đảm bảo sự lành mạnh của thị trường phân bón cần chế tài nghiêm và sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng

Tù mù phân bón

Sản xuất không có giấy phép, không thực hiện công bố hợp quy theo quy định, nhà máy một nơi nhưng ghi địa chỉ lại ở nơi khác… đó là những vi phạm thường thấy của nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón giả. Thậm chí có cơ sở còn sản xuất phân bón giả bằng nguyên liệu đã hết hạn sử dụng. 

Theo đánh giá của BCĐ 389 TP Hà Nội, nhu cầu tăng cao là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện của phân bón giả, kém chất lượng. Không chỉ gây bất ổn thị trường, phân bón giả còn ảnh hưởng đến đời sống của người nông dân, quyền lợi của các nhà sản xuất, kinh doanh trong nước và đặc biệt gây tác hại nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, an ninh lương thực, môi trường...

Ông Lê Văn Hoàng, trú ở xã Vân Nội, huyện Đông Anh than phiền: “Ra đại lý phân bón nào cũng thấy hàng chục loại, loại nào cũng ghi chất lượng hàng đầu, công ty nào cũng nói là “bạn của nhà nông”, nhưng giá thì đắt, chất lượng lại rất…  tù mù. Trên bao bì quảng cáo hàm lượng rất hoành tráng, nào là đạm, lân, kali cao….  nhưng dựa vào cơ sở nào, tiêu chuẩn nào để khẳng định những điều đó thì chẳng thấy nhà sản xuất công bố”.

Vẫn theo ông Hoàng, Vân Nội và nhiều xã ở Đông Anh, Mê Linh, năm ngoái dùng nhiều phân bón cho ruộng ngô và các cây trồng khác, nhưng chẳng những cây không phát triển được mà đất lại bị thoái hoá vì có biểu hiện vón cục, cứng ngắc…

Cần chế tài mạnh để tạo sự răn đe

Ông Chu Xuân Kiên - Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội, Phó Trưởng ban thường trực BCĐ 389 TP Hà Nội cho biết, trước diễn biến phức tạp của thị trường phân bón, BCĐ 389 TP đã thành lập các đoàn liên ngành tiến hành kiểm tra hoạt động sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh phân bón trên địa bàn toàn thành phố. Trong đó, lực lượng chức năng tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, cửa hàng bán buôn, bán lẻ, kho tàng bến bãi có tính chất chi phối hoạt động kinh doanh mặt hàng phân bón.

Quá trình kiểm tra, các tổ công tác BCĐ 389 đã phát hiện nhiều vi phạm về nhãn hàng hóa, kê khai giá và sản xuất, gia công phân bón không đạt mức sai số định lượng cho phép. Điển hình như ngày 19-3, lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở sản xuất phân bón thuộc Công ty CP phát triển và dịch vụ thương mại Bảo Sơn (địa chỉ ở cụm dân cư Bằng B, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) phát hiện công ty này đang sản xuất phân bón vô cơ đa màu đạm - lân - kali (ký hiệu BS 10-2-10), với số lượng 2 tấn thành phẩm.

Tuy nhiên, doanh nghiệp không xuất trình được giấy phép sản xuất và công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Qua giám định mẫu phân bón thu giữ, cơ quan chức năng làm rõ 2 tấn phân bón là hàng giả. Công ty Bảo Sơn bước đầu bị xử phạt 105 triệu đồng về các hành vi kinh doanh không đúng địa điểm ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; sản xuất phân bón không có giấy phép; sản xuất hàng giả; sản xuất hàng hóa không công bố tiêu chuẩn áp dụng.

Vẫn theo ông Chu Xuân Kiên, đây chỉ là 1 trong nhiều vụ việc điển hình trên lĩnh vực phân bón giả bị xử lý trong thời gian qua. Riêng từ tháng 6 đến tháng 9-2015, lực lượng liên ngành đã kiểm tra 67 vụ, trong đó phát hiện 49 vụ có dấu hiệu vi phạm, tạm giữ 8 tấn phân bón các loại.

Chi cục QLTT Hà Nội kiến nghị để ngăn chặn, đấu tranh “nạn” phân bón giả, cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân phân biệt hàng thật - giả. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất kinh doanh, xử lý nghiêm hành vi vi phạm. Chế tài đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng cũng cần phải điều chỉnh tăng để tạo sự răn đe.                 

Cách nhận biết một số loại phân bón thật - giả

Một số đại lý muốn kiếm lợi nhuận cao, đã tìm cách tái sử dụng bao bì thật của phân clorua kali (chứa nhiều kali nhất) nhưng ruột là các loại phân KNS, NKS... Trong trường hợp này, muốn kiểm chứng có thể lấy ly thủy tinh nhỏ đựng ít nước sạch. Thả một nhúm chừng 3-5 gam sản phẩm vào ly nước, nếu nước có màu đỏ hồng tức thời, toàn bộ phân chìm xuống và tan nhanh, vẩn đục thì đó là phân giả.

Sản phẩm khác, phân sunphat kali (được sử dụng nhiều cho các loại cây có múi) cũng dễ bị trộn lẫn với bột đá vôi hoặc bột vôi sống, bột đất sét trắng. Cũng với ly nước và phương pháp thử như trên, nếu thấy phân tan hết trong nước, dung dịch có màu trong suốt thì đó là phân bón thật.
Đối với phân urê có 2 loại hạt trong và hạt đục, trong đó phân urê hạt trong là loại phổ biến nhất.

Ở nước ta hiện chỉ có 2 nhà máy sản xuất urê hạt trong là đạm Hà Bắc và đạm Phú Mỹ, còn lại là urê nhập khẩu. Phân urê hạt đục khó làm giả nên người tiêu dùng có thể yên tâm khi sử dụng.

Một khuyến cáo đưa ra là nên chọn mua sản phẩm của các công ty lớn, có uy tín trên thị trường, hoặc mua tại các đại lý bán hàng chính thức của các công ty đó.