Nhất thể hóa - Con đường phải đi để tinh gọn bộ máy (3)

Nhân sự: Đủ tâm, đủ tầm tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong bộ máy

ANTD.VN - Mô hình nhất thể hóa đã chứng minh được hiệu quả trong thực tế điều hành. Thế nhưng, bên cạnh những vướng mắc về cơ chế, chính sách, quy định pháp luật, vấn đề con người cũng hết sức đáng quan tâm. Lựa chọn ai, với những tiêu chí, phẩm chất như thế nào để những người lãnh đạo nắm giữ vai trò 2 trong 1 này có thể hoàn thành được nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị?

Nhân sự: Đủ tâm, đủ tầm tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong bộ máy ảnh 1Những khu đất trống ven đường tại xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội được trồng hoa tạo diện mạo khang trang, sạch đẹp

Khó khăn: Lớn nhất vẫn là yếu tố con người

Xã Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì) hay Bình Yên (huyện Thạch Thất) chỉ là hai trong số nhiều xã, phường trên toàn TP Hà Nội đã triển khai thí điểm thành công việc nhất thể hóa 2 chức danh Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND. Tuy nhiên, thành phố cũng có một số xã, phường sau khi triển khai mô hình này một thời gian thì gián đoạn, không tiếp tục triển khai nữa. Quay trở lại với 2 xã nêu trên, chúng tôi đặt vấn đề này với những người đã và đang đảm nhiệm chức danh Bí thư kiêm Chủ tịch UBND thì đều nhận được chung một đáp án: Chủ trương nhất thể hóa chức danh Bí thư kiêm Chủ tịch UBND là rất đúng, ưu việt, nhưng khó khăn lớn nhất vẫn là yếu tố con người.

Ba yếu tố cần có ở người lãnh đạo “2 trong 1”

Bàn về tiêu chí để lựa chọn người lãnh đạo nắm giữ vai trò “2 trong 1” - Bí thư kiêm Chủ tịch UBND, đồng chí Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, do đây là 2 vị trí chủ chốt ở địa phương nên người này phải vừa có năng lực điều hành tốt, vừa có phẩm chất đạo đức thì mới có thể vận hành bộ máy thông suốt, hiệu quả. Cùng với những yếu tố trên, người này cần phải được đào tạo thêm về kỹ năng điều hành, quản lý với mô hình “2 trong 1” và điều quan trọng nhất vẫn phải là con người có tinh thần trách nhiệm rất cao. 

Ông Trương Đức Long, Bí thư Đảng ủy xã Tứ Hiệp - người đã có 7 năm đảm nhiệm chức danh Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Tứ Hiệp chia sẻ, dù chỉ là cấp chính quyền cơ sở, nhưng nếu người đứng đầu - kiêm nhiệm 2 chức danh quan trọng nhất là Bí thư và Chủ tịch UBND xã - không có đủ tâm, đủ tầm thì sẽ không tạo được sự đồng thuận trong bộ máy, thậm chí không thể phân rõ “2 vai” của mình và như thế sẽ dẫn tới “nhầm vai” và lạm quyền. 

Người được phân công đảm nhiệm đồng thời 2 chức vụ này cũng cần được đào tạo, bồi dưỡng thực tế, ít nhất phải từng “kinh qua” 1 trong 2 vị trí nói trên, còn nếu điều một người chưa có thực tế ở địa phương, thiếu chuyên môn thì rất khó thành công. Để tránh lạm quyền, người Bí thư kiêm Chủ tịch UBND phải luôn nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình, ý thức rõ lúc nào là Bí thư, lúc nào là Chủ tịch UBND, nếu lẫn lộn sẽ dẫn tới tình trạng Đảng làm thay chính quyền hay ngược lại, chính quyền lại “sa đà” vào công việc của Đảng. 

Còn nữa, các đồng chí cấp phó ở địa phương như Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch UBND phải thực sự là những người đủ năng lực để tham mưu, giúp việc cho cấp trưởng. Nếu không, một người vừa giữ chức Bí thư vừa giữ chức Chủ tịch UBND, nhất là ở thị trấn hay các xã ven đô - nơi có tốc độ đô thị hóa mạnh, sẽ khó đảm đương hết khối lượng công việc rất lớn. 

Nguyên tắc: Luôn tuân thủ đúng 

Cũng từng có tâm tư tương tự Bí thư Đảng ủy xã Tứ Hiệp, ông Lê Văn Mão, người giữ cương vị Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Bình Yên gần 4 năm nay chia sẻ, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND, tức một người vừa lãnh đạo về công tác Đảng lại vừa đảm nhận chức năng lãnh đạo cơ quan hành pháp, khó tránh khỏi gây ra sự hoài nghi. 

“Lúc mới được phân công làm Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã, thực sự tôi cũng tâm tư, không muốn nhận… Nhưng rồi từ thực tiễn triển khai nhiệm vụ, tôi thấy ở cấp xã, việc nhất thể hóa Bí thư kiêm Chủ tịch UBND có ưu điểm vượt trội, không có gì phải băn khoăn, vấn đề chỉ là yếu tố con người. Điều quan trọng nhất là cán bộ, nhân viên trong bộ máy của cả 2 bên phải có sự thống nhất, đồng thuận cao. Đặc biệt, trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, người đảm nhiệm đồng thời 2 chức danh này cần thái độ làm việc dứt khoát, quyết đoán nhưng lại phải luôn tuân thủ đúng các nguyên tắc lãnh đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước. Mới nghe khá mâu thuẫn nhưng đã kiêm 2 “vai” thì phải làm bằng được điều này. Ngoài ra, trước khi ra các quyết định quan trọng, phải họp thống nhất trong Thường vụ, trong các thành viên UBND, rồi nếu cần, phải triển khai hội nghị mở rộng trước khi thực hiện…” - Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Bình Yên chia sẻ kinh nghiệm.

Ông Nguyễn Doãn Hoàn (Bí thư - Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất): Nêu cao trách nhiệm của người Đảng viên

Nhân sự: Đủ tâm, đủ tầm tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong bộ máy ảnh 2

“Ngoài việc nhất thể hóa chức danh Bí thư kiêm Chủ tịch UBND tại 2 xã Bình Yên và Bình Phú, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6, khóa XII và chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, huyện Thạch Thất đang tiến hành nhất thể hóa, sắp xếp lại một số chức danh trong cơ quan Đảng. Để thực hiện tốt việc này, đảm bảo sự ổn định trong bộ máy cũng như tâm tư của cán bộ, đầu tiên, phải làm tốt công tác tư tưởng đối với những cán bộ, cơ quan liên quan đến việc tổ chức lại chức danh, bộ máy. Thứ hai, với những người được phân công giữ chức vụ sau khi nhất thể hóa, phải gắn chặt với trách nhiệm của người Đảng viên, tức sau khi được phân công nhiệm vụ mới, phải tuân thủ hoàn toàn về mặt tổ chức, đặc biệt, cần phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của người cán bộ, Đảng viên được giao trọng trách đứng đầu”. 

(Còn nữa)