Nhan nhản hội nhóm “bùng nợ” công ty tài chính, app vay tiền: Hậu quả khôn lường!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hàng chục hội nhóm trên mạng xã hội được lập ra để chia sẻ, hướng dẫn cách “bùng nợ” công ty tài chính và các app vay tiền online. Điều này có thể dẫn đến hệ lụy khôn lường.

Túng làm liều

Dịch vụ vay tiêu dùng, vay trực tuyến “nở rộ”, thủ tục vay tiền quá đơn giản khiến nhiều khách hàng dưới chuẩn cũng dễ dàng tiếp cận các khoản vay. Tuy nhiên, mức lãi suất cao cộng với kinh tế rơi vào khó khăn, nhiều người đã không đủ khả năng trả nợ.

Đây là lý do thời gian gần đây, hàng loạt hội nhóm trên mạng xã hội được lập ra với mục đích chia sẻ kinh nghiệm “bùng nợ” các công ty tài chính và app vay tiền online.

Chỉ cần seach cụm từ “bùng nợ” hay “bùng tiền” trên ứng dụng Facebook có thể cho ra hàng vài chục hội nhóm khác nhau có nội dung liên quan. Trong đó có thể kể đến hàng loạt hội nhóm có cùng tên: “Hội bùng app vay tiền và chia sẻ cách đối phó” với từ vài chục nghìn cho đến gần 200 nghìn thành viên tham gia; nhóm “Chuyên tư vấn bùng nợ - xóa nợ xấu (FE Credit, Home Credit, app cho vay)” với gần 127 thành viên tham gia;

Ngoài ra là hàng loạt nhóm tương tự như: “Tư vấn bùng nợ thẻ tín dụng và vay tiêu dùng”; “Cập nhật app vay mới – Cách bùng app vay và cách đối phó”…

Nội dung được trao đổi trong các hội nhóm này chủ yếu chia sẻ về câu chuyện không trả được nợ, xin tư vấn về cách đối phó, bùng nợ của các thành viên. Các “chuyên gia bùng nợ” cũng nhiệt tình vào tư vấn, theo kiểu: “Bùng thôi, nó không dám làm gì đâu”; “Cứ bùng, nó chỉ phá mấy ngày đầu thôi”; “Càng trả càng nợ, bùng là hết nợ”…

Một số thành viên chia sẻ trên các hội nhóm về việc bị nhân viên đòi nợ gọi điện, nhắn tin dọa sẽ xuống nhà, kiện ra tòa, báo công an… thì lập tức được nhiều thành viên khác “trấn an” như: “Đây dọa 6, 7 tháng rồi chưa thấy xuống”; “Mình nợ 3 năm, mới đầu cũng dọa nhưng giờ thì phải năn nỉ rồi”…

Các hội nhóm "bùng nợ" nhan nhản trên mạng xã hội

Các hội nhóm "bùng nợ" nhan nhản trên mạng xã hội

Tại các hội nhóm này, các thành viên cũng chia sẻ cách vay tiền hoặc các dịch vụ hỗ trợ vay tiền app như: làm CMND/CCCD giả, nhận “cày” ứng dụng vay tiền online, bán tài khoản Facebook ảo, bán danh bạ giả… Ngoài ra cũng nhiều đối tượng mời chào vay tiền online dễ dàng, dẫn đến nhiều người đã bị lừa chuyển khoản phí dịch vụ, phí bảo hiểm… mà không vay được đồng nào.

Cẩn thận đối mặt với pháp luật

Theo tìm hiểu, các hội nhóm bùng nợ được lập ra ngày càng nhiều trong khoảng vài ba năm trở lại đây, khi các công ty tài chính và các app vay tiền online bùng nổ với điều kiện vay tiền dễ dãi, dẫn đến nhiều người vay tiền vô tội vạ. Trong khi đó, các khoản vay này có lãi suất, lãi phạt cao, cùng với đó, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập người dân, nhiều người không đủ khả năng trả nợ.

Sự xuất hiện của các nhóm tư vấn bùng nợ càng khiến các con nợ tin rằng có thể vay tiền và trốn tránh nghĩa vụ trả nợ, dẫn đến nợ chồng nợ và chây ì trả nợ.

Thực tế, thời gian qua, đã có một số ứng dụng vay tiền phải tuyên bố mất thanh khoản do nhiều khách hàng không thể trả nợ, như VO247 và Fiin Credit.

Đối với các công ty tài chính cũng thừa nhận thực trạng khó thu hồi nợ do hoạt động thu hồi nợ bị siết và các khách hàng thì chây ì.

Đại diện Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện (PTF) cho biết thời gian gần đây xảy ra tình trạng nhiều khách hàng đã không chấp hành nghĩa vụ trả nợ, chây ì trả nợ ngày một nhiều. Chính vì thế, 3 tháng qua doanh nghiệp này đã phải tạm thời ngừng cho vay mới mà tập trung vào nhóm khách hàng có điểm tín nhiệm tốt.

Ở khía cạnh pháp lý, các chuyên gia luật cho rằng các chiêu trò bùng nợ có thể con nợ đối mặt với nhiều hệ lụy. Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, mặc dù hiện nay không có quy định riêng cho các công ty tài chính, song quy định về thời hạn đòi nợ, trả nợ đã có trong luật dân sự. Đến với nhau bằng quan hệ vay dân sự thì phải có trách nhiệm trả nợ, đây là trách nhiệm vay dân sự của người đi vay, khi đã vay thì phải trả hết.

Việc không trả nợ sẽ khiến con nợ đối diện với pháp luật.

Thứ nhất, nếu ngay khi đi vay, người vay đã xác định làm giả giấy tờ, cung cấp số điện thoại, thông tin cá nhân sai để bên cho vay không liên hệ được thì đây được xác định là hành vi "Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản" được quy định tại Bộ luật hình sự.

Thứ hai, nếu đã cung cấp đầy đủ nhưng vẫn trốn trách nhiệm trả nợ thì con nợ sẽ bị xử lý theo Điều 175, Bộ luật hình sự với tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Nếu cơ quan điều tra có đầy đủ căn cứ sẽ bị khởi tố hình sự.

Thứ ba, trường hợp người đó đi vay nợ nhưng không có ý định vay tiền mà nảy sinh ý định chiếm đoạt khoản tiền này ngay từ ban đầu (trước khi đi vay tiền), hoặc sử dụng các thông tin giả mạo, gian dối để nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì có thể bị xử lý theo Điều 174, Bộ luật hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Khung hình phạt của 2 tội này cao nhất từ 12 năm lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.

Mặt khác, hiện nay, nhiều công ty sẵn sàng rao bán khoản nợ sang công ty thu hồi nợ để được thực hiện hợp pháp theo quy định của pháp luật. “Tôi cho rằng sẽ rất khó để "bùng nợ” nếu tổ chức tài chính thực hiện hoạt động cho vay đúng quy định”- luật sư Phạm Hồng Thái nói.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều app vay tiền đang cho vay với lãi suất quá cao, vượt quy định. Điều này là vi phạm pháp luật và đẩy người vay tiền vào thế không trả được nợ. Vì vậy, nhiều trường hợp lỗi là cả hai phía, bên vay và bên cho vay.