Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2: Đằng sau kỳ tích ghép tạng là những nỗ lực bền bỉ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đằng sau những kỳ tích ghép tạng đầu năm 2024 là những nỗ lực, sự tận tâm và cả sự hy sinh thầm lặng của hàng trăm con người, không chỉ các y bác sĩ trong kíp mổ mà còn rất nhiều bộ phận khác liên quan…
Kíp y bác sĩ Bệnh viện 108 dành phút mặc niệm với người hiến tạng

Kíp y bác sĩ Bệnh viện 108 dành phút mặc niệm với người hiến tạng

Một trong những dấu ấn nổi bật nhất của ngành y tế đầu năm 2024 không thể không kể đến kỳ tích 8 ca ghép tạng trong một ngày tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và ca ghép phổi tại Bệnh viện Phổi Trung ương, hay trước đó là ca ghép đa tạng tại Bệnh viện Việt Đức, mang lại sự sống cho hàng chục bệnh nhân.

Từng bước thay đổi quan niệm về hiến tạng

Trong những ngày đầu năm 2024, khi mọi người tất bật với công việc bộn bề thì Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia nhận được thông tin bệnh nhân T. còn rất trẻ rơi vào tình trạng chết não, gia đình đồng ý hiến tạng. Người hiến tạng là bệnh nhân N.T.T (sinh năm 1998), quê ở Thái Nguyên. Các lãnh đạo, chuyên viên của Trung tâm lặng mình, quay sang nói với nhau “em nó còn trẻ quá”.

Ngày 27-12-2023, trên đường về thăm nhà không may tự gây tai nạn giao thông. Dù được đưa vào viện Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cấp cứu nhưng tình hình diễn biến xấu, bệnh nhân dần rơi vào hôn mê sâu. Sau khi khám, cấp cứu hô hấp, tuần hoàn, làm các xét nghiệm, các bác sĩ nhận định tình trạng bệnh nhân khó qua khỏi, xác định đây là ca chết não tiềm năng.

Sau 8 tiếng tiếp cận và cấp cứu bệnh nhân, các bác sĩ và tổ tư vấn đã tìm hiểu hoàn cảnh và giải thích tình trạng bệnh cho gia đình. Sáng 28-12, bác sĩ Lê Duy Đạo, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã tiếp cận gia đình lần 1 và giải thích về việc hiến tạng của bệnh nhân. Tiếp sau bác sĩ Đào Thị Hương – Phó trưởng khoa đã tiếp cận người thân bệnh nhân lần 2 và giải thích các vấn đề liên quan đến hiến ghép tạng cho gia đình.

150 y bác sĩ Bệnh viện 108 tham gia ca phẫu thuật hiến ghép tạng ngày 30 Tết

150 y bác sĩ Bệnh viện 108 tham gia ca phẫu thuật hiến ghép tạng ngày 30 Tết

Nhận được thông tin, bố bệnh nhân “sốc”, không chấp nhận sự thật, sau đó xin chuyển xuống Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức với mong muốn “còn nước còn tát” và cho biết nếu không thể cứu được, gia đình đồng ý hiến tạng của con. Bệnh viện đã liên hệ với tổ tư vấn của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia và Bệnh viện Việt Đức để chuyển bệnh nhân xuống Bệnh viện Việt Đức.

Tại Bệnh viện Việt Đức, sau khi điều trị và hồi sức tích cực, kỳ tích đã không đến với gia đình. Bệnh nhân T. có dấu hiệu chết não. Hội đồng đánh giá chết não được thành lập, 03 lần test chết não, kết quả đều dương tính. Mọi quy trình chuyên môn và thủ tục pháp lý nhanh chóng được hoàn thành.

Mô, tạng của cố bệnh nhân T. lấy được bao gồm: hai thận, tim được ghép tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, gan được điều phối ghép tại Bệnh viện Quân đội 108, và hai giác mạc được điều phối tới Ngân hàng mắt – Bệnh viện Mắt Trung ương để bảo quản, lưu trữ và ghép cho người bệnh theo đúng quy định…

Có thể thấy, thành công của ca đồng ý hiến tạng có vai trò rất lớn từ đội ngũ tư vấn, bác sỹ và điều dưỡng. Họ cần mẫn, bền bỉ nắm bắt và đồng cảm với hoàn cảnh của gia đình đang có người thân chết não để thấu hiểu, để đưa ra những lời tư vấn đúng lúc, đúng thời điểm.

Giả sử, nếu trường hợp bác sĩ Đạo, bác sĩ Hương không được đào tạo nghiệp vụ, các kỹ năng về tư vấn hiến mô tạng sau chết/chết não, không có sự liên kết trong mạng lưới tư vấn của Bệnh viện Việt Đức, thì khó có được ca hiến – ghép tạng thành công?

Theo PGS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cho biết, năm 2023, Trung tâm đã đẩy mạnh xây dựng, đào tạo nghiệp vụ, xây dựng và phát triển mạng lưới tư vấn viên trên cả nước. Bước đầu mạng lưới đã mang lại những dấu hiệu tích cực…

Kỳ tích ghép tạng ngày 30 Tết

Ngày 30 Tết Giáp Thìn, tạm gác lại những giờ phút quây quần bên gia đình chờ đón khoảnh khắc giao thời, hàng trăm y bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tất bật chuẩn bị ca đại phẫu thuật, lấy-ghép đa tạng từ người cho chết não.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thăm bệnh nhân được ghép phổi ngày 30 Tết ở Bệnh viện Phổi Trung ương

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thăm bệnh nhân được ghép phổi ngày 30 Tết ở Bệnh viện Phổi Trung ương

Theo đó, chỉ trong 11 giờ đồng hồ ngày 9-2-2024, Bệnh viện 108 đã tổ chức đồng thời các ca lấy - ghép 08 mô tạng gồm tim, gan, thận, thận-tụy, 2 tay, 2 giác mạc (trong đó có 2 tạng lần đầu thực hiện tại Bệnh viện là ghép tim và ghép tụy-thận), lấy phổi điều phối cho Bệnh viện Phổi Trung ương ghép …

Thiếu tướng, GS.TS Lê Hữu Song - Giám đốc Bệnh viện 108 chia sẻ, đối với cuộc “đại phẫu thuật” kể trên, bệnh viện đã huy động hơn 150 cán bộ nhân viên tham gia gồm chuyên gia của các chuyên ngành, các cơ quan làm công tác tổ chức, điều phối, hậu cần, trang bị, công nghệ thông tin, công tác xã hội…

Chiều 30 Tết, những nhịp tim đầu tiên ở người nhận tim đã chạy trên màn hình theo dõi liên tục (monitor), cùng với các mô, tạng khác đang dần hồi sinh trong cơ thể của các bệnh nhân nhận gan, thận, thận-tuỵ, chi thể, trong niềm hân hoan, hạnh phúc của các thầy thuốc...

“Có thể đây là ngày 30 Tết chỉ xảy ra một lần trong đời đối với người thầy thuốc của Bệnh viện 108 như tôi, kết thúc năm cũ để tiếp nối một năm mới, bắt đầu với nhiều cuộc đời được tái sinh” - Thiếu tướng, PGS.TS Phạm Nguyên Sơn - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện 108 chia sẻ.

Cũng đúng ngày 30 Tết, Bệnh viện Phổi Trung ương đã tiến hành ca ghép phổi hồi sinh sự sống cho nữ bệnh nhân 21 tuổi, với lá phổi nhận được từ người hiến ở Bệnh viện 108. Trước khi được ghép tạng, cô gái trẻ người Bắc Kạn tên P.A.T đã phải từ bỏ giảng đường đại học vì sức khoẻ quá yếu, liên tục phải thở ôxy tại nhà, thường xuyên nhập viện trên xe cấp cứu.

Cô được phát hiện mắc bệnh lý u cơ trơn bạch huyết ở phổi (LAM) hay còn gọi là bệnh phổi đục lỗ vào năm 2020, đến tháng 8-2023 được đưa vào danh sách chờ ghép phổi vì hai lá phổi tổn thương nghiêm trọng, tình trạng suy hô hấp nặng, tiên lượng tử vong cao.

May mắn, vào ngày 8-2-2024 (29 Tết Giáp Thìn), sau khi nhận được thông tin có phổi hiến của một thanh niên chết não sau tai nạn giao thông từ Bệnh viện 108, Bệnh viện Phổi trung ương đã kích hoạt khẩn cấp chương trình ghép phổi và tổ chức hội chẩn lựa chọn người bệnh. Trong 3 bệnh nhân thời điểm đó, T. là người được lựa chọn vì có các chỉ số phù hợp cao nhất.

Gần 100 y, bác sĩ của Bệnh viện Phổi trung ương, Bệnh viện E cùng nhiều bệnh viện khác được huy động để tiến hành ca ghép kéo dài 12 tiếng, kết thúc đúng vào 22 giờ đêm 30 Tết. Ca ghép thành công ở mức cao nhất.

Việt Nam đã làm chủ được kỹ thuật ghép tạng, điều đó đã mở ra hy vọng được cứu chữa của nhiều người bệnh. Vấn đề chỉ là nguồn tạng hiến. Trong đời sống tâm linh người Việt vẫn quan trọng chết phải toàn thây, nên khi tuyên truyền với người dân về hiến tạng khi chết não, họ có rất nhiều tâm tư, băn khoăn.

Vì vậy, việc đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, ngành y tế cũng đang tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi về các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người phù hợp với tình hình thực tế.