- Điều kiện nào để người lao động khó khăn do dịch Covid-19 được nhận tiền hỗ trợ
- Nhận bảo hiểm xã hội một lần: Lợi trước mắt, thiệt lâu dài
- Hà Nội: Hơn 440.000 người được chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tại nhà
Tới nhà chi trả lương hưu cho các đối tượng thụ hưởng
Chi trả xong cho gần 140.000 người trong 1 ngày
Suốt 3 ngày qua, các lực lượng chức năng trên toàn thành phố Hà Nội đã “đi từng ngõ, đến từng nhà” để chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) cho hơn 440.000 đối tượng thụ hưởng nhằm đảm bảo an toàn trong mùa dịch Covid-19. Đó là một nỗ lực rất lớn của thành phố trong việc bảo đảm an sinh xã hội.
Song ngược lại, từ thực trạng trên cũng không khỏi băn khoăn khi biết rằng, dù là Thủ đô nhưng hiện mới chỉ có xấp xỉ 24% người dân Hà Nội nhận chi trả tiền lương hưu qua tài khoản, 76% còn lại vẫn giữ thói quen nhận bằng tiền mặt. Trong khi đó, tại TP HCM, tỷ lệ người nhận lương hưu qua ATM đã lên tới trên 50%.
Thực tế, việc triển khai chi trả các chế độ BHXH qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt được lãnh đạo thành phố Hà Nội rất quan tâm, đã có nhiều văn bản chỉ đạo từ giữa năm 2019 đến nay.
Đặc biệt, tại công văn số 3984/UBND-KGVX của UBND TP Hà Nội ngày 13-9-2019 đã nêu rõ mục tiêu: “Từ ngày 01/10/2019 các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo thực hiện thanh toán các chế độ BHXH của công chức, viên chức, người lao động 100% qua tài khoản cá nhân”...
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay, để đảm bảo an toàn phòng bệnh, tránh việc tụ tập đông người tại điểm chi trả lương hưu tập trung hay việc tiếp xúc trực tiếp khi chi trả bằng tiền mặt, UBND TP Hà Nội tiếp tục có văn bản khuyến khích việc chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH qua tài khoản.
Đầu tháng 4 này, BHXH TP Hà Nội cũng có công văn gửi BHXH các quận, huyện, thị xã chỉ đạo tạo điều kiện tối đa cho người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH khi mở tài khoản cá nhân (thẻ ATM) được lựa chọn Ngân hàng thuận tiện, phù hợp. Thậm chí trường hợp người hưởng có yêu cầu chuyển lương hưu, trợ cấp BHXH của mình vào tài khoản của người khác thì hướng dẫn họ lập Giấy ủy quyền để được giải quyết nhanh.
Kết quả thực hiện việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH trên địa bàn Hà Nội (chi trả gộp hai tháng 4, 5-2020 vào kỳ chi trả tháng 4-2020) vừa qua cũng cho thấy, chỉ trong một ngày 7-4, Hà Nội đã thực hiện chi trả xong cho 139.658 đối tượng thụ hưởng qua tài khoản ATM, với số tiền lên đến trên 1.660 tỷ đồng. Việc chi trả qua ATM đảm bảo an toàn, nhanh chóng, thuận tiện.
Trong khi đó, để đảm bảo chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH bằng tiền mặt cho các đối tượng thụ hưởng còn lại, phải huy động lực lượng, chuẩn bị phương án, từ ngày 16-4 đến nay, ngành bưu điện, BHXH và CATP Hà Nội đã phải huy động hàng nghìn cán bộ đi chi trả tại nhà, kéo dài trong nhiều ngày.
Nhận lương hưu qua tài khoản vừa an toàn, vừa thuận tiện
Nỗ lực thay đổi thói quen
Trao đổi với Báo ANTĐ, ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc BHXH TP Hà Nội chia sẻ, là địa phương có số lượng người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH lớn nhất cả nước, BHXH Thành phố đã có rất nhiều cố gắng trong công tác phát triển người hưởng qua tài khoản cá nhân thay vì tiền mặt.
Không chỉ giao chỉ tiêu phát triển đối tượng thanh toán không dùng tiền mặt cho BHXH các quận, huyện, thị xã, BHXH thành phố cũng có sự phối hợp chặt chẽ với hệ thống ngân hàng thương mại (Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Lienvietpostbank, Seabank…) xây dựng quy trình thực hiện mở tài khoản cá nhân, phát hành thẻ ATM miễn phí cho người hưởng.
Kết quả, từ tháng 10-2019 đến tháng 3-2020, Hà Nội đã phát triển được gần 4.000 người hưởng qua tài khoản cá nhân. Đặc biệt, trong quá trình chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 4, 5-2020, Bưu điện thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp cùng Ngân hàng thương mại thực hiện các thủ tục mở tài khoản cá nhân cho người hưởng tại nhà nếu người hưởng có nhu cầu.
Tuy vậy, tỷ lệ người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản trên địa bàn thành phố hiện vẫn tăng chậm và chưa đạt kỳ vọng, mới đạt 23,99%.
Theo ông Hòa, ngoài nguyên nhân nhiều người nhận lương hưu tuổi cao, hạn chế tiếp cận công nghệ thì một bộ phận không nhỏ người dân “ngại thay đổi thói quen”, thậm chí vẫn có tâm lý “thích nhận tiền mặt”. Do đó, công tác tuyên truyền về lĩnh vực này cần được đẩy mạnh, đó không chỉ là trách nhiệm của ngành BHXH mà của cả hệ thống chính trị, nhất là chính quyền các địa phương.
Với nhiệm vụ “đến năm 2021 đạt trên 50% số người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH, mai táng phí, tử tuất… sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực đô thị” theo Quyết định số 241/QĐ-Ttg ngày 23/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ, thời gian tới, BHXH TP Hà Nội sẽ tiếp tục quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo thực hiện phát triển người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua tài khoản cá nhân nhằm hoàn thành chỉ tiêu đã được giao và thuận lợi cho công tác chi trả.