Nhân lực bất động sản: Quá thiếu

(ANTĐ) - Thị trường bất động sản (BĐS) ngày càng thể hiện sự hấp dẫn và nóng bỏng của nó. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì sự thiếu chuyên nghiệp vẫn là điểm yếu lớn nhất của những người tham gia thị trường này, từ các chuyên gia kỹ thuật, giới kinh doanh, các nhà quản lý sàn giao dịch đến môi giới, định giá BĐS... Nguyên nhân chính là do thị trường phát triển quá nhanh trong khi công tác đào tạo vốn đã không đón đầu được nhu cầu lại còn quá nhiều thiếu sót.

Nhân lực bất động sản: Quá thiếu

(ANTĐ) - Thị trường bất động sản (BĐS) ngày càng thể hiện sự hấp dẫn và nóng bỏng của nó. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì sự thiếu chuyên nghiệp vẫn là điểm yếu lớn nhất của những người tham gia thị trường này, từ các chuyên gia kỹ thuật, giới kinh doanh, các nhà quản lý sàn giao dịch đến môi giới, định giá BĐS... Nguyên nhân chính là do thị trường phát triển quá nhanh trong khi công tác đào tạo vốn đã không đón đầu được nhu cầu lại còn quá nhiều thiếu sót.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Một bằng chứng cho thấy ảnh hưởng của nguồn nhân lực tới hiệu quả kinh doanh BĐS ở nước ta: Tới trên 60% thị phần và lợi nhuận từ dịch vụ đang và sẽ có mức tăng trưởng nhanh là dịch vụ quản trị BĐS thương mại như trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, khách sạn thuộc về các tập đoàn BĐS nước ngoài. Đó là những tập đoàn bên cạnh sự vững mạnh về kinh tế thì sự chuyên nghiệp hóa từ khâu nhân sự đến quản lý và điều hành cũng đóng vai trò quan trọng không kém, trong khi các công ty trong nước chỉ tiếp cận được các công trình nhỏ, đơn lẻ với lợi nhuận tỷ lệ thuận. Khâu nhân sự luôn là khó khăn của các doanh nghiệp trong nước.

Hiện tại quy mô đào tạo nhân lực ngành BĐS nước ta vô cùng nhỏ bé với 40 cử nhân đào tạo chính quy và chuyên sâu tại Khoa BĐS và Quản lý địa chính, trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Theo TS Hoàng Văn Cường, chủ nhiệm khoa thì do số lượng quá ít ỏi so với nhu cầu nên hầu hết sinh viên ra trường đều có việc làm ngay, thậm chí nhiều doanh nghiệp phải đến tận trường để “xin” sinh viên về thực tập. Trong khi, tại Singapore, mỗi năm có tới 20.000 người được đào tạo chính quy trong lĩnh vực này, cho thấy khoảng cách của chúng ta là quá lớn. Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo lại là cả một vấn đề. Kể từ khi Luật Bất động sản ban hành (31-12-2007), cùng với đó là Quyết định số 29/2007/QĐ-BXD Ban hành chương trình khung đào tạo về môi giới BĐS, định giá BĐS và quản lý, điều hành sàn giao dịch BĐS, tính đến hết năm 2009, nước ta có thêm hơn 35.000 lượt người tham gia các lớp đào tạo ngắn hạn tại 86 cơ sở đào tạo được công nhận đủ điều kiện đào tạo nghiệp vụ môi giới, định giá BĐS và quản lý điều hành sàn giao dịch BĐS và đã được cấp chứng chỉ.

Để có được một loại chứng chỉ, học viên phải tham gia khóa học kéo dài khoảng 2 tháng - một khoảng thời gian quá ít ỏi để hiểu về một lĩnh vực đầy phức tạp. Trong khi đó, số lượng cơ sở đào tạo tăng lên nhanh chóng, ồ ạt, liên tục chiêu sinh khóa học mới. Một người có kinh nghiệm trong lĩnh vực BĐS cho rằng, việc tham gia các lớp này mục đích chính là có được các chứng chỉ theo quy định chứ thực tế thì các khóa đào tạo chỉ mang lại những kiến thức chung chung, kiến thức “chay” mà chưa được thực hành, cọ xát với sàn mẫu, sàn thật. Ngay cả những người làm công tác đào tạo cũng phải nhìn nhận: Chương trình đào tạo hiện tại chỉ có thể đáp ứng nhu cầu cấp bách trước mắt là cập nhật hệ thống kiến thức chuyên ngành một cách tổng quát nhất. Thực tế thì đến nay, chúng ta vẫn chưa ban hành được bộ giáo trình giảng dạy chuẩn, chưa xây dựng được kế hoạch phát triển lực lượng giảng viên chuyên nghiệp; Quy định về điều kiện được hành nghề đối với các cơ sở đào tạo hiện nay khá đơn giản, do vậy chưa sàng lọc được nhiều đơn vị chuyên nghiệp có năng lực cao để tổ chức đào tạo; Chất lượng đào tạo thực tế hiện nay ở các đơn vị chưa cao, chưa đồng đều, thiếu tính chuyên nghiệp; Chưa chú trọng xây dựng nội dung đào tạo chất lượng, hiện đại đáp ứng nhu cầu của thị trường…

Theo ông Phạm Xuân Điều - Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị thì hiện hệ thống chuyên gia, chương trình đào tạo nhân lực lĩnh vực BĐS đều rất mới, chưa có sự chuẩn bị kỹ. Tình trạng hiện nay là đào tạo cứ đào tạo, chưa quan tâm đến nhu cầu sử dụng, chưa có sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và đơn vị quản lý sàn hoặc kinh doanh BĐS. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS cho rằng rất cần thiết phải nâng cao chất lượng nội dung chương trình đào tạo, đội ngũ tham gia giảng dạy tại các cơ sở đào tạo từ đó nâng cao chất lượng học viên tham gia thị trường này.

Trong tương lai, các cơ sở đào tạo sẽ năng động hơn, mở rộng phạm vi đào tạo ra các địa phương mới để khai thác thị trường còn bỏ ngỏ, bên cạnh những chương trình đào tạo cơ bản sẽ chú trọng xây dựng các chương trình đào tạo về BĐS nâng cao, các kỹ năng, nghiệp vụ bổ trợ; đồng thời tranh thủ kinh nghiệm và sự hỗ trợ quốc tế cho việc hình thành và phát triển nghề kinh doanh BĐS ở nước ta. Về lâu dài, khi thị trường và chính sách mới ổn định, cơ quan quản lý cần đưa ra những tiêu chí cụ thể về chất lượng trong hoạt động đào tạo này.

Linh Nhật