Nhận diện chiêu trò giả mạo biên lai chuyển khoản hóa đơn ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Chiêu trò làm giả biên lai, hóa đơn xác nhận chuyển tiền thành công của các ngân hàng, ví điện tử là thủ đoạn mới xuất hiện, nhưng đã xảy ra nhiều vụ chiếm đoạt số tiền lớn của người dân.

Hóa đơn giả, tiền không về tài khoản

Thời gian gần đây, nhiều địa phương đã xuất hiện tình trạng giả mạo biên lai chuyển khoản ngân hàng để chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo là mua hàng số lượng lớn, sau đó đề nghị chuyển khoản theo hình thức Internet Banking cho người bán hàng. Nhưng thực chất không hề có việc chuyển tiền thật, mà các đối tượng đã dùng một số phần mềm tạo dựng hóa đơn thanh toán giả rồi đưa cho người bán hàng xem nhằm chứng minh là đã thực hiện việc chuyển khoản. Cho đến khi các nạn nhân không thấy tài khoản báo có tiền và nhận ra mình đã bị lừa, thì các đối tượng đã “cao chạy xa bay”.

Người dân cần cảnh giác với những bill chuyển khoản ngân hàng

Người dân cần cảnh giác với những bill chuyển khoản ngân hàng

Điển hình như vụ việc vừa được CAH Nam Sách, tỉnh Hải Dương điều tra làm rõ mới đây. Theo đó, từ đầu tháng 3-2023, Bùi Minh Nguyệt (SN 2003) trú tại khu dân cư Vũ La, phường Nam Đồng, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương và Khổng Thị Nga (SN 1996) trú tại phường Đồng Sơn, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang thường đi đến các cửa hàng dược phẩm, quần áo thời trang, tạp hóa… trên địa bàn để mua hàng hoặc sử dụng các dịch vụ, rồi nói mình không đem theo tiền mặt.

Các đối tượng đề nghị chủ cửa hàng cho thanh toán bằng hình thức chuyển khoản. Sau khi được chủ cửa hàng cung cấp số tài khoản ngân hàng, Bùi Minh Nguyệt gửi thông tin cho Khổng Thị Nga qua ứng dụng Zalo để Nga làm giả bill thành toán thành công qua tài khoản ngân hàng, sau đó gửi lại Nguyệt đưa cho chủ cửa hàng xem và nhanh chóng tẩu thoát.

Với hình thức tương tự như trên, đối tượng Bùi Thị Bích (SN 2001) trú tại xã Yên Trị, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định đã bị CATP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình bắt giữ để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo trình bày của bị hại Nguyễn Thị N. (là chủ cửa hàng bán tạp hóa TP Tam Điệp, Ninh Bình), từ ngày 12 đến ngày 30-1-2023, có một số tài khoản mạng xã hội nhắn tin, gọi điện để mua hàng của chị. Sau đó, đối tượng này chụp hình ảnh đã chuyển tiền thanh toán thành công cho chị N. với tổng số tiền là hơn 47 triệu đồng.

Tuy nhiên, sau khi chuyển hàng cho khách, chị N. kiểm tra tài khoản thì phát hiện không có tiền. Quá trình điều tra, xác minh, cơ quan công an xác định Bùi Thị Bích chính là đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của chị N.

Tại cơ quan công an, Bùi Thị Bích khai nhận đã dùng nhiều tài khoản mạng xã hội để mua hàng của chị N, sau đó dùng phần mềm tạo hóa đơn giả để chuyển tiền cho chị N. Trên thực tế, Bích không hề chuyển tiền cho chị N.

Cảnh giác với những bill chuyển tiền

Đáng chú ý, theo chỉ huy Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao CATP Hà Nội, hoạt động cung cấp và mua bán biên lai xác nhận chuyển khoản giả đang được diễn ra một cách công khai, lộ liễu trên mạng xã hội… dễ dàng tiếp tay cho các đối tượng trong hoạt động lừa đảo.

Những hóa đơn giả chuyển tiền ngân hàng sẽ có những dấu hiệu đáng ngờ

Những hóa đơn giả chuyển tiền ngân hàng sẽ có những dấu hiệu đáng ngờ

Trên mạng xã hội Facebook xuất hiện nhiều hội nhóm, tài khoản công khai nhận làm giả bill thanh toán với giá từ vài chục nghìn đồng cho đến vài trăm nghìn đồng tùy theo giá trị. Bill thanh toán ghi số tiền càng lớn thì chi phí làm bill giả sẽ tăng theo. Thậm chí, thông qua một số website, các đối tượng tội phạm giờ đây chỉ cần nhập thông tin như số tài khoản ngân hàng của người bán hàng và số tiền cần chuyển là ngay lập tức đã có một bill thanh toán giống biên lai, hóa đơn xác nhận chuyển tiền thành công của ngân hàng. Đó chính là lý do ngày càng xuất hiện nhiều đối tượng lừa đảo với chiêu thức này và cũng đã có nhiều người bán bị lừa từ vài trăm ngàn đến hàng chục triệu đồng.

Cơ quan công an khuyến cáo, để tránh bị lừa đảo, người dân nếu sử dụng giao dịch qua tài khản ngân hàng cần lưu ý kỹ hóa đơn chuyển khoản, chỉ khi tiền đã vào tài khoản của mình mới tiếp tục thực hiện các giao dịch khác. Không giao hàng hóa cho bất kỳ ai khi chưa nhận được tiền trong tài khoản ngân hàng, kể cả khi kẻ gian cung cấp hình ảnh đã chuyển khoản thành công.

Ngoài ra, với hệ thống công nghệ của các ngân hàng, việc chuyển khoản 24/7, khách hàng sẽ nhận được thông báo có tiền trong tài khoản. Người tham gia giao dịch nên chờ thông báo đã nhận được tiền từ ngân hàng thay vì chỉ tin tưởng vào ảnh chụp giao diện chuyển tiền thành công.

Bên cạnh đó, nếu để ý kĩ thì hình ảnh “giao dịch thành công” bị làm giả có một số đặc điểm khác với hình ảnh từ ngân hàng chính thống về màu sắc, phông chữ, thời gian...