Nhận diện chiến thuật “tàu khảo cứu” áp đặt yêu sách chủ quyền phi pháp ở Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau một thời gian yên lặng, Trung Quốc lại cho tàu khảo sát với sự hộ tống của tàu hải cảnh xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam ngoài khơi bờ biển miền Trung. Mưu toan gì đằng sau động thái gây căng thẳng này của Trung Quốc?
Giàn khoan West Capella của Malaysia từng bị tàu khảo sát Trung Quốc cản trở hoạt động

Giàn khoan West Capella của Malaysia từng bị tàu khảo sát Trung Quốc cản trở hoạt động

Hoạt động khảo sát phi pháp trong vùng biển của nước khác

Theo hãng tin Mỹ Benar News, chiếc tàu khảo sát đại dương mang tên Shiyan-1 đã rời vịnh Hải Khẩu trên đảo Hải Nam ngày 12-10 và đi xuống phía Nam. Tháp tùng theo chiếc tàu này là tàu hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 2305. Các dữ liệu theo dõi tàu biển cho thấy tàu Shiyan-1 đã tiến sâu vào bên trong EEZ 200 hải lý của Việt Nam, có lúc chỉ cách bờ biển khoảng 70 hải lý.

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc cho tàu khảo sát được lực lượng hải cảnh và dân quân biển hộ tống tiến vào EEZ và thềm lục địa của Việt Nam. Năm ngoái, từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 10, nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 nhiều lần khảo sát trái phép tại khu vực Nam Biển Đông, trong EEZ và thềm lục địa của Việt Nam. Tháng 4-2020, đội tàu Hải Dương 8 một lần nữa lại tiến hành hoạt động phi pháp với Việt Nam.

Ngoài Việt Nam, các tàu khảo sát của Trung Quốc còn nhiều lần hoạt động bất hợp pháp trong EEZ của Malaysia, Philippines. Với Indonesia, trung tuần tháng 9-2020, tàu hải cảnh 5204 của Trung Quốc đã đi vào vùng EEZ ở gần khu vực Natuna của Indonesia, nằm phía Nam Biển Đông. Bộ Ngoại giao Indonesia đã trao công hàm phản đối. Ngoài Biển Đông, tàu khảo sát của Trung Quốc như tàu Hướng Dương Hồng 01 cũng từng bị phát hiện hoạt động bất hợp pháp trong EEZ của Palau ở phía tây Thái Bình Dương, khiến chính quyền Palau phản ứng quyết liệt.

Theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, tàu thuyền của tất cả các quốc gia, có biển hay không có biển, đều được hưởng quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải của quốc gia ven biển. Tuy nhiên, điều 56 và điều 77 UNCLOS cũng quy định rõ quốc gia ven biển có quyền chủ quyền trong việc thăm dò, khai thác, quản lý và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, sinh vật (hải sản) hay phi sinh vật (dầu khí, khoáng sản); có quyền tài phán độc quyền đối với lĩnh vực nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ môi trường biển và xây dựng, vận hành công trình nhân tạo trong EEZ của mình. Các nước khi chưa được phép mà tiến hành thăm dò tài nguyên hay nghiên cứu khoa học biển trong EEZ của nước khác là vi phạm luật pháp quốc tế.

Nếu như thực hiện các hoạt động nghiên cứu đại dương và khảo sát hàng hải theo luật pháp quốc tế thì không có vấn đề gì, nhưng đội tàu của Trung Quốc bị cáo buộc là thực hiện các hoạt động khảo sát phi pháp trong vùng biển của các nước như Việt Nam, Philippines, Malaysia. Khu vực mà Trung Quốc đưa tàu vào hoạt động không phải là khu vực tranh chấp hay có chồng lấn mà là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của nước khác.

Để phục vụ cho mục tiêu mở rộng hoạt động trên các vùng biển, Trung Quốc đã xây dựng một đội tàu khảo sát đại dương hùng hậu với gần 60 chiếc đủ các loại. Cuối tháng 8 vừa rồi, Trung Quốc đã hạ thủy tàu khảo sát “khủng” Tôn Trung Sơn có thể hoạt động tới 15 nghìn hải lý, dự trữ hành trình đủ cho 100 thủy thủ vận hành trong 60 ngày liên tục.

Chiến thuật dài hơi từ “lấn dần” tới “áp đặt chủ quyền”

Điểm chung gắn liền với hoạt động của các tàu khảo sát Trung Quốc ở Biển Đông trong thời gian gần đây là chúng đều vào hoạt động bên trong EEZ của nước khác, tại những nơi mà Bắc Kinh cho là thuộc chủ quyền của mình. Câu hỏi đặt ra là phải chăng Bắc Kinh bắt đầu đẩy mạnh chiến lược có thể gọi là “tàu khảo cứu” để áp đặt yêu sách chủ quyền của mình trên các vùng biển của nước khác?

Có thể nói, việc Trung Quốc đưa tàu khảo sát vi phạm EEZ và thềm lục địa của Việt Nam, Malaysia, Philippines cho thấy Bắc Kinh quyết tâm biến yêu sách “đường lưỡi bò” phi pháp thành chuyện đã rồi, buộc thế giới phải chấp nhận sự phi lý, bất chấp luật pháp cũng như lợi ích của cộng đồng quốc tế. Nếu cộng đồng quốc tế không phản ứng, Trung Quốc sẽ dần lấn tới và áp đặt chủ quyền phi lý của họ, tiến tới kiểm soát hoàn toàn Biển Đông rồi lấn sang các biển khác. Nguy cơ thương mại biển trên thế giới sẽ bị Trung Quốc chi phối, sự phát triển và nền hòa bình của thế giới sẽ bị đe dọa.

Nhắc lại vụ tàu Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc xâm phạm EEZ của Việt Nam tháng 7-2019, ông James Kraska, giáo sư về luật hàng hải quốc tế tại Đại học hải chiến Mỹ, cảnh báo: “Tôi tin rằng đây là một phần trong chiến dịch dài hơi nhằm bình thường hóa sự hiện diện của tàu Trung Quốc tại đây. Hành động này cũng tương tự như tung tàu cá hoạt động trong EEZ nước khác hay ban hành lệnh cấm đánh bắt trên biển. Ý định ẩn sau là khiến dư luận quen dần với các hành vi xâm phạm và sau vài năm, Trung Quốc sẽ được coi là đã có sự hiện diện hợp pháp và thường lệ trong EEZ của Việt Nam”.

Theo ông James Kraska, hành động dùng tàu khảo sát xâm phạm nằm trong chiến lược “tằm ăn rỗi” được triển khai một cách chậm rãi, nhằm đạt được ý đồ mà không cần dùng tới sức mạnh quân sự, tránh dẫn đến phản ứng mạnh mẽ hơn của Việt Nam và các nước trong cũng như ngoài khu vực. Mục tiêu lâu dài của Trung Quốc là biến vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thành khu vực do nước này kiểm soát.

Tiến sỹ Murray Hiebert, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), một trong những chuyên gia hàng đầu của Mỹ về ASEAN, thì cảnh báo âm mưu của Trung Quốc dùng tàu khảo sát ngăn cản Việt Nam, Malaysia khai thác dầu khí, ngay cả khi các hoạt động của Việt Nam và Malaysia nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Hệ quả là giờ đây, các nước không chỉ xung đột về chủ quyền với các đảo và thực thể, mà còn có xung đột về các tài nguyên.

Trở lại vụ Trung Quốc lại đưa tàu khảo sát xâm nhập EEZ của Việt Nam ngoài khơi bờ biển miền Trung mới đây, dư luận còn quan tâm đến chi tiết nó diễn ra vào thời điểm trước khi Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, người vừa nhậm chức cách đây một tháng, tới thăm Việt Nam. Ông Suga Yoshihide được cho là sẽ tiếp tục thực hiện chính sách “một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở” của người tiền nhiệm là cựu Thủ tướng Shinzo Abe.

Cùng với Mỹ, Ấn Độ và Australia, Nhật Bản ủng hộ tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, phản đối bất cứ hành động nào làm gia tăng căng thẳng trên vùng biển này, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của nguyên tắc thượng tôn pháp luật và sử dụng các biện pháp hòa bình thay cho vũ lực và cưỡng ép. Quan điểm của Nhật Bản đương nhiên mâu thuẫn với âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.