Nhân dân Thủ đô gửi gắm kỳ vọng tới Đại hội Đảng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lời Tòa soạn: Phóng viên Báo An ninh Thủ đô ghi nhận ý kiến của các tầng lớp nhân dân, văn nghệ sĩ, trí thức của Thủ đô kỳ vọng trước thềm Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025. Nhiệm kỳ 5 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, chủ động, sáng tạo, bản lĩnh, quyết tâm vượt khó trong xây dựng, phát triển thành phố. Nhờ vậy, Hà Nội tiếp tục duy trì sự phát triển toàn diện, tạo lập cơ sở vững chắc để bước vào giai đoạn phát triển mới ở tầm cao hơn.

Luật sư Vũ Quang Vượng - Giám đốc Công ty Luật TNHH Quang Vượng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội): “Thật sự tin tưởng và tự hào”

Có thể thấy, sau 5 năm triển khai Chương trình số 08/Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016-2020”, công tác CCHC của thành phố đã đạt nhiều kết quả khả quan, từng bước hiện đại hóa nền hành chính phục vụ nhân dân. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực.

Cùng với đó, cơ chế một cửa, một cửa liên thông tiếp tục được đẩy mạnh triển khai với nhiều cách làm mới, tạo chuyển biến trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Nổi bật là quy chế phối hợp liên thông về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới sáu tuổi; quy chế phối hợp liên thông các thủ tục hành chính.

Năm 2019 là năm thứ ba liên tiếp Hà Nội xếp thứ 2 trong cả nước về Chỉ số CCHC cấp tỉnh (PAR Index). Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 của Hà Nội xếp thứ 9, tăng 15 bậc so với năm 2015 và nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc.

Đối với công tác quản lý cán bộ Đảng viên, 5 năm qua, Hà Nội đã đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng; tăng cường kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và giám sát chuyên đề; hoàn thành khối lượng công việc lớn.

Là công dân của Thủ đô, tôi thật sự tin tưởng và tự hào trong 5 năm qua, Hà Nội đã có sự phát triển vượt bậc về nhiều mặt. Trước thềm Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, tôi cũng tin tưởng và kỳ vọng, các đại biểu sẽ tập trung trí tuệ, bàn các giải pháp, phương hướng để sớm đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII vào cuộc sống.

Đặc biệt, các đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ là những đồng chí tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức, lối sống, có trình độ, năng lực, đủ đức, đủ tài để lãnh đạo một nhiệm kỳ mới phát huy được thành quả của nhiệm kỳ cũ và tạo đột phá cho sự phát triển của Thủ đô trong giai đoạn mới.

Thanh Quang (Ghi)

Khu vực hồ Gươm được trang trí bằng nhiều tác phẩm, triển lãm để chào mừng Kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội và ngày Giải phóng Thủ đô 10-10 (ẢNH: LAM THANH)

Khu vực hồ Gươm được trang trí bằng nhiều tác phẩm, triển lãm để chào mừng Kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội và ngày Giải phóng Thủ đô 10-10 (ẢNH: LAM THANH)

Ông Đỗ Ngọc Sơn (Trưởng ban công tác mặt trận 12, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội): “Nhiều biện pháp, chủ trương mới khắc phục hạn chế, tồn tại”

Cùng với toàn Đảng, toàn dân, lực lượng vũ trang TP Hà Nội, những cán bộ hưu trí của các địa bàn dân cư nói chung và địa bàn phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình nói riêng vô cùng phấn khởi, tự hào về những thành tựu của Đảng bộ TP Hà Nội trong nhiệm kỳ vừa qua. Đảng bộ thành phố đã vượt mọi khó khăn, thử thách, nhất là trong năm 2020, khi đại dịch Covid-19 hoành hành khắp nơi, Ban chấp hành Đảng bộ thành phố đã lãnh đạo toàn Đảng bộ thực hiện nghiêm công tác chống dịch, thực hiện nhiệm vụ “kép”, mục tiêu “kép” vừa chống dịch vừa khôi phục kinh tế, động viên nhân dân thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020 đã đặt ra.

Về phương hướng nhiệm kỳ mới 2020 - 2025, chúng tôi đã được quán triệt, nghiên cứu và tham gia ý kiến đóng góp về phương hướng, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII đề ra. Cán bộ, nhân dân, các lực lượng vũ trang trên địa bàn Thủ đô cũng tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và tin tưởng vào đường lối, chủ trương, Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.

Chúng tôi kỳ vọng với chủ đề của Đại hội là “Vươn lên, đoàn kết, đồng tâm, hiệp lực, bứt phá, sáng tạo”, Đảng bộ thành phố sẽ có nhiều biện pháp, chủ trương mới khắc phục được những khó khăn, hạn chế, tồn tại và nhất là những khuyết điểm, yếu kém trong nhiệm kỳ vừa qua, để xây dựng một kế hoạch hành động thiết thực, đi vào cuộc sống. Đặc biệt, xây dựng được đội ngũ cán bộ, lựa chọn những đồng chí ưu tú nhất, có trách nhiệm, vì dân, vì Đảng nhất, bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ mới. Từ đó có những chủ trương, biện pháp giải quyết hiệu quả vì sự nghiệp phát triển của Thủ đô, vì hạnh phúc của nhân dân.

Yên Hưng (Ghi)

Bà Đoàn Thị Loan (Giáo viên hưu trí - quận Hai Bà Trưng, Hà Nội): “Mong muốn Đảng bộ thành phố quan tâm nhiều hơn đến công tác giáo dục”

Là một nhà giáo hưu trí, tôi bày tỏ niềm tin tuyệt đối vào những định hướng, chính sách mà Đảng bộ thành phố đã đề ra, được trình bày trong dự thảo báo cáo chính trị đăng công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng để nhân dân đóng góp ý kiến. Không thể phủ nhận sự phát triển của giáo dục Thủ đô trong những năm qua. Dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ thành phố đối với Đảng bộ Sở GD-ĐT, 5 năm qua ngành Giáo dục Thủ đô đã có những đổi mới về cách dạy và học, chất lượng học sinh ngày càng được nâng lên.

Nhưng cũng vẫn có những điều đáng tiếc xảy ra, đó là đạo đức thầy và trò, là việc những giáo viên hợp đồng lâu năm “bất ngờ” mất việc. Vì vậy, người đã từng làm giáo dục như chúng tôi mong muốn, Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XVII sẽ có những nghị quyết đi vào cuộc sống, quan tâm hơn nữa đến ngành giáo dục, nơi đào tạo ra những thế hệ tương lai của đất nước. Phải có chủ trương, biện pháp cụ thể đối với giáo viên để họ yên tâm công tác, giảng dạy và cống hiến; xây dựng một nền tảng đạo đức từ gốc, thầy ra thầy, trò ra trò, công bằng trong ứng xử với từng học sinh, thầy cô phải là tấm gương sáng để các em học sinh noi theo; đổi mới phương pháp giảng dạy, nhất là đối với công tác bồi dưỡng các đội tuyển tham gia kỳ thi quốc gia, quốc tế…

Châu Anh (Ghi)

Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Bộ Công an: “Cần giải pháp khai thác triệt để khối lượng chất xám khổng lồ ở Thủ đô”

Những năm gần đây, Thủ đô của chúng ta có nhiều chuyển biến tích cực. Cá nhân tôi đặc biệt quan tâm tới tiêu chí đầu tư nước ngoài vào Hà Nội, hai năm gần đây liên tục tăng, cho thấy môi trường ngày càng lành mạnh, hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Trên đà này, Thủ đô của chúng ta hoàn toàn có thể có bước tiến dài nữa. Tôi cho rằng tiềm năng của Hà Nội còn rất lớn, nhưng phần khai thác được chưa nhiều, đặc biệt là khai thác chất xám. Thống kê không chính thức cho biết, hơn 25% trí thức cả nước đang sinh sống, học tập và làm việc tại Hà Nội. Nhưng có lẽ thời gian qua, việc khai thác chất xám của đội ngũ này chưa nhiều, dư địa còn rất lớn.

Trong xu hướng toàn cầu hoá hóa và cách mạng 4.0, vấn đề sử dụng chất xám, sử dụng tri thức tạo ra đột phá trong sản xuất ra những sản phẩm mới mang tính quyết định cuộc cạnh tranh hiện nay. Các quốc gia có thể hợp tác, hỗ trợ nhau tiền bạc để cùng vượt qua thiên tai, bệnh dịch nhưng trong cuộc cạnh tranh chất xám, cạnh tranh tri thức - cuộc cạnh tranh lớn nhất hiện nay - không ai chờ ai cả.

Là một công dân gắn bó với Hà Nội suốt 60 năm qua và một nhà nghiên cứu chiến lược, tôi nghĩ nếu muốn tới đây Thủ đô phát triển mạnh mẽ hơn, tạo đột phá, điểm sáng để dẫn đầu cả nước, Thành ủy, UBND thành phố cần quan tâm hơn nữa, cũng như tìm giải pháp khai thác triệt để khối lượng chất xám khổng lồ của đội ngũ trí thức. Một gợi ý nhỏ, đó là Thành ủy, UBND thành phố có thể tổ chức “Diễn đàn trí thức góp ý xây dựng Thủ đô”. Trong 10.000 trí thức Hà Nội, tôi tin sẽ có 1.000 ý kiến hay, nhiều sáng kiến mang tính đột phá giúp Thủ đô phát triển nhanh hơn, mạnh hơn.

Thuần Thư (Ghi)

Ông Trương Minh Tiến - Phó Chủ tịch Ban cố vấn Hiệp hội Du lịch Việt Nam: “Phải đặt văn hóa quan trọng ngang tầm với kinh tế”

Mong ước của cá nhân tôi trong thời gian tới, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII này là chúng ta tiếp tục phấn đấu để đạt được nhiều thành tích hơn nữa trong việc xây dựng văn hóa con người Hà Nội có nhân cách, tự trọng, có lối sống văn minh thanh lịch…

Cụ thể, cần có sự chuyển biến rõ rệt trong 3 môi trường: Gia đình - Nhà trường - Xã hội. Định lượng cái này khó, nhưng cảm quan hàng ngày mình thấy được chuyển biến và kết quả. Ví dụ, các vụ bạo lực gia đình, bạo lực học đường giảm rõ nét. Thầy cô mẫu mực, học trò chăm ngoan. Không xảy ra những chuyện gây bức xúc, phản cảm trong xã hội. Nơi công cộng cũng thế, phải nhường nhịn nhau, ứng xử có văn hóa hơn. Tôi mong nhất là chuyển biến ấy.

Trong báo cáo văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố, năm 2025 cũng đưa ra định hướng lớn, xây dựng Hà Nội giàu đẹp, văn minh, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước, xứng đáng là trung tâm chính trị, hành chính, khoa học, kinh tế, văn hoá… Đến năm 2030, Hà Nội là thành phố xanh, văn hiến, văn minh hiện đại. Năm 2045 là Thủ đô của một nước phát triển… Tất cả những vấn đề đó đều cần phát triển đồng bộ. Tất cả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ giải pháp, đột phá trong văn kiện đã nêu, văn hóa tiếp tục được coi trọng và là một nội dung quan trọng trong định hướng, giải pháp… Cá nhân tôi cũng mong phải xây dựng được Hà Nội như thế.

Đặc biệt, trong giải pháp chỉ đạo phải đặt văn hóa ngang bằng vai trò kinh tế. Muốn thế, trước hết phải là sự tham mưu. Chất lượng tham mưu về văn hóa của ngành văn hóa phải tiếp tục và nâng cao hơn nữa thì mới có hiệu quả. Phải định ra được, vì văn hóa vừa có định tính lại vừa có định lượng. Ở đây, cũng phải nói thêm, nguồn lực cho văn hóa như nhân lực, kinh phí… cũng cần thiết, thêm đó là sự chỉ đạo - chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy chính quyền, đưa thành định kỳ báo cáo, kiểm điểm như kinh tế. Phải sát sao hơn. Phải tăng cường hơn nữa sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng chính quyền trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, cần quyết liệt hơn nữa, kiểm điểm rõ, cấp nào, ngành nào, địa phương nào không làm tốt… phải phê bình cụ thể. Nếu quyết liệt, tôi tin mưa dầm thấm lâu, chỉ một thời gian ngắn, văn hóa Hà Nội sẽ có thêm những chuyển biến tích cực.

Quỳnh Vân (Ghi)

Họa sĩ Nguyễn Minh: “Cần các sân chơi nghệ thuật xứng tầm”

Trước mỗi sự kiện, mỗi một dấu mốc lịch sử của đất nước, mỗi cá nhân đều nghĩ và mong muốn sự hưng thịnh, đổi thay của đất nước. 1010 năm Thăng Long - Hà Nội là một dấu mốc quan trọng. Cá nhân tôi mong muốn có nhiều sân chơi hơn nữa về nghệ thuật dành cho các nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ trẻ. Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đang hội nhập sâu rộng với quốc tế. Chúng ta vẫn đến Singapore, Hồng Kông... để xem các triển lãm.

Đó là những nơi có uy tín và bề dày về chất lượng nghệ thuật và hình thức, quy mô tổ chức. Tôi nghĩ rất nhiều nghệ sĩ cũng mong muốn điều đó tại Hà Nội, nơi lắng hồn núi sông và hội ngộ bốn phương. Và để làm được điều này, vai trò chỉ đạo và điều tiết của Nhà nước là rất quan trọng. Hà Nội cần có các dự án nghệ thuật thể hiện rõ sự giao lưu đa vùng miền, đa sắc tộc, đa quốc gia, tạo ra nhiều cơ hội học tập và trao đổi kinh nghiệm cho các nghệ sĩ trong nước.

Còn về cá nhân, tôi đặt ra cho mình những hướng phát triển mới về nghề. Vốn có tiếng ở dòng tranh phố, tôi sẽ tiếp tục loạt tranh này bằng việc lồng ghép các di sản và được thể hiện theo phong cách bán trừu tượng trên nhiều chất liệu, trong đó có chất liệu sơn mài truyền thống. Tôi nghĩ, sự vận động và sáng tạo không ngừng đến từ các nghệ sĩ, sẽ góp phần tạo nên diện mạo mới của Thăng Long - Hà Nội.

Thu Hương (Ghi)