Nhân chứng sống sót sau trận "Trân Châu Cảng thứ hai"

ANTD.VN - Thảm họa West Loch hay “Trân Châu Cảng thứ hai” xảy ra vào ngày 21-5-1944 khi Mỹ tập trung lực lượng Hải quân tại khu vực West Loch, Hawaii, một vụ nổ lớn từ một tàu đổ bộ tăng (LST) kéo theo các tàu khác bị cháy, gây hoảng loạn cho quân đội Mỹ trước khi tiến hành Chiến dịch Forager tấn công đảo Saipan, Nhật Bản trong chiến tranh thế giới thứ hai. Vụ việc làm 163 quân nhân thiệt mạng, 396 người khác bị thương và nhiều tình tiết vẫn bị quân đội Mỹ che giấu cho đến nay.

Herb Church - nhân chứng sống sót sau vụ việc đã kể lại câu chuyện này. Nguyên nhân thảm họa cho đến nay vẫn là một câu hỏi lớn, liệu có phải do Nhật Bản tấn công như vụ Trân Châu Cảng năm 1941?

Nhân chứng sống sót sau trận "Trân Châu Cảng thứ hai" ảnh 1Ông Herb Church, cựu binh Hải quân Thế chiến II thoát chết sau vụ “Trân Châu Cảng thứ hai” giới thiệu những tấm huy chương và bức ảnh ông mặc quân phục khi 19 tuổi

Vụ nổ kinh hoàng 

“Mọi thứ thay đổi vào 15h08 ngày 21-5-1944. Một buổi trưa chủ nhật, căn cứ Hải quân Mỹ tại Trân Châu Cảng yên tĩnh, vắng lặng bỗng chốc trở thành vùng đen, đầy chết chóc. Một tiếng nổ lớn xé toang không khí yên tĩnh vùng đảo Hawaii. Gần như ngay sau tiếng nổ, một quả cầu lửa hình thành cùng với đám mây khói đen, dày đặc bốc cao lên bầu trời.

Chỉ trước đó vài tích tắc, từng ngọn gió nhẹ nhàng xua tan vất vả của thủy thủ đoàn đang làm việc trên 29 chiếc tàu đổ bộ tăng (LST) đỗ cạnh nhau tại West Lock, Trân Châu Cảng. Không khí yên bình ấy bỗng chốc trở thành hỗn loạn ngay lập tức. Sau tiếng nổ, gió bỗng trở mạnh, lửa bùng phát lan từ LST sang LST khác. Nhiều tiếng nổ tiếp theo vang lên. Những chiếc tàu đổ bộ tăng LST, chuẩn bị cho cuộc tấn công chiếm giữ đảo Saipan của Nhật Bản, sau đợt nổ liên tiếp bị xé nát, tan hoang, tạo thành những lỗ thủng lớn trên thân tàu. Các mảnh vỡ bay tứ tung. Không khí đặc quánh khói đen và mùi vật liệu cháy.

Khi ngọn lửa bùng lên, những chiếc LST đã được nạp đầy xăng, chất đầy bom, lựu đạn, xe tăng cùng các vật dụng cần thiết khác chuẩn bị cho Sư đoàn Hải quân số 2 và số 4, càng làm cho chúng như hùa cùng nhau liên tiếp nổ và bốc cháy. 5 chiếc LST khác phải nhanh chóng di chuyển, trong khi LST số hiệu 240 không thể thoát ra khỏi đám khói dày đặc, lửa rừng rực và mảnh đạn rào rào bay.

Cảnh tượng kinh hoàng vẫn in đậm trong ký ức của người còn sống. Xác người ở khắp nơi, trên boong và dưới nước” - những dòng này ghi trong cuốn hồi ký của cựu binh Herb Church. Khi ấy, ông 17 tuổi, là thủy thủ trên chính con tàu LST số hiệu 240 bị kẹt giữa lửa đạn. Hiện ông Church đã 90 tuổi, sống tại Norton, bang Ohio. Một số bức ảnh chụp cảnh vụ nổ đầu tiên vẫn được ông giữ gìn cùng với cuốn hồi ký của mình.

Nhân chứng sống sót sau trận "Trân Châu Cảng thứ hai" ảnh 2Toàn cảnh thảm họa tại Trân Châu Cảng ngày 21-5-1944

Hậu quả thảm khốc 

Tiếng nổ đầu tiên tại khu neo đậu Tare 8, tạo thành quả cầu lửa khổng lồ trên trời. Tại trụ sở Trân Châu Cảng cách đó vài dặm cũng nghe được âm thanh vụ nổ. Trong vòng vài phút, khoảng 200 người đã bị thổi bay xuống nước. 11 tòa nhà bằng gỗ trên bờ đã bị phá hủy và những chiếc xe bên cạnh tòa nhà này cũng bị thổi bay. 20 tòa nhà bị hư hỏng. Rất nhiều chiếc LST gắn liền với nhau tại Tare 8 bắt đầu chìm. Dầu rò rỉ bốc cháy trên mặt nước làm cho lửa lan truyền đến khu Tare 7 và 9. 

Con số thiệt hại về người còn gây tranh cãi là 163 người chết, 396 người khác bị thương. Thiệt hại vật chất quá lớn: 6 tàu LST lớn bị đánh chìm; 2 tàu đổ bộ nhỏ bị văng vào bờ hỏng nặng; một số LST bị mắc cạn; 4 tàu LST không kịp sửa chữa cho chiến dịch; 18 tàu trinh sát và 8 khẩu pháo 155mm bị phá hủy. Một số tàu cứu hộ bị hư hỏng trong khi tham gia vào các nỗ lực kiểm soát hỏa hoạn. Tuy nhiên, với việc tăng cường đội tàu từ nơi khác và nỗ lực sửa chữa khẩn trương, chiến dịch Forager chỉ bị trì hoãn 1 ngày so với dự kiến đặt ra. Các hoạt động của chiến dịch bắt đầu thực hiện theo kế hoạch 3 tuần sau đó.

Nhân chứng sống sót sau trận "Trân Châu Cảng thứ hai" ảnh 3Tàu đổ bộ LST-240 thoát nạn trong thảm họa West Loch và tiếp tục chiến dịch tấn công Saipan

Vụ việc bị giấu kín

Để đảm bảo cho thành công của chiến dịch, chỉ 1 ngày sau đó, Hải quân Mỹ đã ban hành một lệnh kiểm duyệt, kiểm soát thông tin về thảm họa này. Công chúng không hề biết về vụ việc trong hơn 70 năm. Khi ấy, quân đội Mỹ ra lệnh chặn mọi hoạt động báo chí có liên quan. Cuộc điều tra chính thức được đóng dấu tuyệt mật. Những người sống sót và các nhân chứng không được nói chuyện hay nhắc đến thảm họa trong thư gửi về nhà.

Bốn ngày sau khi vụ việc xảy ra, các nhà chức trách đã công bố một bản ghi nhận thiệt hại từ vụ nổ gây ra rằng: “Thiệt hại về người không đáng kể, một vài thương tích và dẫn tới việc phá hủy vài tàu nhỏ”. Chỉ sau khi chiến dịch  Forager thành công, các quan chức quân đội mới cho phép phát hành một báo cáo đầy đủ hơn cho báo chí. Toàn bộ vụ việc không được giải mật và công khai cho đến năm 1964.

Kết quả của việc phong tỏa bí mật là công chúng biết rất ít về “thảm họa thứ hai” của Trân Châu Cảng. Vào năm 1997, cuốn sách duy nhất về vụ việc, “The West Loch Story”, do William L.C. Johnson viết, được xuất bản. Ông cáo buộc Hải quân Mỹ đã khống chế thông tin vụ việc cho đến tận năm 1964. Thế nhưng, cuộc sống tiếp diễn với những thay đổi nhanh chóng làm vụ việc chìm theo thời gian, cho đến nay “Trân Châu Cảng thứ hai” chưa bao giờ được phổ biến rộng rãi.

Giả thuyết mới 

Một Ủy ban điều tra của Hải quân được thành lập sau vụ việc 1 ngày, dưới sự điều hành của Đô đốc John F. Shafroth Jr. Mọi nghi ngờ tập trung vào lý thuyết cho rằng tàu ngầm Nhật Bản tấn công Hạm đội hải quân tại West Loch như ngày 7-12-1941 tại Trân Châu Cảng lịch sử. Tuy nhiên, lý thuyết này bị bác bỏ vì thực tế độ sâu của khu vực West Loch không đủ cho tàu ngầm hoạt động và quanh khu vực này luôn có hệ thống lưới chống ngầm bảo vệ.

Tiếng nổ đầu tiên phát ra từ LST-353. Nhân viên điều hành tàu này cho biết, các đơn vị bốc dỡ của quân đội tại thời điểm đó đang chuyển đạn cối lên boong tàu LST-353. Đơn vị này đã không được huấn luyện, đồng thời làm sai quy định về vận chuyển đạn cối 110mm và M2. Vị trí xếp đạn cối trên LCT-353 chỉ cách 80 thùng chứa xăng khoảng cách 4,6 m.

Sau khi lấy lời khai của các nhân chứng, Ủy ban điều tra kết luận rằng, một quả đạn cối phát nổ trên LST-353 gây ra phản ứng dây chuyền. Tuy nhiên, không thể xác định nguyên nhân thực sự của vụ nổ vì tất cả những người gần điểm nổ đã hy sinh hết. Kết luận “đạn cối nổ” được duy trì theo hai hướng đánh giá tiếp theo: Một là đạn cối nổ ngẫu nhiên do bị đánh rơi. Hai là quy định an toàn bị coi thường, thủy thủ hút thuốc tại khu vực cấm, tàn thuốc rơi vào các thùng xăng gây cháy nổ.

Nhiều năm sau thảm họa, công tác trục vớt và dọn dẹp khu vực neo đậu tại West Loch phát hiện 3 mảnh vỡ của một chiếc tàu ngầm loại nhỏ của Nhật Bản. Một giả thuyết cho rằng đây là tàu ngầm duy nhất trong nhóm 5 tàu ngầm lớp Ko-hyoteki Nhật Bản. Theo các nhà nghiên cứu, nó đã xâm nhập vào bến cảng để tấn công tàu chiến Battleship Row vào năm 1941, sau đó trốn vào khu vực West Loch và bị 2 máy bay tấn công ngầm tiêu diệt. Phần vỡ của tàu ngầm này vẫn nằm lẫn với những phần còn lại của tàu LST bị phá hủy năm 1944. Nhưng đó vẫn chỉ là giả thuyết.

Herb Church thoát chết sau thảm họa. Ông luôn nói đó là điều may mắn kỳ diệu. Ông tiếp tục chiến đấu và kết thúc sự nghiệp quân ngũ vào năm 1946. Church tiếp tục theo học và tốt nghiệp trường Cao đẳng Kinh doanh tại Boston. Sự nghiệp của ông gắn với bộ phận kế toán của Bird & Son, một công ty vật liệu lợp, ở East Walpole. Giờ đây, ông sống cùng vợ, bà Ruth, trong căn nhà nhỏ được sắp xếp gọn gàng trên khu phố North Washington. Trong căn nhà nhỏ này, ông thường ngắm những chú chim trên cành cây qua ô cửa sổ và đôi lúc ký ức vẫn hiện về từ làn khói bay ra từ chiếc bánh mỳ bị nướng cháy.

Nhiều năm sau thảm họa, công tác trục vớt và dọn dẹp khu vực neo đậu tại West Loch phát hiện 3 mảnh vỡ của một chiếc tàu ngầm loại nhỏ của Nhật Bản. Một giả thuyết cho rằng đây là tàu ngầm duy nhất trong nhóm 5 tàu ngầm lớp Kohyoteki Nhật Bản. Nó đã xâm nhập vào bến cảng để tấn công tàu chiến Battleship Row vào năm 1941, sau đó trốn vào khu vực West Loch và bị 2 máy bay tấn công ngầm tiêu diệt. Phần vỡ của tàu ngầm này vẫn nằm lẫn với những phần còn lại của tàu LST bị phá hủy năm 1944.