Nhà trường cũng chỉ là nạn nhân

ANTĐ - Trước tính chất nghiêm trọng của việc một số trường mầm non, tiểu học trên địa bàn quận Tây Hồ phải sử dụng rau củ, quả không rõ nguồn gốc, ông Nguyễn Hiệp Thống - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, ngành giáo dục cũng là nạn nhân và sẽ triển khai nhiều biện pháp tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong trường học.

Nhà trường cũng chỉ là nạn nhân ảnh 1

Sẽ kỷ luật nặng nếu có vi phạm

- PV: Phụ huynh đang rất quan tâm về vụ việc hàng trăm kilogram rau, củ, quả, thịt không rõ nguồn gốc được vận chuyển vào 7 trường mầm non và tiểu học quận Tây Hồ. Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ xử lý như thế nào?

- Ông Nguyễn Hiệp Thống: Chúng tôi đang yêu cầu Phòng GD-ĐT quận Tây Hồ báo cáo cụ thể sự việc. Theo thông tin ban đầu, đơn vị cung cấp thực phẩm có đầy đủ giấy phép theo quy định. Tuy nhiên, nhân viên công ty đó đã mua vét rau cỏ từ nơi khác để tuồn vào nhà trường, tôi cho rằng nhà trường cũng chỉ là nạn nhân. Hiện phòng GD-ĐT quận Tây Hồ đã đình chỉ việc cung cấp thực phẩm của đơn vị này.

- Liệu có sự “đi đêm” giữa bếp ăn nhà trường với nhân viên cung cấp thực phẩm?

- Sự việc cần tiếp tục làm rõ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ngay chính các siêu thị lớn cũng đã từng là nạn nhân khi nhập hàng của những công ty cung ứng thực phẩm sạch nhưng lại bị các công ty này nhập hàng không rõ nguồn gốc từ bên ngoài. Việc nhà trường không kiểm soát được nguồn nhập thực phẩm khi đơn vị cung cấp cố tình gian dối, không thực hiện đúng cam kết là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

- Nếu phát hiện có trường ký kết với một đơn vị không đủ điều kiện cung cấp thực phẩm sạch thì Sở GD-ĐT sẽ xử lý như thế nào?

- Tôi có thể khẳng định rằng, không có trường nào trên địa bàn Hà Nội dám ký kết với các công ty không đủ điều kiện hoặc không có giấy phép sản xuất, cung cấp thực phẩm an toàn. Các trường đều chịu sự kiểm tra của cơ quan quản lý và đặc biệt còn có sự giám sát của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Nếu có, nhà trường sẽ phải chịu kỷ luật rất nặng.

Khó kiểm soát được hành vi gian dối?

- Trước tính chất nghiêm trọng của sự việc, Sở GD-ĐT có đề xuất phương án gì để ngăn chặn thực phẩm không an toàn vào trường học?

- Vấn đề an toàn thực phẩm là hồi chuông báo động, không chỉ trong các nhà trường mà với từng gia đình, người dân. Việc này đòi hỏi lực lượng chức năng vào cuộc quyết liệt, phạt thật nặng những đơn vị làm ăn gian dối. Cũng trong năm 2015 đã từng xảy ra việc nhân viên Hợp tác xã Đạo Đức tuồn rau không rõ nguồn gốc vào trường học. Sự việc trở nên rất nghiêm trọng khi liên quan tới sức khỏe của hàng nghìn học sinh ăn bán trú trong nhà trường.

- Trong khi chờ cơ quan chức năng vào cuộc, ngành giáo dục cũng có trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học?

- Với ngành giáo dục, các trường học thực hiện bữa ăn bán trú cho học sinh trên địa thành phố đều được yêu cầu phải có cam kết với đối tác, cung cấp thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng. Từ nay tới Tết Nguyên đán, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra vấn đề này. Đây là bài học để các trường phải tăng cường kiểm soát thực phẩm theo đúng quy trình trước khi đưa vào chế biến.

- Liệu có cơ chế nào phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh để đảm bảo đưa thực phẩm an toàn vào trường học?

- Hà Nội là đơn vị đầu tiên yêu cầu đại diện phụ huynh tham gia Ban chăm sóc sức khỏe nhà trường. Phụ huynh cần thường xuyên tham gia chứng kiến việc nhập thực phẩm và có thể kiểm tra đột xuất khâu chế biến, thành phẩm cuối cùng trước khi cung cấp cho học sinh... Tuy nhiên, nếu các đơn vị cung cấp thực phẩm cố tình làm ăn gian dối thì cũng khó kiểm soát được. Bởi rất khó khi thầy cô hay phụ huynh 3 giờ sáng đi kiểm tra nhập hàng của công ty.