Nhà khoa học nữ: "Hãy mơ lớn và nắm bắt hiện thực để hiện thức hóa ước mơ"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Giáo sư Jennifer Tour Chayes- Phó trưởng khoa máy tính, khoa học dữ liệu và xã hội, trưởng khoa thông tin, Trường Đại học California, Berkely (Hoa Kỳ) cho hay, dù nhà khoa học nữ gặp nhiều khó khăn so với nam giới song cơ hội luôn dành cho cả hai giới.
Các nhà khoa học nữ nổi tiếng truyền cảm hứng cho sinh viên

Các nhà khoa học nữ nổi tiếng truyền cảm hứng cho sinh viên

Sáng nay (17-12), Tuần lễ Hoạt động Khoa học công nghệ VinFuture 2022 chính thức bắt đầu. Đây là sự kiện có tầm vóc quốc tế với sự tham gia của hàng trăm nhà khoa học kiệt xuất thế giới.

Tại phiên thảo luận với chủ đề “Hành trình của nhà khoa học nữ: Thách thức và thành công”, giáo sư Giáo sư Jennifer Tour Chaye chia sẻ: “Sinh viên nữ, các bạn trẻ nên tự tin vào chính bản thân mình. Thành công bắt đầu từ sự chăm chỉ, nỗ lực và may mắn. Các bạn đừng nghe tiếng nói ngăn cản các bạn không thành công trong nội tâm mình”.

Kể về hành trình đến với khoa học đầy gian khổ của mình, Giáo sư Jennifer cho biết, ban đầu bà theo đuổi nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực vật lý, làm Tiến sĩ ngành Vật lý từ năm 1973. Thời điểm đó rất ít nhà khoa học nữ tham gia vào lĩnh vực này.

“Dường như lúc đó chúng tôi gặp khó khăn. Tôi học vật lý nhưng lại ra làm toán học, không mấy nơi tiếp nhận công việc của vợ chồng tôi, trong cùng thành phố không có công ty nào có nhu cầu tuyển dụng. Sau đó Microsoft muốn xây dựng phòng thí nghiệm, phát triển sản phẩm liên quan đến vật lý, toán học, tôi vào làm tại đây. Sau đó tôi lại về làm tại phòng thí nghiệm của trường đại học”.

Theo nhà khoa học này, trong môi trường làm việc nào cũng có sự phân biệt, không thoải mái nhất định giữa nhà khoa học nữ và nhà khoa học nam. Tuy nhiên, nhà khoa học cần phải vượt qua.

“Nhà khoa học có bản lĩnh chấp nhận rủi ro. Tôi ghét ai đó nói với tôi đừng làm cái này cái kia. Cơ hội luôn xuất hiện khi chúng ta cần nên cần tận dụng. Hãy chấp nhận cả những điều tưởng như bất ổn.Suy nghĩ trong đầu “mình chưa đủ tài năng” là lời nói sai”- Giáo sư Jennifer nhấn mạnh.

Theo Giáo sư Alta Schutte- Trưởng nhóm nghiên cứu về tim mạch, mạch máu và chuyển hóa tại Khoa Y, Đại học New South Wale, Sydney, Australia, có sự phân biệt giữa nam giới và nữ giới trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Chưa kể, “nữ giới còn gặp hạn chế, bị chi phối khi thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ nhưng tôi luôn kiên trì, cân đối công việc và gia đình để có cơ hội để thành công. Để giải quyết các vấn đề này, các nhà khoa học có thể tìm kiếm sự chia sẻ từ người chồng, từ các đồng nghiệp”- nữ giáo sư chia sẻ.

Là nữ giáo sư đầu tiên trong lĩnh vực vật lý tại Brazin, giáo sư Moonica Alonso Cotta- Phó giám đốc của Viện Vật lý “Gleb Wataghin” tại Đại học Campinas cho hay, trong khi ngành hóa học thu hút nhiều nữ giáo sư thì ngành vật lý lại ít thu hút. Khi tham gia nghiên cứu khoa học, bà gặp nhiều rào cản về ngôn ngữ.

Tiếng Bồ Đào Nha được sử dụng nhiều tại Brazil. Bên cạnh đó, tôi không có hình mẫu nào để tôi noi theo. Bố mẹ tôi khích lệ là phải tìm hiểu nhiều hơn nên tôi đọc thêm sách ở thư viện, ham mê tìm hiểu để có được ngày hôm nay. Vậy nên các bạn sinh viên nữ hãy là chính mình, đừng là người khác. Hãy tìm ra điều gì đó làm các bạn thích và yêu nó và sẵn sàng tìm kiếm sự giúp đỡ của người khác khi cần.

Nhắc lại khó khăn khi đến với khoa học của mình, giáo sư Nguyễn Thục Quyên- đồng Chủ tịch Hội đồng sơ khảo giải thưởng VinFuture, Giáo sư tại Đại học California cho hay, khó khăn lớn nhất của bà khi đến Mỹ là tiếng Anh. Nhưng bà đã vượt qua rào cản ngôn ngữ và cả sự khó khăn của đời sống.

“Hãy mơ lớn, nắm bắt hiện thực để hiện thực hóa ước mơ. Càng nhiều người đẩy bạn đến vực sâu thì bạn càng cần coi đó là động lực để các bạn vươn lên. Mỗi khi làm việc gì tôi đều tìm hiểu kỹ và tìm kiếm một cách làm khác. Ngoài sự nỗ lực, tôi nghĩ các bạn nên tìm kiếm sự hỗ trợ của những người xung quanh”- Giáo sư Nguyễn Thục Quyên nói.

Quỹ VinFuture là quỹ hoạt động phi lợi nhuận được sáng lập bởi Chủ tịch Tập đoàn VinGroup- ông Phạm Nhật Vượng và phu nhân- bà Phạm Thu Hương. Quỹ thành lập Giải thưởng khoa học, công nghệ thường niên toàn cầu VinFuture vào năm 2020.

Hệ thống giải thưởng VinFuture gồm 4 hạng mục trong đó giải thưởng chính trị giá 3 triệu USD- là một trong những giải thưởng có giá trị lớn nhất trên thế giới và có 3 giải Đặc biệt, mỗi giải trị giá 500.000 USD dành cho các nhà khoa học nữ, các nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển và các nhà khoa học nghiên cứu những lĩnh vực mới.

Giải Đặc biệt dành cho nhà khoa học nữ tại Giải thưởng VinFuture 2021 được trao cho Giáo sư Zhenan Bao (Mỹ) với công trình nghiên cứu “các thiết bị điện tử hữu cơ dẻo linh hoạt”. Việc tạo ra các vật liệu hữu cơ mới với các chức năng mô phỏng da như khả năng co giãn, tự phục hồi và phân hủy sinh học, đang thay đổi cách con người trên toàn cầu tương tác với các vật liệu điện tử.