Nhà cao tầng ở Hà Nội có an toàn khi động đất?

(ANTĐ)- Sau khi trải qua đợt dư chấn mạnh 3-4 độ richte ngày 16-5, nhiều người dân Hà Nội đang sống, làm việc tại các tòa nhà cao tầng vẫn lo lắng về ảnh hưởng của động đất tới các tòa nhà. Phóng viên An ninh Thủ đô đã có cuộc trao đổi với ông Trần Chủng, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) xung quanh vấn đề này.

Nhà cao tầng ở Hà Nội có an toàn khi động đất?

(ANTĐ)- Sau khi trải qua đợt dư chấn mạnh 3-4 độ richte ngày 16-5, nhiều người dân Hà Nội đang sống, làm việc tại các tòa nhà cao tầng vẫn lo lắng về ảnh hưởng của động đất tới các tòa nhà. Phóng viên An ninh Thủ đô đã có cuộc trao đổi với ông Trần Chủng, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) xung quanh vấn đề này.

- Người Hà Nội vừa trải qua một phen hốt hoảng vì động đất, vậy các công trình xây dựng hiện nay có tính đến yếu tố động đất, thưa ông?

- Theo quy định hiện nay, căn cứ trên bản đồ phân vùng động đất của Viện Vật lý địa cầu, tất cả các công trình trong vùng có động đất đều phải tính đến yếu tố động đất. Khu vực có khả năng động đất đến cấp 6 thì phải tính toán thỏa mãn chịu chấn động đất của cấp 7. Hiện tại, theo bản đồ phân vùng động đất Hà Nội nằm trong vùng động đất có khả năng tới cấp 7, có nơi tới cấp 8. Do vậy, các nhà cáo tầng ở Thủ đô đã thiết kế để đảm bảo chống chịu được tác động này.

- Theo ông, tỷ lệ công trình xây dựng cao tầng đăng ký thiết kế đảm bảo tiêu chuẩn chống chịu động đất là bao nhiêu?

- Buộc phải tính toán! Bởi hiện nay, hệ thống phần mềm thiết kế công trình xây dựng bắt buộc phải có yếu tố đầu vào là chống chịu chấn động đất để tính toán kết cấu công trình. Nếu bỏ tiêu chí này thì sẽ không thể có thiết kế công trình hoàn thiện.

Ông Trần Chủng
Ông Trần Chủng

- Quy định là vậy nhưng các cơ quan chức năng có đảm bảo là các tòa nhà được thi công đạt tiêu chuẩn an toàn?

- Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm giám sát việc này. Đối với các công trình lớn như thủy điện Sơn La thì Thủ tướng Chính phủ sẽ thành lập Hội đồng thẩm định cấp quốc gia để kiểm tra, giám sát việc này. Đối với các địa phương, khi thẩm định hồ sơ thiết kế bắt buộc phải có 3 yêu cầu đối với mọi công trình: phải kiểm tra đơn vị tư vấn thiết kế phải có đủ năng lực thiết kế công trình; trong thiết kế công trình phải kiểm tra đơn vị thiết kế sử dụng tiêu chuẩn nào để tính toán; phải có đơn vị tư vấn độc lập để thẩm tra thiết kế. Có điều để khẳng định 100% số công trình đều thực hiện nghiêm túc thì chưa thể chắc chắn, có thể chỗ này chỗ khác còn chưa đảm bảo.

- Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng đã phát hiện công trình nào không đảm bảo an toàn đối với động đất chưa, thưa ông?

 - Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng chưa trực tiếp làm việc này. Tuy nhiên, chiều ngày 16-5, theo báo cáo của Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng), các công trình được kiểm tra gần đây đều thỏa mãn yêu cầu này. Dự kiến tháng 1-2008, Viện này sẽ xây dựng phòng thử nghiệm chống động đất. Từ đó, các công trình có hình dáng khác lạ, giải pháp kết cấu mới, sử dụng vật liệu mới và nằm trong vùng động đất dứt khoát phải được thử nghiệm thiết kế tại phòng thí nghiệm. Sau khi cho kết quả tốt mới được thực hiện.

Thế Nam (thực hiện)

Ngày 17-5, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương (Văn phòng) đã có công điện gửi: Cục Thủy lợi; Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão Bộ Công nghiệp và Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão các tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Lai Châu chỉ đạo kiểm tra và xử lý ngay những hư hỏng của các hồ chứa nước và các công trình xây dựng sau trận động đất chiều 16-5. Có biện pháp xử lý ngay những hư hỏng của các hồ chứa nước để tránh thảm họa do vỡ đập gây ra; báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để kịp thời chỉ đạo. Văn phòng đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão các tỉnh tổ chức trực ban nghiêm túc, cập nhật thông tin để chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp phòng tránh và kịp thời xử lý những tình huống xấu có thể xảy ra.