Nhà bảo trợ vô duyên

(ANTĐ) - Dù đã dùng đủ cách, kể cả gây áp lực, Washington vẫn chưa thuyết phục được Baghdad ký vào bản thỏa thuận an ninh cho phép duy trì các lực lượng Mỹ tại nước này. Nếu không sớm tìm được lối thoát, lính Mỹ tại Iraq sẽ bị mang tiếng là “nhà bảo trợ vô duyên”.

Nhà bảo trợ vô duyên

(ANTĐ) - Dù đã dùng đủ cách, kể cả gây áp lực, Washington vẫn chưa thuyết phục được Baghdad ký vào bản thỏa thuận an ninh cho phép duy trì các lực lượng Mỹ tại nước này. Nếu không sớm tìm được lối thoát, lính Mỹ tại Iraq sẽ bị mang tiếng là “nhà bảo trợ vô duyên”.

Vũ khí tràn ngập là nguyên nhân làm cho tình hình an ninh Iraq căng thẳng
Vũ khí tràn ngập là nguyên nhân làm cho tình hình an ninh Iraq căng thẳng

Nghị quyết mà Liên hợp quốc thông qua trước đây cho phép Mỹ duy trì các lực lượng tại Iraq đến hết tháng 12-2008. Thỏa thuận an ninh mà Washington đặt trên bàn Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki là cơ sở pháp lý để binh lính Mỹ tiếp tục đồn trú tại Iraq sau năm 2008. Trong bối cảnh mục tiêu của “cuộc bình định” Iraq vẫn còn xa vời, rút quân sẽ đồng nghĩa với thất bại.

Điều đó chắc chắn không chỉ ảnh hưởng đến uy tín mà còn đe dọa khả năng kiểm soát của Mỹ với các mỏ dầu ở Iraq. Chính vì thế, sau chuyến công du đến Iraq gần đây, ông R. Gates - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, đã phải lên tiếng cảnh báo: “Hậu quả sẽ rất nghiêm trọng nếu không sớm có được thỏa thuận an ninh”.

Điểm cốt lõi nhất là thời gian hiện diện của lính Mỹ ở Iraq. Bởi không tiên lượng được chính xác diễn biến tình hình an ninh nên Washington không muốn đưa ra một thời hạn cụ thể nào của việc rút hết quân Mỹ khỏi Iraq. Trong khi đó, dù có nhiều mâu thuẫn nhưng các phe phái ở Iraq lại đều chung một quan điểm là Mỹ phải đưa ra “thời gian biểu thật rõ ràng” cho việc rút quân.

Thậm chí giáo sĩ cấp tiến dòng Shiite Al Sadr còn đòi Mỹ phải chấm dứt ngay sự hiện diện về quân sự ở Iraq. Đáp lại ý định của Tổng thống Mỹ George Bush không muốn đặt ra một thời gian biểu cho việc rút quân khỏi Iraq, Thủ tướng Iraq Nouri  al-Maliki kiên quyết đòi phải có thỏa thuận rõ ràng.

Vướng mắc thứ hai là vấn đề quyền miễn trừ dành cho binh sĩ Mỹ tại Iraq. Nhiều tháng qua, Mỹ kiên quyết bác bỏ yêu cầu của Iraq là binh sỹ Mỹ phạm bất cứ tội gì trong thời gian phục vụ tại Iraq đều có thể bị truy tố tại tòa án hình sự và bị xét xử theo luật pháp Iraq.

Lầu Năm góc chỉ muốn giới hạn việc truy tố trong trường hợp lính Mỹ phạm các tội nghiêm trọng như hiếp dâm hay giết người, còn Baghdad thì coi việc mình được quyền quyết định mức độ phạm tội thế nào là biểu hiện của chủ quyền quốc gia.

Cái mốc 31-12-2008 đang đến gần mà xem ra vướng mắc giữa đôi bên vẫn chưa có lối thoát. Nghe nói hai bên đang bàn đến giải pháp thỏa hiệp là lực lượng Mỹ sẽ bắt đầu rút khỏi Iraq từ giữa năm 2009 và tiến trình rút quân này sẽ được hoàn tất trong vòng 3 năm.

Trong trường hợp cần kéo dài thời hạn đóng quân của quân đội Mỹ tại Iraq sau năm 2011, hai bên sẽ phải đàm phán trong một thỏa thuận mới. Nếu một bên muốn rút khỏi thỏa thuận an ninh này, họ có nhiệm vụ phải thông báo trước cho đối tác một năm.

Dù kết quả đàm phán cuối cùng thế nào đi nữa thì mâu thuẫn trên cũng cho thấy lính Mỹ ngày càng trở thành “khách không mời” ở Iraq.

Hoàng Sơn