- Ngôi mộ phát ra năng lượng chữa bách bệnh ở Thanh Oai, Hà Nội
- Khi nhà ngoại cảm, "thầy" tìm mộ, biến thành tội phạm
- Không “thánh hóa” người có khả năng đặc biệt
Người nghiên cứu nhiều điều kỳ lạ
Ngày 31-8-2016 tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội đã diễn ra lễ tang long trọng Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải.
Không có học hàm, học vị, cũng chẳng là giáo sư, tiến sĩ, nhưng nói về khoa học tâm linh thì ai cũng nhắc tới tên Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải, tên tuổi rất quen thuộc với báo giới, tivi, trên mạng cả trong và ngoài nước.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải
Quê ông ở Phú Xuyên (Hà Tây, nay là Hà Nội). Ông sinh ngày 29-11-1934 tại Hải Phòng, trong một gia đình nhà giáo. Từ bé ông đã ham khám phá, tìm hiểu, thích đọc sách và sáng tác truyện thám hiểm rất sớm.
15 năm trước rộ lên chuyện tranh cãi tác quyền quốc ca Việt Nam và xu hướng ngày càng phức tạp. Cơ quan bảo vệ quyền tác giả Việt Nam lúc ấy đã cho đăng nguyên văn bài viết của Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải, với kết luận nhạc sĩ Văn Cao là tác giả Tiến quân ca - và coi đó là kết luận của cơ quan bảo vệ quyền tác giả Việt Nam, và chấm dứt cuộc tranh luận.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải đã qua đời ở tuổi 82
Những năm 70 của thế kỷ 20, làng Đại Yên (Hà Nội) có cụ Nguyễn Đức Cần chữa khỏi bệnh mà không dùng thuốc, không lấy tiền và có thể chữa từ xa – đã bị dư luận phủ nhận. Nhưng ông và một số nhà khoa học đã nghiên cứu, khẳng định khả năng đặc biệt của cụ Cần - được coi là bước đi đầu tiên của khoa học ngoại cảm Việt Nam.
Ở cương vị Chủ nhiệm bộ môn Dự báo tại Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng con người (Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam), ông tiếp tục tìm kiếm bằng chứng khoa học về thế giới vô hình, chụp ảnh người âm, nghiên cứu khả năng thấu thị của các nhà ngoại cảm…
Bạn bè, đồng nghiệp đến tiễn biệt Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải
Ngày 21-12-2012, tin đồn “ngày tận thế” làm nhiều người lo lắng, khi đó ông là Chủ nhiệm Bộ môn Thông tin dự báo (Viện Nghiên cứu và ứng dụng Tiềm năng con người), Ủy viên BCH Hội Thiên văn - Vũ trụ Việt Nam – đã công bố với báo giới rằng: “Ngày 21-12-2012 mọi người hãy yên tâm ngồi uống cà phê, vì sẽ không có chuyện gì nghiêm trọng xảy ra”.
Trưa 21-12-2012 ông đã vui vẻ nhận lời uống cà phê cùng nhiều nhà tâm linh trẻ ở quán cà phê 32 Hào Nam.
Và “ngày tận thế” đã không xảy ra như đồn đoán.
Đặc biệt ông đã có những công trình đầu tư công sức, trí tuệ, tiền của nghiên cứu, tìm hiểu về tên nước Việt Nam, dầy công nghiên cứu sấm Trạng Trình, thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm, văn bia, sang tận Luân đôn tìm tư liệu và kết luận: Quốc hiệu Việt Nam đã xuất hiện từ thế kỉ XVI.
Trái tim nhiệt tâm về khoa học tâm linh đã ngừng đập
Ông Nguyễn Phúc Giác Hải đã 3 lần bị đột quỵ. Sau mỗi lần hồi phục, ông tiếp tục viết cuốn sách về Hằng số vũ trụ. Lần thứ 3 căn bệnh hiểm nghèo ập đến… khi công việc còn dang dở.
Sự ra đi của ông là tổn thất rất lớn cho gia đình, Viện Nghiên cứu Ứng dụng Tiềm năng con người nói riêng, và lĩnh vực nghiên cứu tiềm năng con người Việt Nam nói chung.
Rất nhiều nhà khoa học, nhà tâm linh, ngoại cảm… những người yêu quý ông thương tiếc nghẹn ngào, tiễn biệt ông về cõi vĩnh hằng.
Hồi 14h27 ngày 27-8-2016 (tức 25-7 năm Bính Thân), trái tim đầy nhiệt tâm của Nhà khoa học tâm linh, Nhà nghiên cứu thông tin dự báo Nguyễn Phúc Giác Hải đã ngừng đập.
Ông là một trong những thành viên chủ chốt sáng lập ra Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Tiềm năng con người, đảm nhận cương vị Phó Viện trưởng, Chủ nhiệm Bộ môn Khoa học dự báo…
Năm 1963, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên đã tặng Bằng khen, khi Nguyễn Phúc Giác Hải viết cuốn “Những điều kỳ lạ trong thế giới sinh vật” (NXB Giáo dục).
Ông là đồng tác giả cuốn sách quý: “Nguyễn Đức Cần, Nhà văn hóa tâm linh”. Năm 1994 ông viết cuốn: “Từ nguyên tử đến con người do NXB Giáo dục xuất bản.