Nguyên lãnh đạo Hà Nội: Giao quyền vượt trội cho Thủ đô phải đi kèm với trách nhiệm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị góp ý, trong Luật Thủ đô sửa đổi, về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực trật tự xây dựng, nên cho phép Hà Nội áp mức phạt cao gấp nhiều lần các địa phương khác...
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị

Sáng 18-9, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội tổ chức hội nghị xin ý kiến các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố Hà Nội qua các thời kỳ vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Đến thời điểm này, hồ sơ dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đã cơ bản hoàn thiện, gồm 7 chương, 59 điều, tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012. Dự thảo luật này sẽ được Chính phủ trình Quốc hội để cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2023) và dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7 (đầu năm 2024).

Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị góp ý tại hội nghị

Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị góp ý tại hội nghị

Góp ý tại hội nghị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, việc sửa đổi Luật Thủ đô ở thời điểm này là chín muồi. Thành phố đã đầu tư rất nhiều công sức, tâm huyết, trí tuệ để xây dựng hồ sơ Luật Thủ đô (sửa đổi). Tuy nhiên, cần hoàn thiện bản dự thảo theo hướng cô đọng, khái quát cao hơn nữa và khẳng định tính vượt trội so với các luật khác.

Theo ông Phạm Quang Nghị, Luật Thủ đô 2012 có quy định một số nội dung đặc thù cho Hà Nội về xử phạt hành chính, nhưng “mới chỉ vượt, chứ chưa trội”. Dẫn ví dụ về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực trật tự xây dựng, ông Nghị cho rằng, hậu quả của vi phạm rất phức tạp, nặng nề. Nếu chỉ quy định cho phạt gấp 2 lần so với các địa phương khác thì người ta thấy vẫn rất có lợi nên sẵn sàng vi phạm.

“Do đó, có thể cho phép Hà Nội quy định mức phạt vi phạm hành chính về trật tự xây dựng, thông qua tại HĐND thành phố; mức phạt có thể gấp nhiều lần mức của các địa phương khác, thậm chí là 50 lần. Chúng ta phạt nặng là để ít phải phạt, để người sau không dám vi phạm” - ông Phạm Quang Nghị góp ý.

Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành uỷ, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo góp ý, Luật Thủ đô (sửa đổi) cần giao quyền hạn vượt trội cho Hà Nội, song quan điểm là quyền hạn phải đi liền với trách nhiệm, chứ không phải đặc quyền đặc lợi…

Nguyên Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh góp ý

Nguyên Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh góp ý

Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành uỷ, nguyên Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh cũng cho rằng, dự thảo Luật lần này đã tập trung phân cấp, giao quyền cho Hà Nội, quy định trách nhiệm của Hà Nội, đưa được nhiều nội dung, văn bản mới nhất…

Trong khi đó, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành uỷ, nguyên Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn góp ý, phải tăng thẩm quyền cho Hà Nội quyết định về biên chế công chức, viên chức; quy định cụ thể về hệ số tăng thêm hằng năm để dễ tổ chức thực hiện.

Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành uỷ, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu góp ý về nội dung quy định di dời các bệnh viện, trường học, cơ sở sản xuất ô nhiễm ra khỏi nội đô. Ông Triệu cho rằng, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần làm rõ mối quan hệ giữa quy hoạch Thủ đô với quy hoạch ngành và quy hoạch cấp quốc gia, để bảo đảm việc di dời các cơ sở trên có tính khả thi, phù hợp, không bị chồng chéo, không vi phạm các luật chuyên ngành.

Đồng chí Phạm Thế Duyệt góp ý

Đồng chí Phạm Thế Duyệt góp ý

Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt đề nghị đặt tên là Luật Thủ đô Hà Nội để làm rõ đây là quy định về Luật dành cho Thủ đô Hà Nội, xác định rõ trách nhiệm của Hà Nội trong luật. Ông cũng nhấn mạnh, Thủ đô là của cả nước nên phải nêu rất rõ ràng về phần trách nhiệm của Hà Nội ra sao, phần trách nhiệm của trung ương, trách nhiệm của nhân dân cả nước ra sao?…

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, tinh thần chung của các bộ, ngành đều rất ủng hộ đối với Luật Thủ đô (sửa đổi).

Trao đổi, làm rõ thêm các ý kiến góp ý của đại biểu, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, về vấn đề phân cấp, giao quyền lớn hơn cho Hà Nội quyết định đầu tư các dự án hay chuyển mục đích sử dụng đất, thành phố đề xuất phân quyền đồng thời với trách nhiệm quản lý phải lớn hơn;

Đồng thời đề xuất này nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay là quy trình thủ tục các dự án quy mô từ 10.000 tỷ đồng trở lên phải được thông qua Quốc hội, thời gian trình và thông qua phải mất hàng năm…

Trân trọng cảm ơn các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ đã tham gia hội nghị đóng góp ý kiến trực tiếp hoặc bằng văn bản, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh cho biết sẽ giao cho bộ phận chuyên môn nghiên cứu tiếp thu cụ thể để hoàn thiện các điều, khoản và nội dung, hình thức dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) bảo đảm chất lượng cao nhất trước khi trình Quốc hội.