Nguyên cớ nào khiến nhân viên ngân hàng cấu kết "tín dụng đen"?

ANTD.VN - Như ANTĐ đã đăng tải, trong quá trình điều tra, làm rõ các vụ án trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, lực lượng CATP Hà Nội đã lật tẩy nhiều thủ đoạn của một số nhân viên ngân hàng cấu kết, tiếp tay cho “tín dụng đen”...

Ngoài các thủ đoạn như mua lại nợ xấu với giá thấp thông qua đấu giá công khai, cho doanh nghiệp vay đảo nợ; các đối tượng cho vay nặng lãi lợi dụng việc cho vay cầm cố sổ tiết kiệm của các ngân hàng trong hoạt động tín dụng để cấu kết nhân viên lập hồ sơ khống, chiếm đoạt tài sản.

Thủ đoạn này lợi dụng chính sách chăm sóc khách hàng, các đối tượng cho vay nặng lãi mở sổ tiết kiệm, đa số là đồng sở hữu với con nợ, ngay sau đó cho con nợ dùng sổ tiết kiệm làm tài sản đảm bảo để vay ngân hàng (tối đa 95% giá trị sổ tiết kiệm).

Một lượng tiền từ các ngân hàng thông qua một số nhân viên thoái hóa biến chất đã tiếp tay cho "tín dụng đen" (Ảnh minh họa)

Sau đó đối tượng vay câu kết với nhân viên ngân hàng làm giả chữ ký  của chủ sổ tiết kiệm, lập khống hồ sơ vay vốn. Khi các đối tượng vay mất khả năng thanh toán thì các đối tượng cho vay nặng lãi đến ngân hàng thông báo mất sổ tiết kiệm và dùng nhiều thủ đoạn khác nhau, thậm chí dùng áp lực đám đông, dùng phương tiện truyền thông, báo chí để ép ngân hàng phải trả tiền tiết kiệm mà thực chất là do các đối tượng đã cho vay nặng lãi.

Một thủ đoạn khác các đối tượng “tín dụng đen” cũng hay sử dụng trong lĩnh vực ngân hàng đó là lợi dụng hoạt động cho vay ngang hàng trực tuyến (gọi tắt là P2P) để cho vay nặng lãi, biến tướng với hình thức huy động vốn bất hợp pháp.

Đối với phương thức, thủ đoạn này, lợi dụng hệ thống pháp luật hiện chưa có quy định quản lý cụ thể, thủ tục cho vay đơn giản, thay vì làm trung gian kết nối thông tin, số công ty cho vay trực tuyến tự bỏ vốn hoặc huy động tài chính đa cấp để cho vay với lãi suất rất cao, có trường hợp tới 720%/năm. Các trường hợp này lại rất khó xử lý vì lãi suất đã được biến tướng thành các loại phí môi giới vay còn lãi suất ghi nhận giữa các bên trên hợp đồng chỉ khoảng từ 18% - 25%/năm.

Một tổ chức "tín dụng đen" núp bóng doanh nghiệp bị lực lượng công an triệt xóa

Điển hình như vào dịp đầu tháng 5 vừa qua, Phòng An ninh kinh tế đã phối hợp với Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, CAQ Hà Đông, Hà Nội phát hiện, xử lý nhóm 3 đối tượng người Trung Quốc tạm trú tại quận Hà Đông sử dụng ứng dụng “Mango Cash”. Trong khoảng thời gian từ tháng 4-2019 đến thời điểm bị phát hiện, các đối tượng đã cho 700 lượt khách vay với số tiền 700 triệu đồng, lãi suất ghi nhận trong hợp đồng vay chỉ khoảng 18%/năm. Tuy nhiên nếu tính cả mức phí môi giới thì lãi suất thực tế là trên 1000%/năm.

Thượng tá Phạm Thanh Hùng, Trưởng phòng An ninh kinh tế nhìn nhận, mặc dù các lực lượng, đơn vị nghiệp vụ CATP đã tập trung, phát hiện, khám phá, đấu tranh nhưng “tín dụng đen” đặc biệt là “tín dụng đen” liên quan đến lĩnh vực ngân hàng vẫn có diễn biến phức tạp.

Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, theo chỉ huy Phòng An ninh kinh tế,  nó xuất phát từ một bộ phận người dân có nhu cầu vay vốn nhưng không đáp ứng được điều kiện vay vốn tại các kênh tín dụng chính thức nên đã tìm đến các cá nhân, cơ sở hoạt động “tín dụng đen” để vay tiền. Bên cạnh đó, có một số đối tượng có nhu cầu mục đích vay bất hợp pháp (ví dụ để trả nợ cờ bạc, cá độ...) nên tìm đến các cá nhân, cơ sở hoạt động “tín dụng đen”.

Ngoài ra do các ngân hàng cạnh tranh về huy động cũng như giải ngân dẫn đến một số cán bộ nhân viên không thực hiện đúng quy trình, quy định của ngân hàng. Các ngân hàng sợ mất khách hàng được định danh VIP nên thường bỏ qua các quy trình như giao dịch tại quầy hay phải ký trước mặt cán bộ ngân hàng dẫn đến việc làm giả giấy tờ để giải ngân.

Cùng với đó, các nhân viên tín dụng ngân hàng vì áp lực chỉ tiêu cũng có thể tìm đến các đối tượng “tín dụng đen” để có thể tìm kiếm khách hàng dễ dàng. Tùy từng mức độ mà các cán bộ có thể dễ dàng có các gói tín dụng phù hợp với khách hàng như phát hành gói vay tiêu dùng, vay tín chấp, phát hành thẻ vay thế chấp... Sau khi các khoản vay được giải ngân, các đối tượng “tín dụng đen” sẽ là người nhận, sử dụng tiền và trừ vào các khoản vay trước. Người đi vay sẽ phải trả khoản vay đó cho ngân hàng. Với hình thức này, các đối tượng sẽ đẩy rủi ro về phía ngân hàng.

“Công tác bảo vệ nội bộ từ khâu tuyển dụng đến khâu kiểm soát của một số ngân hàng còn chưa tốt, dẫn đến việc cán bộ nhân viên ngân hàng tha hóa, biến chất lợi dụng, móc nối, tiếp tay cho các tổ chức tín dụng đen” hoạt động vi phạm pháp luật” - chỉ huy Phòng An ninh kinh tế thông tin.