Ngày thứ 3 xét xử vụ án tại Tập đoàn Vinashin:

Nguyên Chủ tịch HĐQT Phạm Thanh Bình bị đề nghị mức án từ 19-20 năm tù

ANTĐ - Sáng qua 29-3, HĐXX vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Tập đoàn Vinashin bước sang ngày thứ 3. Đại diện Viện Kiểm sát đã chính thức đọc bản luận tội và đề nghị mức án đối với ông Phạm Thanh Bình cùng 8 đồng phạm liên quan. 

Nguyên Chủ tịch HĐQT Phạm Thanh Bình bị đề nghị mức án từ 19-20 năm tù ảnh 1
Ông Phạm Thanh Bình (comple, đứng giữa) bị đề nghị 19-20 năm tù

Nguyễn Tuấn Dương được thay đổi tội danh

Sau gần hai ngày thẩm vấn công khai tại phiên tòa, vị Kiểm sát viên (KSV) giữ quyền công tố tại phiên tòa đã đọc bản luận tội và đề nghị mức án đối với từng bị cáo. Theo đại diện Viện Kiểm sát (VKS), trong vụ án này, các bị cáo đã bị cơ quan công tố cáo buộc phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Hậu quả thiệt hại do hành vi của các bị cáo gây ra trong từng dự án cũng như tổng thiệt hại chung của vụ án này là đặc biệt nghiêm trọng.

Trong đó, bị cáo Phạm Thanh Bình (nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Vinashin) là người có cương vị cao nhất, giữ vai trò tổ chức thực hiện tội phạm. Các bị cáo còn lại trong vụ án là những đồng phạm với Phạm Thanh Bình, có người thực hiện hành vi phạm tội trong các vụ việc độc lập, đồng phạm theo nhóm, nhưng đều lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế thuộc Tập đoàn Vinashin. Ngoài hậu quả thiệt hại về tiền, tài sản của Nhà nước với giá trị đặc biệt lớn, hành vi phạm tội của các bị cáo còn làm đình trệ sản xuất kinh doanh, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư nước ngoài đối với ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam, tác động tiêu cực đến đời sống của người lao động.

Tuy nhiên, trong 9 bị cáo của vụ án này, hành vi của bị cáo Nguyễn Tuấn Dương có dấu hiệu đặc trưng của tội “Sử dụng trái phép tài sản”. Chính vì vậy, vị KSV giữ quyền công tố tại phiên tòa đã quyết định thay đổi tội danh đối với Nguyễn Tuấn Dương từ “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” sang tội “Sử dụng trái phép tài sản”, theo quy định tại khoản 3, Điều 142 của BLHS.

Đổ tội cho nhau

Ngoài ra, những sai phạm trong thương vụ bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang, cũng được VKS tính toán lại, từ chi phí đánh giá giá trị tài sản ban đầu, vốn đầu tư từ Công ty Tài chính TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy (VFC) trừ tiền bán vỏ tàu, trừ tiền thiết bị còn lại và chiếc cần cẩu chưa được Vinacontrol đưa vào danh mục thì thiệt hại của vụ án này còn 18,7 tỷ đồng. Một điểm khác cũng được KSV này nhấn mạnh, chính là vai trò của Trịnh Thị Hậu trong vụ án này. Đây là một vấn đề phải xem xét để đánh giá chính xác. Có hay không dấu hiệu buộc tội sai người? VKS đã xem xét toàn diện vấn đề này. Tuy nhiên, thực tế, tại thời điểm xảy ra các vụ án, Trịnh thị Hậu là Phó Tổng giám đốc VFC, hơn ai hết, Hậu hiểu rõ những quy định về thẩm định các kế hoạch, dự án, các quy định về giải ngân, vốn vay nhưng trong các dự án, Hậu vẫn cố ý làm trái. Vì thế, truy tố Hậu là đúng người, đúng tội. Sau phần luận tội, đại diện VKS đã đề nghị mức án đối với từng bị cáo.

Kết thúc phần luận tội, HĐXX chuyển sang phần tranh tụng. Đến 18h30 chiều qua 29-3, HĐXX tạm dừng ở phần tranh luận và sẽ tiếp tục làm việc sáng 30-3.

Mức án VKS đề nghị tuyên phạt đối với từng bị cáo như sau:

Phạm Thanh Bình 19-20 năm; Trần Văn Liêm và Tô Nghiêm cùng mức án từ 17-18 năm; Nguyễn Văn Tuyên từ 15-16 năm; Trịnh Thị Hậu từ 13-14 năm; Hoàng Gia Hiệp từ 12-13 năm; Trần Quang Vũ và Đỗ Đình Côn cùng mức án từ 11-12 năm; Nguyễn Tuấn Dương từ 3-4 năm tù. Ngoài ra, các bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường về dân sự theo quy định của pháp luật.