Nguy hiểm "tiêu chuẩn kép" chống khủng bố

ANTD.VN - Thực thi chính sách “tiêu chuẩn kép” trong cuộc chiến chống khủng bố thực sự là một hiểm họa khôn lường vì nó không chỉ vô hiệu hóa nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế mà còn dung dưỡng cho khủng bố.

Nguy hiểm "tiêu chuẩn kép" chống khủng bố ảnh 1Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi cộng đồng quốc tế từ bỏ chính sách “tiêu chuẩn kép” trong cuộc chiến chống khủng bố

Trong thư chào mừng đại biểu tham dự Hội nghị lần thứ 16 lãnh đạo các cơ quan đặc nhiệm, an ninh và bảo vệ pháp luật thế giới diễn ra trong 2 ngày 4 và 5-10 tại thành phố Krasnodar, Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi cộng đồng quốc tế từ bỏ chính sách “tiêu chuẩn kép” trong cuộc chiến chống khủng bố quốc tế.

Đoàn Việt Nam do Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an, dẫn đầu tham dự hội nghị cùng đại diện đến từ 74 quốc gia và các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu (EU)… nhằm xem xét, tổng kết và chia sẻ kinh nghiệm chống khủng bố của các nước, thảo luận các định hướng đảm bảo an ninh cho các hoạt động quốc tế lớn.

Tổng thống Vladimir Putin nêu rõ, những hành động khủng bố đang tăng nhanh, diễn ra khắp  nơi trên thế giới cho thấy sự cần thiết phải có nỗ lực chung trong lĩnh vực chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Cuộc chiến này, theo nhà lãnh đạo Nga, đang diễn ra toàn diện trên các mặt trận, từ các chiến dịch quân sự, an ninh cho tới chống phổ biến hệ tư tưởng khủng bố, cung cấp tài chính cho các nhóm vũ trang bất hợp pháp… cho tới sự cần thiết phải dẹp bỏ ngay chính sách “tiêu chuẩn kép” này.

Dù Tổng thống Vladimir Putin không nêu rõ những quốc gia nào đang thi hành chính sách “tiêu chuẩn kép” chống khủng bố và diễn ra tại đâu, song những phát biểu trước đó của các quan chức cấp cao Nga và nhất là thực tế cuộc chiến đầy cam go này cho thấy rõ điều đó. Ngay bản thân nước Nga từng là nạn nhân của chính sách “tiêu chuẩn kép” chống khủng bố.

Một trong những vụ tấn công khủng bố bi thảm và đẫm máu nhất trong lịch sử Nga từ trước tới nay là vụ khủng bố tại Beslan hồi tháng 9-2004 khiến khoảng 330 người thiệt mạng, trong đó khoảng một nửa số nạn nhân là trẻ em. Điều đáng nói, thủ phạm của vụ khủng bố kinh hoàng này là các phần tử Hồi giáo cực đoan vốn được các quốc gia phương Tây hậu thuẫn trong cuộc chiến ly khai tại nước cộng hòa tự trị Chesnia.

Chính sách “tiêu chuẩn kép” chống khủng bố còn được thấy ở nhiều nơi khác như Afghanistan, Libya, Iraq… và hiện nay là Syria. Tại chiến trường chống khủng bố khốc liệt nhất thế giới này, Nga cùng với liên quân do Mỹ đứng đầu dù chung mục tiêu nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, song lại bất đồng sâu sắc về những tổ chức vũ trang khác mà Matxcơva cáo buộc là khủng bố.

Cuộc chiến tiêu diệt Tổ chức khủng bố IS tại Syria đã khó khăn lại càng khó khăn thêm khi Nga và liên quân do Mỹ đứng đầu phải phân tán sức mạnh và nguồn lực cho các mục đích của riêng mình. Nga vừa chống IS lại vừa phải kìm chế các tay súng thuộc Tổ chức Mặt trận Al-Nusra có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda, trong khi liên quân lại san sẻ hỏa lực để hậu thuẫn cho Al-Nusra bởi đây là nhóm vũ trang mạnh nhất chống lại chính quyền Tổng thống Syria Bashar al Assad.

Bởi thế, ngày 4-10 vừa qua, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã cảnh báo, việc liên quân quốc tế áp dụng “tiêu chuẩn kép” tại Syria, trong đó chia khủng bố thành loại “xấu” và “không quá xấu” cũng như tham gia liên minh vì những toan tính chính trị sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả cuộc chiến chống khủng bố tại nước này và cả khu vực Trung Đông.

Ông kêu gọi tất cả các bên có liên quan trong cuộc xung đột tại Syria từ bỏ những toan tính địa - chính trị đằng sau “tiêu chuẩn kép” để tập trung sức mạnh tiêu diệt khủng bố, khôi phục ổn định và an ninh tại Syria, khu vực Trung Đông và Bắc Phi - những khu vực mà khủng bố đang hoành hành mạnh nhất hiện nay.