Nguy cơ vớ phải tiền giả, 'bùng' cọc khi đổi tiền lẻ, tiền mới qua mạng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trước nhu cầu đổi tiền lẻ, tiền mới để sử dụng trong dịp Tết của người dân trên mạng xã hội, một số đối tượng đã đưa ra những lời quảng cáo, chào mời khá hấp dẫn. Cả tin, nhiều người đã nhanh chóng sập bẫy.

Vào facebook, zalo, người dùng dễ dàng bắt gặp các hội nhóm đổi tiền lẻ, tiền mới hoạt động sôi nổi với số lượng thành viên lên tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người.

Càng sát Tết, các nhóm này liên tục đăng tải bài viết giới thiệu dịch vụ đổi tiền như “phí đổi thấp, cam kết tiền thật, tiền nguyên seri, giao hàng tận nơi, được kiểm tra trước khi nhận hàng”.

Mức phí dịch vụ đổi tiền tuỳ thuộc vào mệnh giá tiền và số lượng tiền cần đổi. Thông thường, phí đổi tiền mới cho tiền loại 100.000 đồng, 200.000 đồng là từ 3-8%. Với các loại tiền lẻ như 1.000 đồng, 2.000 đồng, mức phí từ 10-15%.

Là người đã sử dụng dịch vụ đổi tiền mới, tiền lẻ qua mạng từ năm trước, chị Bùi Thanh Hồng ở khu đô thị Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ, sau khi qua ngân hàng đổi tiền nhưng không được, chị Hồng đành lên mạng tìm chỗ đổi tiền.

Theo chị Hồng, với cùng một thời điểm, tiền cùng một mệnh giá nhưng phí dịch vụ của các nơi khác nhau. “Để đổi 10 triệu đồng tiền 20.000 đồng tôi đã phải trả phí gần 1 triệu đồng. Tuy vậy, khi về kiểm tra, đếm lại tôi thấy thiếu 200.000 đồng và bên trong lõi có nhiều tờ tiền cũ. Gọi điện lại chỗ đổi tiền, tôi chỉ nhận được câu trả lời “khi nhận tiền phải kiểm ngay, nếu đã mang về nhà thì tự chịu trách nhiệm” - chị Hồng thở dài.

Dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới dịp cuối năm hoạt động khá nhộn nhịp

Dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới dịp cuối năm hoạt động khá nhộn nhịp

Về nguyên nhân khiến dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới dịp cuối năm vẫn hoạt động nhộn nhịp, được biết, từ năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã có chủ trương không in thêm tiền mới mệnh giá thấp vào lưu thông dịp Tết và tiếp tục siết chặt việc đổi tiền lẻ, trong khi đó một bộ phận người dân vẫn có nhu cầu về loại tiền này.

Tuy vậy, việc đổi tiền lẻ, tiền mới qua mạng tiềm ẩn khá nhiều rủi do bởi nhiều hội nhóm cung cấp dịch vụ đổi tiền không có địa chỉ rõ ràng và thường yêu cầu khách chuyển khoản trước nên không ít người đã bị “bùng”. Bên cạnh đó, không ít người khi nhận tiền mới phát hiện bị rút ruột, hoặc tráo tiền giả, tiền cũ vào...

Hiện nay, việc đổi tiền hiện nay thực hiện theo Thông tư 25/2013/TT-NHNN quy định hoạt động thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông của Ngân hàng Nhà nước.

Theo đó, chỉ có những tổ chức được Nhà nước cho phép mới được hoạt động đổi tiền, bao gồm: Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, kho bạc nhà nước.

Ngoài các đơn vị này, mọi hoạt động đổi tiền mới, tiền lẻ nhằm hưởng % chênh lệch, đổi tiền để thu lời của mọi tổ chức, cá nhân đều là hành vi trái pháp luật và có thể bị xử phạt - Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.

Theo Nghị định 88/2019/NĐ-CP, việc thực hiện đổi tiền trái quy định sẽ bị xử phạt tiền tới 40 triệu đồng. Trường hợp tổ chức có hành vi đổi tiền không đúng quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt gấp 2 lần, lên tới 80 triệu đồng.

Dù nhu cầu đổi tiền lẻ, tiền mới vào dịp Tết Nguyên đán là có thực, song để tránh “tiền mất, tật mang”, mỗi người dân trước khi giao dịch cần nâng cao tinh thần cảnh giác, tuyệt đối không chuyển tiền đặt cọc trước cho người lạ và nên đến ngân hàng để đổi tiền - Luật sư Hồng Vân khuyến cáo.