Nguy cơ thiếu điện

(ANTĐ) - Bộ Công Thương dự báo, nhu cầu điện cả năm nay sẽ tăng khoảng 17% so với năm 2009, thay vì dự báo tăng 15% như trước đó. Nguy cơ thiếu điện mùa khô ngày càng rõ rệt.

Nguy cơ thiếu điện

(ANTĐ) - Bộ Công Thương dự báo, nhu cầu điện cả năm nay sẽ tăng khoảng 17% so với năm 2009, thay vì dự báo tăng 15% như trước đó. Nguy cơ thiếu điện mùa khô ngày càng rõ rệt.

Nguồn điện cấp cho Hà Nội sẽ khó khăn trong thời gian tới
Nguồn điện cấp cho Hà Nội sẽ khó khăn trong thời gian tới

Cung ứng điện căng thẳng

Theo lãnh đạo của Bộ Công Thương, nguồn điện có mức dự phòng điện năng toàn hệ thống mùa mưa khoảng 28,2% (thấp hơn khoảng 2% so với báo cáo năm 2009). Mức dự phòng công suất mùa mưa năm 2010 trên toàn hệ thống xấp xỉ 17,5%, trong đó miền Bắc thiếu khoảng 3% (dự báo cuối năm 2009 là dư khoảng 1,5%); Miền Trung là 46% và miền Nam là 3,6%.

Về khả năng đáp ứng của nguồn điện trong tháng 7 đến 8-2010 (thời điểm nhu cầu phụ tải cao nhất trong năm), nếu các nguồn điện mới hoàn thành đúng tiến độ sẽ tăng thêm cho hệ thống 1.600-1.750MW và không có sự cố nguồn điện mới thì nguồn điện đáp ứng được nhu cầu phụ tải, nhưng mức dự phòng chưa cao, chỉ xấp xỉ 5-6%.

Đối với mùa khô, trong trường hợp không có sự cố, nguồn điện sẽ vận hành không có dự phòng các tháng 4, 5 và thiếu hụt điện năng xảy ra vào tháng 6-2010. Nguồn điện bị thiếu hụt cả điện năng và công suất, nhưng mức thiếu điện cao hơn thiếu hụt công suất.

Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu, tình hình khô hạn đang xảy ra trên diện rộng nên lưu lượng nước về các hồ thủy điện hiện tại rất thấp. Tính đến cuối tháng 2-2010, mực nước nhiều hồ thủy điện thấp hơn cùng kỳ năm 2009, trong đó hồ Hòa Bình là 1,43m; Thác Bà 5,23m (chỉ còn cách mực nước chết 3,9m); Tuyên Quang 15,18m (cách mực nước chết 8,3m). Mặt khác, nắng nóng sớm tại miền Bắc vào cuối tháng 2 và đầu tháng 3 làm phụ tải tăng cao, trong khi lượng điện mua từ Trung Quốc lại giảm 100 triệu kWh từ tháng 3-2010; khí Phú Mỹ 3 cấp cho cụm nhà máy điện Cà Mau chỉ đạt 3,5 triệu m3/ngày trong khi nhu cầu cần 6 triệu m3/ngày.

Nền kinh tế nước ta bước đầu tăng trưởng ở mức cao nên nhu cầu phụ tải điện cũng tăng mạnh. Thiếu hụt công suất và điện năng sẽ xảy ra tại miền Bắc. Nếu các nguồn nhiệt điện lớn mới ở miền Bắc bị sự cố sẽ làm tăng mức truyền tải công suất và có thể vượt quá giới hạn tải cho phép, gây mất an toàn cung cấp điện cho hệ thống điện miền Bắc và hệ thống điện quốc gia.

Bộ Công Thương đánh giá, tình hình vận hành hệ thống điện không đáng tin cậy. Rất có thể, nhiều sự cố của các nhà máy điện lớn sẽ xảy ra, gây thiếu hụt điện trong các tháng cao điểm mùa khô tới, đặc biệt tập trung vào khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 6.

Trông cậy vào nguồn điện mới

Trước tình trạng vận hành thiếu tin cậy của các nhà máy điện mới, phụ tải có xu thế tăng cao, trong các tháng 4 đến 6-2010, nhiều khả năng hệ thống điện xảy ra tình trạng thiếu nguồn, EVN đang dự báo phụ tải toàn quốc và các khu vực, kế hoạch huy động nguồn điện, vận hành lưới điện truyền tải 500kV liên kết Bắc - Nam; chuẩn bị thiết bị để đảm bảo vận hành an toàn, ổn định lưới điện truyền tải 500, 220kV cấp điện cho miền Bắc. Đồng thời, có kế hoạch chuẩn bị ứng phó với các trường hợp sự cố; lập phương án ngừng giảm cung cấp điện có kế hoạch để thực hiện trong trường hợp thiếu nguồn.

Lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực cho rằng, các chủ đầu tư dự án nguồn điện mới (EVN và TKV) cần khẳng định lại tiến độ các dự án này và đưa vào vận hành trong năm 2010. Theo báo cáo cuối năm 2009, dự kiến trong năm 2010 có 14 nhà máy điện lớn vào vận hành với tổng công suất lắp đặt là 3.335MW chưa kể các dự án thủy điện vừa và nhỏ (khoảng 300MW). Tuy nhiên, thực tế cho thấy, quý I năm nay, một số dự án nguồn điện đã bị chậm tiến độ: nhà máy điện Bản Vẽ, Cửa Đạt và Sơn Động với tổng công suất khoảng 450MW sẽ gây ảnh hưởng và nguy cơ thiếu điện trầm trọng trong mùa khô tới.

Tại cuộc giao ban trực tuyến sáng 5-4, ông Đậu Đức Khởi - Phó Tổng Giám đốc EVN cũng khẳng định, từ tháng 4 đến 6, cả nước sẽ luôn trong tình trạng thiếu điện. Nhưng nếu vẫn giữ công nghệ cũ, tiêu hao nhiều năng lượng như hiện nay thì bài toán năng lượng cho sản xuất điện lại làm đau đầu nhà quản lý. Ông Khởi cũng băn khoăn khi tiến độ các dự án điện rất chậm.

Theo tính toán, với khả năng cung ứng hiện nay của tất cả các nguồn, trong tháng 4, mức tiêu dùng điện buộc phải khống chế ở mức không quá 270 triệu kwh điện/ngày, tháng 5 phải khống chế dưới 275 triệu kwh/ngày, tháng 6 là phải dưới 285 triệu/ngày.

EVN đang đề nghị Bộ Công Thương cho phép chủ động lập kế hoạch cung ứng và điều tiết điện. Đồng thời, lãnh đạo EVN cần làm việc cụ thể với từng Sở Công Thương tỉnh, thành phố để tuyên truyền tiết kiệm điện năng.                

Vân Hằng