Nguy cơ tai nạn từ đường hầm để xe

ANTĐ - Phục vụ việc đi lại, để xe của người dân sống và làm việc tại các chung cư, tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại…, song đường dẫn lên xuống nhiều tầng hầm đã và đang tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn đáng tiếc.

Nguy cơ tai nạn từ đường hầm để xe ảnh 1Đường lên xuống hầm gửi xe có độ dốc rất cao tại một tòa nhà cao tầng ở phố Đào Tấn, quận Ba Đình

Dốc đứng... trong hầm

Trung tuần tháng 2 vừa qua, một vụ tai nạn  xảy ra trong đường hầm của một khu chung cư tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng khiến một người thiệt mạng.

Quá trình điều tra, xác minh, cơ quan chức năng làm rõ, nguyên nhân tai nạn là do yếu tố chủ quan của người điều khiển phương tiện: chưa có giấy phép lái xe và chưa từng ngồi lên xe máy. Từ vụ việc này, phóng viên ANTĐ đã khảo sát và ghi nhận một số thực trạng, tồn tại ở nhiều đường dẫn xuống hầm để xe tại các khu chung cư, trung tâm thương mại.

Thực tế cho thấy, nhiều tòa chung cư cao tầng, văn phòng làm việc trên địa bàn Hà Nội đều có ít nhất 2 tầng hầm, thậm chí có nơi  có đến 4 tầng hầm để phương tiện. Với thiết kế  độ dốc tầng hầm lớn, tầm nhìn bị che khuất, mặt sàn dễ trơn trượt, việc xảy ra tai nạn giao thông luôn tiềm ẩn.

Cụ thể, tòa trung tâm thương mại L. nằm trên phố Đào Tấn, quận Ba Đình; với 3 tầng hầm để phương tiện sâu dưới lòng đất, lối lên xuống hầm có hướng lao thẳng ra phố Đào Tấn ở cự ly rất ngắn, cách bố trí giao thông ở phía dưới hầm không hợp lý. Theo phản ánh, đã nhiều lần xảy ra ách tắc giao thông trong tầng hầm khiến nhiều xe bị trôi lùi do phải dừng lưng chừng dốc.

Không chỉ các trung tâm thương mại, nhiều đường dẫn lên xuống hầm tại nhiều trụ sở cơ quan Nhà nước thiết kế cũng không hợp lý. Điển hình như một tòa nhà trên phố Hàng Trống, thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Khi lưu thông vào tầng hầm này, người điều khiển phương tiện nếu thiếu quan sát, hoặc xe bị mất phanh có nguy cơ gặp tai nạn cao bởi độ dốc lớn, tầm nhìn khuất. Chưa kể lối lên xuống tầng hầm hai chiều chỉ được phân cách  bằng vạch sơn, nên va chạm giao thông rất dễ xảy ra. 

Thiếu kỹ năng sẽ gây mất an toàn

Ngoài yếu tố lối lên xuống có độ dốc và khuất tầm nhìn, nền sàn trơn trượt, thì kỹ năng của người điều khiển phương tiện giao thông trong các tầng hầm cũng là vấn đề đáng lo ngại. Bởi, điều khiển phương tiện ô tô, xe máy trong đường hầm khó hơn nhiều so với đường bằng. Chị Nguyễn Thu Trang, trú tại tổ 12 Kim Mã Thượng, Ba Đình lo lắng: “Xe máy của tôi đã bị tụt dốc 1 lần tại tầng hầm của tòa trung tâm thương mại cao nhất nhì Hà Nội. Khi đó, tôi chở con gái đang đi đến lưng dốc thì ga yếu và đổ xe, rất may chỉ bị xây xước nhẹ”. Đó là chưa kể những sự cố xảy ra đối với ô tô, hậu quả sẽ không thể lường trước. 

Từ những vụ tai nạn giao thông do xe máy trôi dốc, chết máy tại hầm các tòa nhà cao tầng, các chuyên gia đã đưa ra kinh nghiệm lái xe an toàn. Ví dụ, đối với xe máy tay ga khi xuống dốc hầm cần phải để máy nổ ở mức độ nhất định cho bộ phận ly hợp luôn trong trạng thái bám vào hệ chuyển động nhằm kìm xe lại, cùng với đó hãm phanh trước sau, không phanh đột ngột phanh trước khi vào khúc cua. Đối với xe số, để an toàn hãy về số thấp vừa để cho máy hãm xe chậm lại, đồng thời đệm phanh cho xe chuyển động ở tốc độ chậm, an toàn. Tuy nhiên, thực tế, những con dốc đứng trong hầm vẫn tồn tại và nguy cơ tai nạn vẫn luôn hiện hữu…

Tính an toàn của đường dẫn vào hầm xe phải cao hơn bình thường

Đường dẫn trong các tầng hầm có đặc thù riêng, vì vậy tính an toàn phải cao hơn bình thường để tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra. Đặc thù ở đây là gì? Đó là không gian đường dẫn vào hầm xe thường tối, vì vậy yếu tố ánh sáng hết sức quan trọng. Nếu để xảy ra mất điện sẽ rất nguy hiểm, do đó phải có hệ thống chiếu sáng dự phòng. Ô tô, xe máy đi trong đường dẫn hay trong hầm thường với tốc độ chậm sẽ thải khí độc, vì vậy cần thiết phải có hệ thống thông gió, hút khí tốt, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe. Một đặc thù khác là nhiều đường dẫn xuống hầm xe có góc cua, quanh rất gấp, thậm chí góc vuông, khiến người điều khiển phương tiện hai chiều không trông thấy nhau… 

Quy định thiết kế, thi công đảm bảo an toàn ở các đường dẫn, tầng hầm đều có, nhưng tai nạn vẫn có thể xảy ra do sự bất cẩn của người điều khiển phương tiện. Để giảm thiểu tai nạn, đơn vị quản lý cần bố trí gờ giảm tốc, gương cầu quan sát, tăng cường tối đa hệ thống chiếu sáng và tùy từng địa hình cụ thể để quyết định phương án thiết kế, thi công đường dẫn. Bên cạnh đó cần chủ động rà soát, khắc phục bất cập trong đường dẫn và tầng hầm, lưu ý nên thiết kế độ dốc càng thoải càng tốt.

(Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng)