Nguy cơ nợ xấu ngân hàng “xấu hơn” do dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu, báo cáo tài chính của các ngân hàng đã “sạch” hơn, nợ xấu không chỉ được bán cho Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) mà còn được chính các nhà băng tự mua về xử lý và làm sạch bảng cân đối. Nhưng với các đợt dịch Covid-19 liên tục bùng phát thời gian gần đây, “bóng ma” nợ xấu đang đe dọa quay trở lại.

Xử lý nợ xấu được đẩy mạnh nhờ Nghị quyết 42

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Nghị quyết số 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) đến nay đã có trên 3 năm đi vào thực tiễn, đã tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả giúp các tổ chức tín dụng đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu.

Nghị quyết có hiệu lực, tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương tích cực phối hợp với ngành Ngân hàng trong công tác xử lý nợ xấu. Đồng thời cũng cho khách hàng thấy được nghĩa vụ, trách nhiệm trả nợ của mình.

Tới nay, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 530 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, lũy kế từ ngày 15/8/2017 (thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực) đến 30/4/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được gần 350 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 (66% số nợ), đạt trung bình khoảng 8 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2 lần so với kết quả xử lý nợ xấu nội bảng (54%), ngoại bản (21%) bán cho VAMC (25)%.

Trong đó, khách hàng tự nguyện trả nợ 150 nghìn tỷ đồng, tăng gấp đôi thời điểm trước Nghị quyết 42 có hiệu lực.

Nhờ các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần giải quyết nhanh, dứt điểm nợ xấu tại các tổ chức tín dụng thời gian qua. Các tổ chức tín dụng đã xử lý được khối lượng khá lớn nợ xấu, lành mạnh hóa bảng cân đối, góp phần cải thiện đáng kể hiệu quả kinh doanh…

Ám ảnh nợ xấu quay trở lại

Theo báo cáo tài chính quý I/2021, nhiều ngân hàng đang có số nợ xấu cao và có xu hướng tăng. Như, VPBank nợ xấu tương ứng hơn 10.420 tỷ đồng, VietinBank hơn 8.950 tỷ đồng, Vietcombank hơn 7.690 tỷ đồng, MB hơn 4.180 tỷ đồng, ACB 2.954 tỷ đồng…

Dù vậy, theo các chuyên gia, việc Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng giữ nguyên nhóm nợ làm cho bức tranh nợ xấu chưa phản ánh đúng thực tế. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 31/5/2021, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 257.602 khách hàng với dư nợ 336.663 tỷ đồng.

Nợ xấu tại các ngân hàng có thể tăng do ảnh hưởng của dịch Covid-19

Nợ xấu tại các ngân hàng có thể tăng do ảnh hưởng của dịch Covid-19

Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, khả năng trả nợ thời gian tới được dự báo còn tiếp tục khó khăn. Ông Hoàng Văn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang (Khánh Hòa) chia sẻ, trước dịch Covid-19, có hơn 17 triệu lượt khách đến Nha Trang, nhưng khi dịch đến không có bóng dáng du khách nước ngoài nào. 95% khách sạn đóng cửa, chưa đầy 5% hoạt động, nhưng là đăng ký làm cơ sở cách ly.

“Chúng tôi mong muốn ngân hàng hỗ trợ cho doanh nghiệp ảnh hưởng trực tiếp tiếp cận khoản vay không có lãi. Đề xuất Ngân hàng Nhà nước cho các doanh nghiệp khoanh nợ và giảm nợ, giảm lãi suất. Với tình hình hiện tại, du lịch không có khách, doanh nhân có khả năng thành con nợ, ông chủ thành con nợ. Hầu như doanh nghiệp bên bờ phá sản” – ông Hoàng Văn Vinh giãi bày.

Cùng trăn trở, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng dịch bệnh không biết bao giờ mới kết thúc, do đó ông mong muốn các cơ quan ban ngành có thể kéo dài hỗ trợ doanh nghiệp phát triển dài hạn hơn.

“Chúng tôi muốn kiến nghị Chính phủ tìm giải pháp hiệu quả hơn nữa để hỗ trợ doanh nghiệp. Nợ xấu là một phần, khoanh nợ cũng cần được chú trọng. Nếu không sản xuất, nợ vẫn còn đó, thành nợ xấu, không thể vay mới. Cần giải quyết khoanh nợ để doanh nghiệp tồn tại và phát triển”, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội kiến nghị.

Theo ông Đoàn Văn Thắng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam - VAMC, nợ xấu hiện nay vẫn chưa phản ánh ảnh hưởng của Covid-19 nhờ các chính sách giảm nợ, giãn nợ.

"Bản thân chúng tôi cũng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, tốc độ thu nợ chậm, thậm chí bán đấu giá thành công rồi, lẽ ra người mua bình thường có thể trả ngay, nhưng hiện nay cũng xin giãn” – lãnh đạo VAMC nêu thực trạng.

Lãnh đạo VAMC cho biết, đơn vị này cũng đang thực hiện cơ cấu đối với các khách hàng mua nợ từ thị trường, đối với khách hàng có khả năng phục hồi thì áp dụng cơ cấu như giảm nợ, giãn nợ.

"Chúng tôi đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hỗ trợ khách hàng thông qua các chính sách, có thể thời gian hỗ trợ sẽ kéo dài hơn nữa.

Về phía tổ chức tín dụng, chúng tôi đề nghị tùy nguồn lực mà hỗ trợ khách hàng phù hợp. Gọi là hỗ trợ khách hàng, nhưng thực sự là tiềm năng để tổ chức tín dụng tiếp tục làm việc với khách hàng đó" - ông Thắng nói.