Nguy cơ chết người từ việc nuôi chó dữ

ANTĐ - Hình ảnh 4 con chó hung dữ lao vào tấn công một người đàn ông trong một clip được đăng tải trên mạng xã hội mấy ngày qua đã khiến người xem khiếp sợ. Vụ việc cho thấy sự bất cẩn trong lựa chọn vật nuôi của người dân và công tác quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng...

Nguy cơ chết người từ việc nuôi chó dữ ảnh 1Hình ảnh 4 con chó lao vào tấn công người trong clip

Khi vật nuôi phản chủ

Cũng trong đoạn clip trên, mặc dù người đàn ông đã cố gắng hết sức để chống trả và tháo chạy, song đàn chó dữ vẫn lao vào cắn xé khiến nạn nhân ngã ra đường. Chỉ đến khi một người dân ở gần đó đến trợ giúp, dùng gậy xua đuổi đàn chó thì người đàn ông mới có cơ hội thoát thân với nhiều vết thương trên cơ thể. Được biết, người bị tấn công là anh D (ở  phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội) - chủ nhân của 4 con chó. Đây là chó giống Doberman và Rottweiler, thường được nuôi để giữ nhà, hoặc làm công tác nghiệp vụ. Còn tại khu đô thị mới Dịch Vọng (quận Cầu Giấy), một con chó Pitbull đã đột nhiên lao vào cắn chết con chó Labrador được chủ nhà xích trước cổng.

Trước đó, ở huyện An Lão, TP Hải Phòng cũng xảy ra một vụ chó tấn công người. Bà Lý Thị N (70 tuổi) trong khi đi đổ rác đã bị một con chó lai giật đứt xích lao vào cắn xé. Ngay sau đó, những con chó khác cũng lao vào tấn công khiến bà N ngã gục. Chỉ đến khi một người bảo vệ phát hiện, chạy đến xua đuổi đàn chó, nạn nhân mới được đưa đến bệnh viện cấp cứu với hàng trăm vết cắn trên người. Do vết thương quá nặng và mất máu nhiều, bà N đã tử vong. Cách đây không lâu, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) cũng đã tiếp nhận một bé gái 8 tuổi bị chó lai  nặng khoảng 20kg tấn công. Cháu bé may mắn thoát chết nhưng phải mang tới 200 mũi khâu trên khuôn mặt.

Mặc dù thời gian qua đã xảy ra khá nhiều vụ chó tấn công người, trong đó thủ phạm hầu hết là những loài chó dữ có nguồn gốc từ nước ngoài, song trào lưu nuôi chó với tiêu chí “độc, lạ” vẫn diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt là các thành phố lớn. Thậm chí, có những loài chó nổi tiếng thế giới về sự hung hãn như chó Ngao Tây Tạng, Pitbull, Canary… vẫn được nhiều người săn lùng và sẵn sàng bỏ ra hàng chục triệu đồng để mua về nuôi nhằm chứng tỏ… đẳng cấp sành điệu. 

Lo ngại trước thú chơi này, anh Bùi Ngọc Thành (ở đường Xuân Diệu, quận Tây Hồ) cho rằng, ngay cả khi đã được nuôi dạy cẩn thận, trong một thời điểm nào đó, những con chó dữ vẫn có thể bị mất kiểm soát, sẵn sàng tấn công những loài vật khác và cả con người. Vốn là những “thợ săn” chính hiệu nên các giống chó này có hàm răng sắc nhọn và rất khỏe. Vì thế, khi chúng tấn công người có thể gây ra hậu quả khôn lường. “Điều đáng nói là hiện nay nhiều người nuôi chó dữ lại thiếu hiểu biết, ý thức kém. Họ không những không biết cách huấn luyện, quản lý mà còn thường xuyên dắt chó ra nơi công cộng rồi thả rông gây cản trở giao thông, ô nhiễm môi trường và đe dọa tính mạng của những người khác. Đến khi xảy ra tai nạn, chỉ nạn nhân là người chịu thiệt” - anh Thành nói.

Quy định có nhưng khó thực hiện

Theo Thông tư số 48/2009/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT về hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật, người nuôi chó có trách nhiệm: Đăng ký với Tổ trưởng dân phố để lập danh sách, trình UBND cấp xã cấp sổ quản lý chó; Phải tiêm phòng bệnh dại định kỳ và bổ sung; Thường xuyên xích chó, nuôi chó trong nhà, không được thả rông, để chó cắn người. Ở các thành phố, thị xã… khi dắt chó ra nơi công cộng phải có dây xích, rọ mõm, không để chó đi lang thang ngoài đường làm mất vệ sinh nơi công cộng…

“Trong trường hợp chó tấn công người gây ảnh hưởng đến sức khỏe, chủ chó phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nạn nhân theo Điều 625-Bộ luật Dân sự. Bên cạnh đó, nếu thả rông chó ở khu dân cư hoặc dắt chó đi cùng mà không có dây xích, không có rọ mõm (đối với chó dữ) thì theo quy định tại Nghị định 167/2013/TT-BTC, người nuôi chó có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng. Nếu để chó gây thương tích, thiệt hại tài sản cho người khác thì bị xử phạt từ 500.000 - 1.000.000 đồng và phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do vật nuôi của mình gây ra” - luật sư Lê Hồng Vân, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.

Mặc dù quy định đã khá rõ ràng, song việc xử lý cá nhân vi phạm không hề đơn giản do thiếu cán bộ chuyên trách theo dõi, giám sát. Vì vậy, đến khi hậu quả xảy ra, trách nhiệm pháp lý của chủ vật nuôi mới được xem xét, song cũng chỉ dừng lại ở mức phạt hành chính. Để việc nuôi chó nói riêng và súc vật nói chung đảm bảo an toàn, chủ vật nuôi phải tự giác chấp hành các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cùng các đơn vị liên quan cần tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ việc nuôi nhốt, tiêm phòng vật nuôi trong các gia đình, tránh xảy ra những vụ việc đáng tiếc.  

Không có quy định hạn chế nhập chó ngoại

Liên quan đến trào lưu nuôi chó ngoại trong các hộ gia đình thời gian gần đây, ông Nguyễn Ngọc Tiến - Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú ý, Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện nay không có quy định nào hạn chế việc nhập chó cảnh từ nước ngoài vào Việt Nam và ngược lại. Các quy định pháp lý cũng không nêu rõ chó dữ có được nhập hay không. Thủ tục nhập cảnh chỉ cần giấy có chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y các nước theo tiêu chuẩn đã quy định.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tiến, Nghị định năm 2007 của Chính phủ về phòng, chống bệnh dại ở động vật đề cập khá chi tiết. Nghị định này cũng quy định việc bồi thường thiệt hại nếu chủ nuôi chó để chó cắn người; trách nhiệm của cơ quan địa phương khi để chủ nuôi chó vi phạm. Thông tư 48 Bộ NN&PTNT ban hành năm 2009, cũng hướng dẫn chi tiết về vấn đề này. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Ngọc Tiến, các địa phương chưa thực hiện sát sao, có nhiều nơi còn buông lỏng nên việc nuôi chó đang tràn làn, không tuân thủ quy định pháp luật.

Thống kê của Cục Thú y cho thấy, trong năm 2015 đã có hơn 394.000 người bị chó cắn phải đi tiêm phòng dại. Theo thống kê sơ bộ, tổng đàn chó trên cả nước hiện nay vào khoảng 10 triệu con.

Hải Dương