Nguy cơ cháy, nổ trong nhà hàng, quán ăn từ đun nấu bất cẩn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đã có nhiều vụ hỏa hoạn cháy, nổ từ gas, lửa trần xảy ra trong nhà hàng, quán ăn, trung tâm tiệc cưới… nhưng tất cả các sự cố xảy ra vẫn chưa được người dân, chủ cơ sở lấy đó làm bài học cảnh giác cho chính mình.
Hàng chục bình gas tập kết để phục vụ đun nấu tại nhà hàng ở phố Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, đã gây ra vụ nổ khiến nhiều người bị thương

Hàng chục bình gas tập kết để phục vụ đun nấu tại nhà hàng ở phố Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, đã gây ra vụ nổ khiến nhiều người bị thương

“Bom gas” tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ

Vụ nổ ở trung tâm thương mại Savico Long Biên, Hà Nội xảy ra vào khoảng 6h40, ngày 20-11-2022, cơ quan Công an xác định do rò rỉ khí gas từ nhà hàng BukBuk, khiến 2 người bị thương nhẹ...

Phát hiện tiếng nổ tại khu vực nhà hàng BukBuk, ở tầng 3 TTTM Savico Long Biên, Hà Nội, gây sập trần giả và một số cửa kính vỡ tan. Khu vực phát nổ được xác định là gian hàng BukBuk, có diện tích khoảng 100m2. Vụ nổ đã làm bung phần trần của nhà hàng, hư hỏng một phần của Trung tâm tiệc cưới Nguyên Đình và vỡ cửa kính một số gian hàng xung quanh.

Trước đó, vụ nổ khí gas xảy ra vào khoảng 15h30, ngày 11-5-2020, tại khu vực bếp ăn của nhà hàng gà rán Bonchon ở phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội làm 5 người bị thương phải nhập viện cấp cứu. Tại hiện trường, sức ép của vụ nổ đã khiến nhiều đồ đạc bên trong quán bị hư hại. Phía trên tầng 2, cửa sổ cùng cửa ra vào bị biến dạng một phần, treo lủng lẳng. Cùng thời điểm, tại một nhà hàng ở phố Đặng Tiến Đông, quận Đống Đa trong khi nhân viên thay bình gas cho bếp lẩu bất cẩn gây nổ khí làm 2 người bị thương.

Có một thực tế tai nạn khí gas thường xảy ra, nguy cơ hỏa hoạn rất lớn. Thế nhưng lâu nay, các cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn, trung tâm tiệc cưới… vẫn phải chọn gas là nhiên liệu đun nấu chính. Duy chỉ một số cơ sở kinh doanh đồ nướng thì sử dụng lửa trần thông thường là than củi. Về sử dụng gas đun nấu trong kinh doanh nhà hàng, khách sạn, đối với cơ sở có không gian, diện tích rộng, thì có kho chứa bình gas tách biệt theo quy định, còn đối với cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ thông thường thì tận dụng ngay nơi trống gần bếp đun nấu để đặt bình gas.

Đây là những bất cập và tiềm ẩn nguy cơ cháy mà bất cứ chủ cơ sở kinh doanh nào cũng có thể nhìn thấy. Tuy nhiên, do điều kiện không gian không thể làm khác được, nên hầu hết đều “tặc” lưỡi bỏ qua quy định an toàn cháy, nổ và tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn rình rập bất cứ lúc nào. Ở không gian chật chội như phố cổ Hà Nội, bất cứ một cơ sở kinh doanh ăn uống nào nếu dùng gas nấu nướng cũng tiềm ẩn nguy cơ đe dọa đến sự an toàn của thực khách. Bởi vì không gian nhỏ chật, thậm chí nằm trong ngõ sâu, kín bưng chỉ một sơ suất nhỏ, ý thức chủ quan của đầu bếp về việc thiếu kiểm tra, kiểm soát van gas rò rỉ thì nguy cơ cháy nổ rất cao.

Vụ nổ khí gas tại trung tâm thương mại Big C Long Biên

Vụ nổ khí gas tại trung tâm thương mại Big C Long Biên

Theo Thượng tá Đỗ Anh Quyến - chuyên gia Cảnh sát PCCC và CNCH: “Đối với nhà hàng, khách sạn sử dụng lượng khí gas đun nấu số lượng lớn thì trạm gas phải được thẩm duyệt, quy định nơi đặt theo Luật PCCC. Cơ chế giám sát, quản lý vận hành phải chặt chẽ, nhân viên ghi sổ số lượng gas thay thế, về phương tiện PCCC tại khu vực này phải trang bị đầy đủ bình chữa cháy, kìm, búa, chăn chiên. Đặc biệt phải lắp đặt thiết bị báo rò rỉ gas để kịp thời xử lý an toàn”.

Cảnh sát PCCC khuyến cáo an toàn cháy, nổ khí gas

​​Theo chỉ huy Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội, trong thời gian qua, trên địa bàn đã xảy ra nhiều vụ cháy, nổ khí gas do bất cẩn trong việc sử dụng bếp gas để đun nấu gây cháy, nổ. Rất may, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã đến hiện trường kịp thời, phá cửa vào nhà cứu nạn, cứu hộ an toàn.

Do đó, nhằm chủ động phòng ngừa, không để xảy ra cháy khi sử dụng, kinh doanh gas, CATP Hà Nội đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phối hợp Công an các quận, huyện, thị xã đồng bộ các biện pháp an toàn PCCC để đảm bảo sinh hoạt, kinh doanh cho người dân.

Theo đó, lực lượng Công an quận, huyện ngoài việc điều tra cơ bản, rà soát cơ sở kinh doanh gas, sản xuất dùng khí gas lập hồ sơ quản lý, đồng thời tổ chức tập huấn thường xuyên, tuyên truyền, trang bị kỹ năng an toàn PCCC, xử lý tình huống khi xảy ra sự cố hỏa hoạn.

Lực lượng Cảnh sát PCCC xử lý vụ nổ khí gas tại nhà hàng trên phố Cửa Nam

Lực lượng Cảnh sát PCCC xử lý vụ nổ khí gas tại nhà hàng trên phố Cửa Nam

Chỉ huy lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, CATP Hà Nội khuyến cáo: “Chọn bếp gas có chất lượng tốt, rõ nguồn gốc xuất xứ, nên sử dụng các loại bếp có các bộ phận an toàn như: Rơle an toàn khi rò rỉ khí gas và quá nhiệt.

Lắp đặt bếp gas ở nơi thông thoáng, nhưng tránh gió lùa trực tiếp, không đặt ở nơi ẩm ướt hoặc nơi có môi trường ăn mòn. Bếp đặt cách mặt tường các bên 15cm, các vật treo phía dưới tối thiểu 1,5m.

Bình gas phải đặt ở trạng thái thẳng đứng khi sử dụng. Nơi để bình phải thoáng khí, dễ thấy. Bình gas phải đặt cách xa nguồn nhiệt và nơi có thể phát sinh tia lửa (ổ cắm, công tắc, thiết bị điện…) tối thiểu 1,5m.

Ống dẫn gas giữa bình và bếp phải phải đảm bảo độ kín; sau khi lắp xong tốt nhất nên kiểm tra độ kín bằng nước xà phòng, ống dẫn không nên để dài quá 2m, nên chọn các loại ống mà bên trong có lớp lõi thép bảo vệ.

Hạn chế việc dùng nồi có đáy quá lớn đun nấu trên bếp gas mini vì ngọn lửa sẽ trùm xuống bình gas rất nguy hiểm. Không dùng bếp quá cũ vì rỉ sét và cặn thức ăn lưu lại trong quá trình đun nấu dễ gây tắc nghẽn ống dẫn gas, van, miệng phụt lửa…

Không nên dùng bình gas san, chiết lại (bếp mini) vì hiện nay các loại bình chứa khí nén ít được kiểm soát một cách đầy đủ, các cơ sở sản xuất lậu mua bình chứa khí trôi nổi kém chất lượng rồi bán cho người tiêu dùng. Nên đặt bình thấp hơn bếp, không đặt bình úp hoặc nằm ngang. Không nên để gas trong tầng hầm, chỗ khuất, kín gió. Cảnh giác với các trò tiếp thị thiết bị gas trôi nổi, đồng thời thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng bếp gas, bình gas, van gas, ống dẫn gas… Khi đun nấu xong phải nhớ khóa van bình gas lại.

Nếu phát hiện có rò rỉ gas phải thực hiện các thao tác sau: Tắt ngay bếp và các ngồn lửa khác xung quanh khu vực đặt bình. Chú ý không đóng hoặc ngắt các công tắc, thiết bị điện để tránh phát sinh tia lửa. Đóng ngay van bình gas. Thông gió để phát tán làm giảm nồng độ hơi gas. Có thể bằng việc mở các cửa, thông gió nhân tạo an toàn hoặc sử dụng bình khí CO2, N2 để làm loãng. Tìm chỗ rò bằng cách dùng nước xà phòng (cấm dùng ngọn lửa). Bịt chặt chỗ rò, có thể bằng cách trát xà phòng vào chỗ rò sau đó quấn băng keo, hoặc dùng dây cao su buộc chặt lại.

Nếu không khắc phục được rò rỉ khí gas, cần mang ngay bình gas ra nơi trống, thoáng gió, xa cống rãnh, nguồn lửa và khu dân cư...