Nguy cơ bùng phát chạy đua vũ trang toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tổng mức chi tiêu quân sự toàn cầu lần đầu tiên trong lịch sử vượt ngưỡng 2.000 tỷ USD trong bối cảnh căng thẳng gia tăng từ cuộc khủng hoảng Ukraine đang khiến thế giới lo ngại sâu sắc về việc bùng phát chạy đua vũ trang vũ trang, tiềm ẩn nhiều hệ lụy nguy hiểm đối với hòa bình, ổn định và an ninh trên toàn cầu.

Chi tiêu quân sự toàn cầu cao nhất lịch sử

Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) ngày 25-4 công bố báo cáo cho biết, mặc dù kinh tế suy giảm vì đại dịch Covid-19, các quốc gia trên thế giới vẫn gia tăng ngân sách quốc phòng trong năm 2021 với tổng cộng 2.113 tỷ USD, tăng 0,7% so với năm 2020. Đây là mức chi tiêu quân sự toàn cầu cao nhất trong lịch sử từ trước tới nay. Như vậy, sau giai đoạn giảm nhẹ từ năm 2011 đến 2014, chi tiêu quân sự các quốc gia trên toàn cầu đã tăng 7 năm liên tiếp.

Chi tiêu quân sự thế giới được cho là gia tăng do cuộc xung đột tại Ukraine, trong đó có những vũ khí hạng nặng mà Mỹ và đồng minh NATO chuyển giao cho nước này

Chi tiêu quân sự thế giới được cho là gia tăng do cuộc xung đột tại Ukraine, trong đó có những vũ khí hạng nặng mà Mỹ và đồng minh NATO chuyển giao cho nước này

Theo SIPRI, cho đến nay, Mỹ vẫn là nước giữ vị trí “quán quân” chi tiêu cho quân sự trên toàn cầu với 801 tỷ USD được phân bổ cho các lực lượng vũ trang trong năm 2021. Trong thập niên qua, chi tiêu quân sự của Mỹ chiếm tới 39% tổng chi tiêu toàn cầu. Theo nhà nghiên cứu Alexandra Marksteiner của SIPRI, mặc dù chi tiêu vũ khí trong ngân sách năm 2021 của Mỹ giảm 6,4%, nhưng ngân sách cho nghiên cứu và phát triển quân sự tăng 24%, cho thấy Mỹ đang tập trung nhiều hơn vào các công nghệ vũ khí trang bị quân sự thế hệ tiếp theo.

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại châu Âu kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 cũng như liên minh quân sự NATO tiếp tục chiến lược “Đông tiến”, nhiều quốc gia thành viên NATO ở châu Âu đã đẩy mạnh chi tiêu quân sự. Theo đó, 8 quốc gia thành viên NATO ở châu Âu đã đạt mức mục tiêu dành 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm chi tiêu cho quân sự. SIPRI nhận định, chi tiêu quân sự ở châu Âu năm tới sẽ tiếp tục tăng mạnh sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.

Trong báo cáo của SIPRI cho rằng, với căng thẳng do xung đột tại Ukraine, một số nước châu Âu sẽ tiếp tục xem xét lại chi tiêu quân sự để tăng cường sức mạnh quốc phòng của mình. Giám đốc chương trình chi tiêu quân sự và sản xuất vũ khí của SIPRI nhìn nhận, chi tiêu quân sự của châu Âu đang trong xu hướng tăng và dự kiến sẽ ngày càng mạnh mẽ sau cuộc khủng hoảng xảy ra tại Ukraine.

Là quốc gia đứng đầu NATO, Mỹ trong ngân sách quốc phòng cho năm tài chính 2023 công bố mới đây đã tiếp tục gia tăng chi tiêu quân sự với mức đề xuất lên Quốc hội là 813 tỷ USD. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết, Lầu Năm Góc cần thêm tiền trong năm ngân sách năm tới để hiện đại hóa hạt nhân, phòng thủ tên lửa, mua thêm tàu cho hải quân, tiếp tục phát triển vũ khí mới như như vũ khí tấn công chính xác tầm xa… và nghiên cứu và phát triển vũ khí trang bị thế hệ mới.

Theo SIPRI, chi tiêu quân sự của Nga năm 2021 tăng 2,9% so với năm trước, lên 65,9 tỷ USD, và đây là năm tăng thứ ba liên tiếp của quốc gia này. Chuyên gia thuộc SIPRI cho biết, chi tiêu quốc phòng năm qua chiếm 4,1% GDP của Nga, cao hơn nhiều so với mức trung bình thế giới, đưa Nga trở thành quốc gia chi tiêu cho vũ khí lớn thứ năm trên thế giới.

Nguồn thu từ dầu khí cao là điều kiện giúp Nga thúc đẩy chi tiêu quân sự. Cuộc xung đột với Ukraine chắc sẽ khiến Nga phải gia tăng nhiều hơn cho chi phí quân sự, song Nga có duy trì được mức chi cho quốc phòng ở mức cao hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó đặc biệt là thu ngân sách do bị Mỹ và phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt nặng nề.

Trung Quốc là nước có chi tiêu quân sự nhiều thứ hai trên thế giới trong năm 2021, với 293 tỷ USD, tăng 4,7% so với năm 2020. Đây là năm thứ 27 liên tiếp chi tiêu quân sự của cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới này gia tăng.

Trong bối cảnh gia tăng căng thẳng trong khu vực do những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc, chi tiêu quốc phòng tại khu vực châu Á cũng tiếp tục gia tăng. Ấn Độ có mức ngân sách quốc phòng năm 2021 là 76,6 tỷ USD, tăng 0,9% so với năm trước. Nhật Bản chi tiêu quốc phòng năm 2021 lên mức cao nhất trong lịch sử với hơn 54 tỷ USD, tăng tới 7,3% và là mức tăng hàng năm cao nhất kể từ năm 1972.

“Lái súng” vớ bẫm

Báo cáo của SIPRI cho biết, ngân sách quốc phòng toàn cầu năm 2021 tính ra đã tăng 2,6% so với năm trước và trung bình mỗi quốc gia đã chi 2,4% tổng GDP cho quốc phòng. Điều nghịch lý là mức chi tiêu quân sự - một khoản ngân sách lớn của các quốc gia vẫn gia tăng trong bối cảnh cả thế giới phải đối mặt với muôn vàn khó khăn do hệ lụy từ đại dịch Covid-19, khiến kinh tế các nước kiệt quệ, nhiều khoản chi cho phát triển, cho xóa đói giảm nghèo, cho các chương trình xã hội… phải cắt giảm.

Nghịch lý gây bất bình là chi tiêu quốc phòng gia tăng đã tạo ra những cơ hội kinh doanh béo bở cho các nhà thầu vũ khí. Chương trình Vũ khí và An ninh thuộc Trung tâm Chính sách Quốc tế có trụ sở tại Washington DC (Mỹ) nhận định, các công ty quốc phòng đang gia tăng lợi nhuận theo nhiều cách. Ngoài việc cung cấp vũ khí cho các bên tham chiến tại Ukraine, họ còn bán thêm khí tài quốc phòng để bảo đảm an ninh ngày càng gia tăng từ các quốc gia khác như Đức hay Đan Mạch…. Ước tính, trong ngắn hạn, những hợp đồng vũ khí trang bị có thể mang lại cho các nhà thầu lợi nhuận hàng chục tỷ USD.

Không chỉ là quốc gia chi tiêu quân sự nhiều nhất thế giới, gấp tới hơn 2,7 lần quốc gia đứng thứ hai là Trung Quốc, Mỹ cũng là nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Một báo cáo khác do SIPRI công bố mới đây cho thấy, với tư cách là nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất trên toàn cầu, Mỹ và nền công nghiệp quốc phòng của nước này đang ở vị thế thu được nhiều lợi nhuận hơn cả từ cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Giá cổ phiếu của các nhà sản xuất vũ khí lớn của Mỹ đã minh chứng cho nhận định trên. Theo đó, trong giai đoạn từ ngày 24-2 đến 28-3-2022, giá cổ phiếu của công ty Lockheed Martin, nhà sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới, đã tăng hơn 13%, trong khi giá cổ phiếu của công ty Northrop Grumman tăng hơn 13,4%. Cổ phiếu của các tập đoàn quốc phòng khác như General Dynamics, Raytheon cũng đều tăng đột biến.

Những con số này phản ánh thực tế đáng suy nghĩ và đáng buồn là các cuộc xung đột quân sự, căng thẳng địa chính trị trên thế giới đang trở thành cỗ máy in tiền cho các “lái súng”. Đây cũng là cái cớ để có những quốc gia vin vào nhằm đổ thêm tiền cho vũ khí viện trợ nhằm “tìm lối thoát cho các cuộc khủng hoảng hiện nay”.

Việc các quốc gia liên tục gia tăng chi phí quốc phòng nhằm nâng cao sức mạnh quân sự đã khiến nguy cơ về cuộc chạy đua vũ trang ngày càng đáng lo ngại hơn ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là giữa các cường quốc cạnh tranh vị thế và lợi ích toàn cầu cũng như những nơi có các điểm nóng xung đột hay các tham vọng, đòi hỏi chủ quyền phi pháp… Ngoài cạnh tranh giữa hai cường quốc quân sự Mỹ - Nga, cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc đang nổi lên như một cuộc đối đầu, xung khắc gay gắt không kém, thậm chí còn được xem là cuộc lớn nhất trong tương lai.

Về nguy cơ các cuộc chạy đua vũ trang trên thế giới, khu vực châu Á - Thái Bình Dương được xem là điểm nóng do những tham vọng, đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc. Không ít các quốc gia trong khu vực đang ngày càng mạnh tay chi tiêu quân sự, dẫn tới nguy cơ chạy đua vũ trang ngày càng lớn và kéo theo đó làm tiềm ẩn nguy cơ xung đột, đụng độ quân sự.