Người Việt đã ưu tiên dùng hàng Việt?

(ANTĐ) - Hơn một năm đã trôi qua kể từ khi Bộ Chính trị tổ chức cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Những số liệu thống kê cho thấy, cả người tiêu dùng và các doanh nghiệp đều đã có những thay đổi tích cực. Thêm vào đó, thị trường nông thôn được nhìn nhận chính là nơi tiêu thụ hàng hóa lớn nhất.

Người Việt đã ưu tiên dùng hàng Việt?

(ANTĐ) - Hơn một năm đã trôi qua kể từ khi Bộ Chính trị tổ chức cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Những số liệu thống kê cho thấy, cả người tiêu dùng và các doanh nghiệp đều đã có những thay đổi tích cực. Thêm vào đó, thị trường nông thôn được nhìn nhận chính là nơi tiêu thụ hàng hóa lớn nhất.

Cả người tiêu dùng và các DN đều có những thay đổi tích cực
Cả người tiêu dùng và các DN đều có những thay đổi tích cực

Theo thống kê, số doanh nghiệp có hàng Việt Nam chất lượng cao ngày càng tăng dần lên. Năm 2008, phạm vi cả nước mới chỉ có 485 doanh nghiệp được bầu chọn thì đến giữa năm 2010 số doanh nghiệp được bầu chọn lên đến 776. Thị hiếu người tiêu dùng đang có sự thay đổi đáng kể khi lựa chọn hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu. Hàng Việt Nam sản xuất trong nước ở nhiều ngành dần khẳng định được thương hiệu với lợi thế giá cả, chất lượng ổn định và mẫu mã tốt.

Qua kết quả thăm dò của công ty Tư vấn và nghiên cứu FTA Việt Nam cho thấy 71% người tiêu dùng (NTD) tin vào hàng Việt Nam chất lượng cao. Qua nhiều tháng vận động số lượng chủng loại mặt hàng Việt Nam trong các siêu thị chiếm đến 70 - 80%. Nếu cuộc vận động triển khai đúng hướng thì vị thế hàng Việt Nam triển vọng sẽ có chỗ đứng trong nước và trên thị trường thế giới. 

Cần tạo lòng tin cho người tiêu dùng

Anh Nguyễn Bá Linh
Anh Nguyễn Bá Linh
Đứng trên góc độ người tiêu dùng, tôi vẫn chưa thật sự quan tâm nhiều đến hàng hóa của Việt Nam. Vì thật sự hàng hóa của Việt Nam không đa dạng. Kiếm tìm những sản phẩm của Việt Nam cũng không phải là dễ dàng. Cũng có thể do hiểu chưa đúng khái niệm Made in Vietnam nên việc phân loại nguồn gốc xuất xứ hàng hóa chưa chuẩn xác. Không phải những doanh nghiệp trong nước sản xuất hàng hóa mới mang thương hiệu Made in Vietnam. Những doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài cũng có thể coi là những sản phẩm của Việt Nam sản xuất.

Ngoài ra suy nghĩ của khách hàng khi đến với sản phẩm của Việt Nam là hoài nghi về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Mặc dù có thể bước chân vào cửa hàng mang thương hiệu Việt, nhưng thật sự khách hàng vẫn nghi ngờ. Nên việc quảng bá thương hiệu sản phẩm của  Việt Nam là điều cần thiết, để có thể tạo lòng tin cho người tiêu dùng.

Anh Nguyễn Bá Linh

(Phố Hàng Da, Hà Nội)

Thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam hiện nay đã đạt trên mức 1.000 USD/người/năm. Bên cạnh đó, sức mua của các tầng lớp dân cư liên tục tăng. Nếu năm 2005 là 7,1 triệu đồng, năm 2008 là 11,68 triệu đồng thì năm 2009 dù bị ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nhưng vẫn đạt 12,5 triệu đồng/người/năm. Theo dự báo, tỷ lệ tiêu dùng này sẽ tiếp tục tăng lên trong những năm tới. Chính sức mua của nhân dân được kích thích đã khiến thị trường nội địa hoạt động tích cực và sôi nổi, hiệu quả hơn.

Những yếu tố trên đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của hàng Việt Nam. Các doanh nghiệp đã ý thức được ý nghĩa của chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, là một “cơ hội vàng” để nâng cao uy tín thương hiệu đối với người tiêu dùng, đem lại cơ hội sản xuất kinh doanh tại thị trường nội địa. Về phía người tiêu dùng cũng đã có những bước chuyển đáng kể. Người tiêu dùng trong nước đã từng bước nhận thức đúng đắn hơn khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam và chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam.

Trước đây, phần lớn người Việt Nam vẫn còn e dè về kiểu dáng, mẫu mã chất lượng của hàng nội. Vẫn còn tâm lý sính ngoại của một bộ phận người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo kết quả điều tra gần đây của Công ty TV Plus thì sau gần 1 năm Bộ Chính trị phát động chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", đã có trên 58% người tiêu dùng quan tâm đến hàng Việt, trong khi trước đây còn số này chỉ dừng ở mức khoảng trên 23% (theo thống kê của Tập đoàn Grey Group - Mỹ).

Tuy vậy, chúng ta cũng cần phải nhìn nhận một thực tế. Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thật sự sống khỏe, sống độc lập. Mới ngay đầu năm 2011, các doanh nghiệp trong nước đã phải đối mặt với một tin không vui: Lãi suất vay vốn tăng lên 20% năm. Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp không mặn mà với việc mở rộng sản xuất mà chuyển hướng sang nhập khẩu với giá thành rẻ. Lý do là bởi lãi suất cao, nếu vay vốn thì hàng hóa sản xuất không thể nào cạnh tranh được với hàng ngoại.

Như vậy không khác nào chúng ta đã yếu thế ngay tại sân nhà chứ chưa nói gì đến vươn ra thị trường thế giới. Việc kêu gọi người dân ý thức dùng hàng Việt là đúng, nhưng liệu với giá cả hàng Việt cao hơn hẳn (do phải vay vốn với lãi suất cao) thì người tiêu dùng có chấp nhận dùng hàng Việt hay không?

Quan tâm hơn đến vùng nông thôn

Ông Vũ Vinh Phú
Ông Vũ Vinh Phú

Theo tôi, để thói quen sử dụng hàng Việt Nam thực sự “ăn sâu, bám rễ” vào từng người dân, thì phải xây dựng được hệ thống phân phối xuống tận vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Và điều đó lại đặt ra một vấn đề khác.

Để hàng hóa sản xuất trong nước đến được với người dân nơi vùng sâu, vùng xa, bản thân doanh nghiệp phải chủ động, tích cực đưa hàng tới các khu vực này thay vì cách tiếp cận còn mang tính hành chính, phong trào như hiện nay. Một vài tháng mới có một chuyến hàng về nông thôn thì không thể tạo ra được hiệu ứng tốt. Như vậy chỉ làm cho cuộc vận động Người Việt dùng hàng Việt mới thực hiện bề nổi ở những nơi kinh tế giao thương nhộn nhịp phát triển. Còn những nơi cần phải làm tốt công tác tuyên truyền vận động thì chưa thực sự có nhiều tác động.

Hơn nữa để tránh tình trạng người tiêu dùng thứ cấp bị thiệt khi mua hàng từ các đại lý. Tôi kiến nghị các cơ quan chức năng cần có những quy định chặt chẽ hơn để tránh hiện tượng nhà sản xuất “bán đứt” sản phẩm cho các đại lý. Có như vậy mới đảm bảo được quyền lợi của người tiêu dùng khi lựa chọn hàng Việt Nam.

Ông Vũ Vinh Phú

Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội

Khuyến khích dùng hàng Việt nhưng không “bài ngoại”

Bà Vũ Kim Hạnh
Bà Vũ Kim Hạnh
Tính tới thời điểm này, không phải người tiêu dùng nào cũng đã hiểu đúng thế nào là hàng Việt. Nhiều người cho rằng, hàng Việt đơn thuần là những sản phẩm do các công ty 100% vốn trong nước sản xuất. Thực ra, đó mới chỉ là một phần. Những sản phẩm của các công ty nước ngoài liên doanh với các công ty Việt Nam sản xuất cũng được coi là “hàng nội”. Ngoài ra, sản phẩm của các tập đoàn, công ty đa quốc gia sản xuất ở Việt Nam, mang thương hiệu quốc tế vẫn được coi là hàng nội địa.

Mặc dù khuyến khích dùng hàng Việt, nhưng tinh thần của cuộc vận động không hề “bài ngoại”, đóng cửa đối với hàng hóa của nước ngoài. Trên thực tế, đây còn được coi là những đối thủ cạnh tranh để cho các nhà sản xuất trong nước phải cải tiến công nghệ, nâng cao năng lực sản suất, chất lượng, kiểu dáng, giảm giá thành để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng. Có như vậy, chúng ta mới nâng cao được năng lực cạnh tranh của hàng nội địa cũng như để người dân hiểu rõ, hiểu đúng tầm quan trọng của việc ưu tiên sử dùng hàng nội địa.

Bà Vũ Kim Hạnh

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA)Chủ tịch CLB Hàng Việt Nam chất lượng cao

Nên có những kênh bán hàng đa dạng

Chị Nguyễn Anh Thư
Chị Nguyễn Anh Thư

Hiện nay, những sản phẩm của Việt Nam chưa thể đến được với hầu hết những khách hàng trên mọi miển của Tổ quốc. Riêng với những sản phẩm quần áo của thương hiệu Made in Vietnam, hầu hết khách hàng có nhu cầu phải đến với những cửa hàng bán buôn, bán lẻ sản phẩm này. Chưa có những hệ thống kinh doanh mặt hàng trên phân phối hàng xuống thị trường vùng sâu, vùng xa. Những doanh nghiệp muốn mở rộng thị trường nên có nhiều kênh bán hàng đa dạng.

Ngoài việc mua sắm tại các cửa hàng, nhà sản xuất cũng nên có thêm nhiều kênh mua sắm khác. Ví dụ như sử dụng Internet để có thể quảng bá và bán hàng online. Như thế sẽ tiết kiệm được thời gian mua sắm, ngoài ra một số địa phương chưa có chi nhánh của nhà sản xuất có thể dễ tiếp cận hơn với sản phẩm. Việc quảng bá thương hiệu cũng là việc rất cần thiết. Có thể nói việc quảng bá sản phẩm, tạo dựng thương hiệu và lòng tin của khách hàng vẫn còn thiếu.

Chị Nguyễn Anh Thư

Nhân viên kinh doanh cửa hàng quần áo Made in Vietnam

Nhóm PV Ban Cuối tuần