Người phát tán clip "nóng" trên mạng xã hội có thể bị xử lý nhiều tội danh

ANTD.VN - Những ngày gần đây, mạng xã hội lan truyền đoạn clip “nóng” liên quan đến một “hot girl”… Liên quan đến việc phát tán clip “nhạy cảm” này, luật sư Đặng Văn Sơn – Trưởng VPLS Đặng Văn Sơn và cộng sự (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đã có những đánh giá.

Cụ thể, những ngày gần đây, trên mạng xã hội bỗng xuất hiện và lan truyền đoạn clip “nhạy cảm” của một đôi nam nữ. Trong đó, một trong hai người được cho là một “hot girl” đình đám tại Hà Nội tên là T.A, từng lên sóng truyền hình.

T.A từng nổi lên khi tham gia vào một gameshow hẹn hò cùng với chàng streamer PewPew và câu nói viral nhất năm 2018 là “Anh không ngại ra Hà Nội, anh chỉ cần lí do”. Nhưng không lâu sau thì cả hai thông báo dừng chuyện tìm hiểu. T.A cũng từng góp mặt trong dàn hotgirl WorlCup năm 2018.

Qua đoạn clip “nhạy cảm” vẫn tiếp tục lan truyền trên mạng xã hội, nhiều người cho rằng T.A  là một trong hai nhân vật chính vì có một đặc điểm nổi bật trên cơ thể. Cộng đồng mạng nhanh chóng đã truy tìm facebook “hot girl” và để lời lẽ khiếm nhã.

Luật sư Đặng Văn Sơn - Trưởng VPLS Đặng Văn Sơn và cộng sự.

Trước sự việc của T.A, luật sư Đặng Văn Sơn - Trưởng VPLS Đặng Sơn và Cộng sự (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, tùy vào động cơ, mục đích, người phát tán clip “nóng” sẽ bị xử phạt hành chính hoặc hình sự theo quy định của pháp luật.

Theo luật sư Sơn, hành vi sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác mà không được sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật, gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín là vi phạm các Điều 32, Điều 34 và Điều 38 - Bộ luật Dân sự năm 2015.

Cụ thể, Điều 32 – Quyền cá nhân đối với hình ảnh quy định: Nếu việc sử dụng hình ảnh cá nhân không được sự đồng ý của người có hình ảnh, không được thoả thuận về mặt thù lao nếu vì mục đích thương mại, không vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích cộng đồng thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Tương tự, Điều 34 - Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín quy định: Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.

Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

Khoản 2,  Điều 38 - Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, luật quy định: Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Luật sư Đặng Văn Sơn cho rằng, về bồi thường thiệt hại do danh dự, uy tín bị xâm phạm thì Điều 592 - Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định, người bị hại có thể yêu cầu gỡ hình ảnh đó xuống, buộc người đăng tải phải xin lỗi, đồng thời yêu cầu bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần.

“Nếu người bị hại muốn khởi tố hình sự, phải làm đơn tố cáo lên cơ quan công an. Sau đó, việc có khởi tố vụ việc hay không là do cơ quan công an quyết định” – luật sư Sơn khẳng định.

Ngoài ra, luật sư Đặng Văn Sơn cho rằng, việc phát tán clip “nóng”, văn hóa phẩm đồi trụy lên mạng là hành vi vi phạm pháp luật. Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì đối tượng thực hiện hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 253 - Bộ luật Hình sự về tội “Truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy” và Điều 121 Bộ luật Hình sự về tội “Làm nhục người khác”.

Theo đó, người nào sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có tính chất đồi trụy, cũng như có hành vi khác truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy thì khung hình phạt cao nhất có thể bị phạt tù lên đến 10 năm.

“Vật phạm pháp có số lượng lớn; phổ biến cho nhiều người; Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: có tổ chức. Đối với người chưa thành niên; Gây hậu quả nghiêm trọng… thì bị phạt tù từ 3-10 năm. Và người phạm tội còn bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 30 triệu đồng”, luật sư Sơn phân tích.

Đối với chế tài của tội “Làm nhục người khác”, luật sư Đặng Văn Sơn viện dẫn: “Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Phạm tội nhiều lần, với nhiều người thì bị phạt tù từ 1-3 năm”.

Tuy nhiên, vị Trưởng VPLS Đặng Văn Sơn và cộng sự lưu ý rằng để xử lý người có hành vi làm nhục người khác thì nạn nhân phải có đơn đề nghị khởi tố đối tượng đã tung ảnh, clip “nóng”, do đây thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại.