Người duy nhất kế nghiệp của làng
(ANTĐ) - Nghe tên anh đã lâu, nhưng một ngày đầu xuân, tôi mới có dịp đến gặp anh, Nguyễn Văn Mạnh Hùng, tên thân mật là Tám, người duy nhất còn duy trì nghề làm tàu thủy, đồ chơi truyền thống của trẻ em ở làng Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội).
Duyên nợ với nghề “không thể làm giàu”
Ngay cả bố anh, nghệ nhân Tư Nhâm, người nổi tiếng làm tàu thủy khéo léo ở làng Khương Hạ cũng rất thức thời: “Bây giờ đồ chơi trẻ em nhiều, đẹp, rẻ, tiện dụng, làm mấy đồ chơi truyền thống này chẳng đủ ăn. Người ta chuyển nghề hết rồi...”. Ấy vậy mà anh Tám, con trai cụ, sau mấy năm làm công nhân xây dựng có thu nhập khá, lại quay về với nghề truyền thống. Nghề làm tàu thủy đã ngấm vào máu của người thợ còn lại duy nhất ở làng Khương Hạ này, đến nay đã gần 30 năm.
Với sức vóc to khỏe, anh có thể làm được rất nhiều nghề cho thu nhập cao, nhưng anh lại chấp nhận về nhà ngồi cả ngày tỉ mẩn trên đống sắt vụn để cắt, gọt, tạo hình, hàn, sơn cho thành 1 chiếc tàu thủy đồ chơi. Anh cho biết: “Loại đồ chơi này cũng có một số nước trên thế giới, nhưng chỉ có ở Việt Nam là tàu chạy như thật, phát ra tiếng kêu phạch phạch của động cơ, tiếng chân vịt khua nước, khói thật bốc lên cao vút “.
Mỗi năm, anh Tám làm được khoảng 1.000 chiếc tàu thủy như vậy. Không giống như những đồ chơi Trung thu truyền thống khác, tàu thủy mất rất nhiều thời gian, người thợ không thể làm ngay tại chỗ như tò he, chong chóng... Anh Tám mất hơn 1 tuần căm cụi từ sáng tới tận khuya mới làm xong 1 chiếc tàu.
Mọi công đoạn anh đều phải tự tay làm, phải tính toán tỷ lệ các miếng ghép hợp lý cho tàu cân đối, các mối hàn thật khít để tránh nước vào. Anh không dao động khi mọi người chuyển nghề, vẫn vững vàng tự làm, tự tìm mối tiêu thụ và thu mua nguyên liệu...
Mỗi chiếc tàu thủy bán lẻ có giá 50.000 đồng, bán buôn giá thấp hơn 15.000 đồng/chiếc, so với sức lao động người thợ bỏ ra thì quá ít. Anh Tám tâm sự: “Thấy trẻ em vui khi nhìn tàu chạy trong chậu nước, tôi vui và cố gắng làm”.
Anh Tám giới thiệu về chiếc tàu thủy, thứ đồ chơi khá hiếm đối với trẻ em hiện nay |
Con tự hào về bố!
Anh Tám chân chất, giản dị và kiệm lời nhưng cô con gái nhỏ Nguyễn Thu Trang, đang là học sinh lớp 4 trường Tiểu học Khương Đình lại chững chạc, nhanh nhẹn và cởi mở. Em thay bố hướng dẫn tỉ mỉ tôi cách làm tàu chạy. Em thông thạo từng chi tiết, bộ phận của chiếc tàu.
Trang kể: “Năm chị gái em học lớp 4 (chị gái Trang đang học lớp 7), cô giáo ra đề Văn miêu tả đồ vật yêu thích. Chị em đã miêu tả chiếc tàu thủy do bố làm. Chị mang chiếc tàu đến lớp, cô giáo rất thích và mua lại. Bài văn của chị được 9 điểm thôi vì miêu tả tàu thủy cần nhiều từ ngữ phức tạp lắm mà bọn em chưa biết để diễn đạt. Sau này, em lại vô tình vào học đúng lớp ấy. Thấy trong chiếc tủ kính ở góc lớp học có chiếc tàu thủy, em biết ngay do bố em làm. Các bạn thích quá trầm trồ khen ngợi rồi bảo em: Bố cậu giỏi thế! Từ ấy, em càng tự hào về bố”.
Rồi Trang ghé sát vào tôi nói rất rành rọt: “Em và chị gái em đều có ý định nối nghiệp bố nhưng bố mẹ em khuyên 2 chị em phải học thật giỏi để làm kế toán, bác sĩ, sau này còn giúp bố mẹ. Nhưng nếu có hỗ trợ, em nghĩ là em sẽ theo nghề đấy”.
Tôi hỏi Trang cần hỗ trợ gì, cô bé bảo hỗ trợ của Nhà nước để bán được hàng và có tiền mở xưởng to hơn, vừa duy trì được nghề truyền thống, vừa có thu nhập đảm bảo cuộc sống. Yêu thích tàu thủy, say mê nghề bố Tám làm, mong ước của Trang đã ngấm vào tiềm thức khiến em già dặn hơn so với tuổi rất nhiều. Rồi Trang nhanh nhẹn lấy cho tôi xem 1 tờ báo của Mỹ cách đây nhiều năm đã viết bài ca ngợi ông nội của em, nghệ nhân Tư Nhâm với lời lẽ đầy khâm phục.
Theo anh Tám, hiện giờ nghề làm tàu thủy có khó khăn vì nghề cần người tỉ mỉ, chịu khó, không phù hợp với thanh niên năng động. Cũng có người muốn học nghề nhưng phải mất 2-3 năm mới thành nghề được, khoảng thời gian đó họ không làm ra tiền nên đành gác lại mong muốn.
Nhưng anh Tám vẫn nhất mực bảo vệ quan điểm của mình, vì “đồ chơi tàu thủy “trẻ con Tây” và trẻ em thành phố rất thích thì chẳng có lý do gì để nó mai một”. Cũng có thể, những đoàn du khách nước ngoài thỉnh thoảng vào nhà anh Tám mua tàu thủy, món quà quý đem về quê hương sẽ khơi lại đam mê cho những nghệ nhân làng Khương Hạ!
Hà Linh