Người đi trong thế giới phẳng

(ANTĐ) - Nước Mỹ luôn tham gia chiến tranh. Có cuộc chiến tranh vắt qua mấy đời tổng thống. Có cuộc chiến tranh hạ bệ tổng thống. Nhưng nước Mỹ cũng luôn có những cuộc phản chiến. Bởi nhân dân nước nào cũng thế, không ai muốn chiến tranh, trừ chiến tranh chống xâm lược.

Người đi trong thế giới phẳng

(ANTĐ) - Nước Mỹ luôn tham gia chiến tranh. Có cuộc chiến tranh vắt qua mấy đời tổng thống. Có cuộc chiến tranh hạ bệ tổng thống. Nhưng nước Mỹ cũng luôn có những cuộc phản chiến. Bởi nhân dân nước nào cũng thế, không ai muốn chiến tranh, trừ chiến tranh chống xâm lược.

Biểu tình phản đối chiến tranh

Cuộc chiến của Mỹ ở Iraq là minh chứng rất rõ cho nhận định trên. Nó kéo dài từ tháng 3-2003 đến nay, vẫn chưa đến hồi kết, mặc dù tổng thống mới đắc cử Barack Obama chủ trương sẽ rút quân về nước. Ngày 24-9-2004, giữa Thủ đô Washington diễn ra một cuộc biểu tình phản đối chiến tranh với hơn 300 ngàn người tham gia. Không ai biết có bao nhiêu người Việt Nam tham gia cuộc biểu tình ấy. Nhưng chắc chắn trong đó có Nguyễn Thu Thảo.

Thảo cùng một người bạn Mỹ trong chuyến đi xe đạp đường dài (11-2007)
Thảo cùng một người bạn Mỹ trong chuyến đi xe đạp đường dài (11-2007)

“Hãy đưa chồng tôi về nhà” - biểu ngữ của một phụ nữ, “Hãy đưa lính Mỹ về nước” - biểu ngữ của một cụ già ngồi trên xe lăn. Có cả xe lăn của những lính Mỹ. Còn Thu Thảo? Với tấm biểu ngữ hì hụi kẻ vẽ từ đêm trước, có hai lá cờ đỏ sao vàng hai góc phía trên và bốn dòng chữ Lời khuyên từ Việt Nam, nước Mỹ hãy tỉnh dậy.

Chị được hai người bạn Mỹ, một người từng nếm mùi chiến tranh ở Việt Nam, một người từng đi biểu tình phản đối cuộc chiến ấy đầu những năm 70 thế kỷ trước giúp trèo lên một cây cổ thụ có chạc ba ở ngã tư đại lộ Hiến Pháp và đường 15. Tấm biểu ngữ che gần hết người. Chị cười vì đã chiếm được vị trí đắc địa có được góc nhìn rộng.

Máy ảnh trước ngực, hai tay lăm lăm máy quay phim với những cảnh quay thật ý nghĩa: 100 chiếc quan tài tượng trưng, phủ quốc kỳ Mỹ chầm chậm trôi giữa dòng người quanh phủ Tổng thống rồi một khu vực cắm những hình chữ thập trắng, một khu toàn giầy của những người Mỹ chết trận.

Thảo sinh ra ở Hà Giang năm 1979. Chị chỉ biết đạn bom, chết chóc thương vong qua phim ảnh, sách báo. Chỉ thế thôi cũng đủ nhận ra cái giá mà người dân phải trải qua chiến tranh kinh khủng biết chừng nào. Ngày trước là ở Việt Nam, bây giờ là ở Iraq. Những người lính trẻ hùng dũng nện gót ra đi, rồi im lìm trở về trong những chiếc quan tài.

Người dân Mỹ ở hầu khắp các bang kéo về, không kể già trẻ, tôn giáo, sắc tộc, họ đã phản đối chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam trước kia, bây giờ là ở Iraq. Chị chung suy nghĩ với họ, cùng hành động với họ. Thảo đặc biệt chia sẻ với những người bạn chí cốt là cựu binh Mỹ ở Việt Nam. Kia là anh bạn Thomas, 25 tuổi đang ngồi trên xe lăn vì một vết thương nặng ở cột sống vào tháng 4-2004 ở Iraq.

Các bạn Mỹ còn đưa chị đến khu tượng đài Washington nơi các ca sĩ đang hát những bài phản đối chiến tranh đến tận 2 giờ sáng. Thảo xúc động thật sự khi thấy nghệ sĩ Joan Baez đang say sưa hát bài “Những cơn mưa nặng hạt” của Bob Dylan.

Chị biết rằng, người nghệ sĩ nổi tiếng, sắc đẹp nổi tiếng này đã từng sang thăm miền Bắc Việt Nam ngay sau trận Mỹ ném bom rải thảm xuống Hà Nội Giáng sinh năm 1972, khi Thảo còn chưa sinh ra, khi bầu trời miền Bắc còn đầy bom đạn để góp một tiếng nói lương tri của người Mỹ với nhân dân Việt Nam. Hình ảnh người nữ nghệ sĩ ôm đàn ghita gỗ hát say sưa còn đọng lại mãi trong tâm khảm những người Việt Nam thuộc thế hệ cha chú mình.

Sau nhiều giờ len lỏi, chen chúc trong dòng người biểu tình, lòng dạ Thảo sôi lên bao cảm xúc. Đêm ấy chị gửi ngay về nước cho Báo Lao động một bài báo nhan đề Phản chiến trong lòng nước Mỹ.

Thời gian ấy Thảo còn viết nhiều bài nữa như: Thượng nghị viện Mỹ ủng hộ việc rút quân dần khỏi Iraq; Ai để lộ tin mật cho báo chí Mỹ; Sự đổi thay mang tính đột phá trong chính sách hạt nhân của Hoa Kỳ… Và một bài tường thuật buổi biểu diễn của đoàn nghệ thuật Việt Nam đang ở Washington.

Nguyễn Thu Thảo là nhà báo? Không, chị chỉ thể hiện những cảm nhận, những suy nghĩ của mình trong hai năm học cao học ở Mỹ dưới dạng những bài báo thôi. Có điều dễ nhận ra là người phụ nữ 30 tuổi sinh ra sau thời đạn bom ấy đã hòa đồng vào cuộc sống xã hội ấy, bắt kịp nhịp sống hối hả, nghe được hơi thở chính trị của nó, nhất là những chuyện liên quan đến nhân dân mình, đất nước mình. Và chính chị cũng không ngờ, mình lại gắn bó với hoạt động của những người cựu binh Mỹ, lại gắn bó với chuyện bom mìn như là số phận.

Học và hành

Một lần ngồi với cô ở văn phòng, Thảo kể, gia đình cháu trước ở phố làm dao kéo - Phố Sinh Từ, giờ là phố Nguyễn Khuyến, tôi nhắc - Thảo cười nhắc lại - Vâng ở phố Nguyễn Khuyến. Bố cô đồng môn Đại học sư phạm Hà Nội với tôi, nhưng học Khoa Toán. Ông lên dạy ở Hà Giang. - Tam bất kỳ mà! - Tam bất kỳ là gì hả chú? Là đi bất kỳ đâu, làm bất kỳ việc gì, nhận bất kỳ đãi ngộ nào. Lại cười. Bố cô lấy mẹ cô, một chị bộ đội ở trên ấy, sinh cô ở trên ấy.

Mãi đến năm 1992, lúc 14 tuổi, cô mới được gửi về Hà Nội học chuyên ngữ, tiếng Anh. Để khắc phục tâm lý mặc cảm vùng cao, cô chúi mũi vào học chí chết. Thi đậu vào đại học Ngoại giao. Từ trung học cơ sở mãi tít trên nóc nhà đất nước, về học trung học phổ thông lớp A (lớp chọn) chuyên ngữ Đại học Sư phạm đã là suối ra sông. Giờ là sông ra bể. Tầm mắt như xa hơn, cao hơn, quan hệ rộng hơn.

Thảo đưa Tim Riese đến thăm Viện bảo tàng Hồ Chí Minh (12-2006)
Thảo đưa Tim Riese đến thăm Viện bảo tàng Hồ Chí Minh (12-2006)

Tốt nghiệp xong, Thảo làm cho Chương trình phát triển hỗ trợ dân tộc thiểu số của Liên Hợp quốc ở chính nơi cô đã sinh ra. Nhưng khát vọng học lên vẫn thôi thúc. Cuối cùng Thảo cũng giành được học bổng của Chương trình đại học Hoàng gia Australia. Một năm rưỡi sau, cô lấy bằng thạc sĩ về Công nghệ hệ thống.

Thảo bắt đầu làm cho Quỹ cựu chiến binh Mỹ ở Hà Nội (VVAF). Sau đó, là người Việt Nam trẻ nhất giành được học bổng danh giá nhất, dĩ nhiên là khó nhất, thường chỉ dành cho công chức - Fulbright. Một năm rưỡi học ở Mỹ, nửa năm về nước thu thập tài liệu làm luận văn: Chương trình sáng kiến giải quyết hậu quả của chất độc da cam điôxin còn sót lại ở Việt Nam.

Bảo vệ xong bằng thạc sĩ thứ hai, Thảo về nước, vừa làm cho hãng Microsoft VN, vừa làm cho VVAF.

Tháng 12-2007, chị được bổ nhiệm làm Trưởng đại diện VVAF - người phụ nữ đầu tiên, người trẻ nhất được bổ nhiệm vào chức vụ này.

Bút ký của Nguyễn Bắc Sơn

(Còn nữa)