Người đang chấp hành án phạt tù vẫn được hưởng tài sản thừa kế khi nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Gọi điện thoại đến Đường dây nóng Báo ANTĐ nhiều bạn đọc hỏi, người đang chấp hành án phạt tù bị hạn chế một số quyền công dân, song nếu họ ở trong diện được hưởng đất đai, nhà cửa thừa kế, họ có được hưởng thừa kế tài sản này?

Về việc hạn chế quyền của người đang chấp hành án phạt tù, Điều 14 Hiến pháp 2014 quy định công dân Việt Nam sống trên lãnh thổ là người có quyền con người và các quyền, nghĩa vụ khác của công dân. Các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.

Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Ngoài ra, theo Điều 44 Bộ luật Hình sự 2015, công dân sẽ bị tước một số quyền công dân khi rơi vào một trong các trường hợp: Công dân Việt Nam bị kết án phạt tù về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm khác trong những trường hợp do Bộ luật Hình sự 2015 quy định, thì bị tước một hoặc một số quyền công dân;

Quyền ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực Nhà nước; Quyền làm việc trong các cơ quan Nhà nước; Quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân.

Thời hạn tước một số quyền công dân là từ 1-5 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo.

Như vậy, theo quy định trên người nào vi phạm pháp luật mà phải chịu hình phạt tù thì sẽ bị hạn chế đi một số quyền như ứng cử, làm việc tại các cơ quan nhà nước. Thời hạn chấp hành từ 1-5 năm kể từ ngày chấp hành xong thời hạn phạt tù.

Về quyền hưởng di sản, Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015 về đối tượng không được quyền hưởng di sản nêu rõ, những người không được quyền hưởng di sản gồm người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;

Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản; Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;

Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.

Tuy nhiên, những người thuộc nhóm đối tượng trên vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.

Như vậy, người đang chấp hành phạt tù hoặc đã chấp hành án xong vẫn có thể được hưởng di sản thừa kế, nếu người để lại di sản đã biết người được hưởng đã vi phạm pháp luật nhưng vẫn chấp nhận. Quy định này nhằm tôn trọng ý chí cuối cùng của người để lại di sản, giúp người được hưởng di sản vẫn có quyền thừa kế như những công dân khác.