Vụ huy động vốn trái phép tại công ty Khải Thái:

Người dân nhẹ dạ, tội phạm cáo già

ANTĐ - Dù đã có quy định rõ ràng về việc các tổ chức được phép nhận ủy thác vốn để thực hiện các hoạt động đầu tư nhưng vì lòng tham và thiếu hiểu biết, nhiều người dân đã mang tiền gửi vào Công ty Khải Thái. Việc mất trắng số tiền ủy thác hoàn toàn có thể xảy ra nếu ông chủ nước ngoài đứng sau trò huy động vốn trái phép bỏ trốn.
Người dân nhẹ dạ, tội phạm cáo già ảnh 1
Lực lượng công an khám xét nơi làm việc của công ty Khải Thái

Mồi nhử lãi suất cao

Như ANTĐ đã đưa tin, ngày 1-10, Cục Cảnh sát hình sự và Cục Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao – Bộ Công an đã đồng loạt khám xét nơi làm việc của Công ty TNHH tư vấn đầu tư Khải Thái (gọi tắt là Công ty Khải Thái) để điều tra về hành vi kinh doanh trái phép. Quá trình khám xét, cơ quan công an đã thu giữ hơn 20 tỷ đồng cùng nhiều tài liệu, chứng từ liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng.

Ngày 2-10, Cơ quan CSĐT- Bộ Công an đã bắt khẩn cấp, tạm giữ hình sự 6 đối tượng đều là cán bộ chủ chốt của Công ty Khải Thái về hành vi kinh doanh trái phép, gồm có Hsu Ming Jung (còn gọi là Saga, quốc tịch Trung Quốc) - Tổng Giám đốc công ty; Trịnh Hòa Bình - Kế toán trưởng; Nguyễn Mạnh Linh - Giám đốc công ty, Đoàn Thị Luyến - Giám đốc điều hành chi nhánh Cầu Giấy; Đinh Thị Hồng Vinh - Giám đốc điều hành chi nhánh Long Biên và Tăng Hải Nam - Giám đốc điều hành chi nhánh Ba Đình. Đặc biệt, quá trình khám xét nhà riêng của Hsu Ming Jung, Cơ quan CSĐT đã thu giữ thêm hơn 50 tỷ đồng – số tiền của các nhà đầu tư đã ủy thác.

Quá trình điều tra cơ quan công an xác định: Lúc mới thành lập, Công ty Khải Thái lập sàn giao dịch vàng và ngoại tệ theo hình thức tài khoản trên mạng rồi kêu gọi nhà đầu tư tham gia. Nhưng đến cuối năm 2012, công ty này thay đổi chính sách huy động vốn theo hình thức gửi tiền với lãi suất cao (từ 3-3,5%/tháng, tức 36-42%/năm). Choáng ngợp với mức lãi suất “khủng”, chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt người dân đã ủy thác vốn cho Công ty Khải Thái. Để tạo dựng lòng tin với khách hàng, ngoài tập trung đánh bóng tên tuổi bằng việc thuê trụ sở tại các tòa nhà có vị trí đắc địa, công ty này còn giới thiệu đang sở hữu đội ngũ chuyên gia chuyên phân tích, kinh doanh vàng trên các sàn giao dịch ở Quảng Đông và Hồng Kông (Trung Quốc). Số tiền khách hàng ủy thác, công ty sẽ đầu tư, kinh doanh để sinh lãi.

Đáng chú ý, công ty này cũng chủ động tìm kiếm khách hàng bằng việc liên tục tuyển dụng, đào tạo nhân viên kinh doanh, nhân viên tư vấn. Sau khi được tập huấn cấp tốc về các kỹ năng thuyết phục khách hàng, các nhân viên tư vấn của Khải Thái sẽ tiếp cận, lôi kéo những người có điều kiện kinh tế hoặc chính người thân, bạn bè xung quanh. Với hệ thống “chân rết” được hình thành tương tự mô hình hoạt động kinh doanh đa cấp, Công ty Khải Thái đã nhận ủy thác đầu tư hàng chục tỷ đồng mỗi tháng. Theo thống kê sơ bộ, đã có khoảng 2.000 hợp đồng ủy thác đầu tư vốn cho công ty này, với số tiền khoảng 200 tỷ đồng. Khi Hsu Ming Jung và “bộ sậu” bị bắt, nhiều nhà đầu tư đã “ngớ người” vì ít ngày trước còn thấy công ty này tổ chức một cuộc hội thảo hoành tráng tại Trung tâm hội nghị quốc gia để kêu gọi đầu tư vào hàng loạt dự án lớn. 

Kẻ giật dây giấu mặt

Mang tiền đến ủy thác đầu tư nhưng hầu hết khách hàng không nắm rõ về hoạt động cũng như bộ máy tổ chức của Công ty Khải Thái. Ai là người nắm giữ số tài sản ủy thác kếch xù? Câu hỏi này, chỉ một vài người làm việc tại công ty mới rõ. Với chức danh Tổng Giám đốc, Hsu Ming Jung có quyền hạn lớn nhất tại công ty. Nhưng để đối phó, Hsu Ming Jung không đứng tên trong các giấy tờ về tư cách pháp nhân của Công ty Khải Thái. Với toan tính đó, từ lúc đăng ký giấy phép kinh doanh và thành lập công ty đến nay, Hsu Ming Jung đã lần lượt thuê 3 người làm Giám đốc.

Thời điểm cơ quan điều tra bắt giữ các đối tượng, Giám đốc “bù nhìn” của Công ty Khải Thái là Nguyễn Mạnh Linh (27 tuổi, quê ở Ninh Bình). Tìm hiểu ra mới biết, ở quê, gia đình Linh thuộc diện cận nghèo. Bản thân vị Giám đốc công ty cũng đang phải thuê trọ tại Hà Đông. Và để tiếp tục né tránh trách nhiệm, Hsu Ming Jung đã thuê Đoàn Thị Luyến, Đinh Thị Hồng Vinh, Tăng Hải Nam làm Giám đốc các chi nhánh và Trịnh Hòa Bình làm Kế toán trưởng của công ty. Quá trình thực hiện hợp đồng ủy thác đầu tư, người tiếp xúc với khách hàng rồi ký tá thủ tục luôn là Giám đốc công ty hoặc Giám đốc điều hành các chi nhánh.

Bản chất “cáo già’ của đối tượng cầm đầu còn thể hiện qua việc tìm cách lấp liếm chứng cứ. Cụ thể, Hsu Ming Jung đã chỉ đạo cấp dưới thuyết phục khách hàng mang tiền mặt đến nộp tại công ty, hạn chế việc chuyển khoản. Sau đó, tên này yêu cầu những người thân tín mang tiền đến nhà riêng, quá trình giao nhận không có giấy tờ biên nhận. Về phía khách hàng, do tiền lãi được trả đều đặn mỗi tháng nên nhiều nhà đầu tư đã nghe theo lời nhân viên tư vấn, quyết định ủy thác tiếp dù đã đến ngày nhận lại tài sản ủy thác đầu tư. Vì thế, cho đến thời điểm này, không một khách nào lấy lại được tiền gốc.

Theo cơ quan công an, ngoài bị bắt về hành vi kinh doanh trái phép, các đối tượng liên quan còn bị xem xét điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tài liệu ban đầu thể hiện, Công ty Khải Thái đã tư vấn, giới thiệu về nhiều lĩnh vực, dự án đầu tư để khách hàng tin theo mà ủy thác vốn. Nhưng theo khai nhận ban đầu của đối tượng cầm đầu thì Công ty Khải Thái không mang tiền đi đầu tư, mà “ôm” vốn của người ủy thác.

Theo quy định thì chỉ có ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty đầu tư chứng khoán và công ty quản lý quỹ là những tổ chức hay còn gọi là định chế tài chính trung gian được nhận ủy thác vốn của các tổ chức, cá nhân để thực hiện các hoạt động đầu tư. Căn cứ các quy định pháp luật và danh mục ngành nghề kinh doanh được Công ty Khải Thái đăng ký thì công ty này không thuộc các định chế tài chính trung gian để nhận tiền ủy thác của khách hàng.