Người dân lo ngại nạn "lót tay" và bổ nhiệm người nhà

ANTD.VN - Lo ngại về tình trạng “lót tay” và bổ nhiệm người thân được thể hiện rõ trong kết quả khảo sát chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam vừa được công bố.

Kết quả khảo sát PAPI cho thấy người dân lo ngại nạn “lót tay” và bổ nhiệm người thân

Hôm nay (4-4), tại Hà Nội đã diễn ra lễ công bố chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2016. Báo cáo phản ánh ý kiến đánh giá của hơn 14.000 người dân được chọn ngẫu nhiên trên 63 tỉnh thành trong cả nước thể hiện về trải nghiệm hiệu quả quản trị, hành chính công và cung ứng dịch vụ công của bộ máy chính quyền các cấp.

Kết quả khảo sát PAPI 2016 cho thấy, đa số người dân trên phạm vi toàn quốc cho rằng, tình trạng vị thân khi tuyển dụng nhân lực vào khu vực công ngày càng trầm trọng hơn, vòi vĩnh trong khu vực công ngày càng phổ biến hơn.

Chỉ số PAPI năm nay cho thấy, chỉ số kiểm soát tham nhũng ở khu vực công tiếp tục đà sụt giảm của năm 2015. Số người trả lời cho rằng cần phải “bôi trơn”, “lót tay” để có thể xin được việc làm vào khu vực công, xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, để học sinh trường tiểu học công lập được thầy cô giáo quan tâm hơn.... đều tăng lên so với 2 năm trước. 54% người cho rằng phải đưa “hối lộ” mới xin được việc trong cơ quan Nhà nước.

PAPI 2016 cũng chỉ ra hiệu quả kiểm soát tham nhũng của chính quyền địa phương không có chuyển biến đáng kể. Đa số người dân trên phạm vi toàn quốc cho rằng hiện trạng vị thân khi tuyển dụng vào nhà nước ngày càng trầm trọng hơn, trong khi quyết tâm phòng, chống tham nhũng của chính quyền và người dân ngày càng hạn chế.

Tuy nhiên, phía nghiên cứu PAPI vẫn cho rằng những quyết tâm gần đây của bộ máy nhà nước trong việc giảm thiểu tinh trạng vị thân, chú trọng phát hiện những trường hợp tuyển vào bộ máy nhà nước bằng quan hệ cá nhân có thể là điểm sáng.

Trước đó, Bộ Nội vụ đã thông tin về vấn đề dư luận, báo chí phản ánh liên quan đến việc “cả họ làm quan” ở một số địa phương. Theo đó, có 9 địa phương, đơn vị bao gồm: Tỉnh Hà Giang; xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An; huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế; huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk; tỉnh Bình Định; huyện Phong Điền, Cần Thơ; Cục Thuế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thuộc Tổng cục thuế - Bộ Tài chính; tỉnh Yên Bái; Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế TP.Đà Nẵng – có tình trạng này.

Kết quả kiểm tra của Bộ Nội vụ cho thấy, số người nhà của một số lãnh đạo tại 9 địa phương theo báo chí phản ánh là 60 người, trên thực tế 2 người không có quan hệ họ hàng.

“Trong đó, số người nhà có quan hệ ruột thịt là 18 (có chức vụ 15), số người nhà có quan hệ họ hàng là 40 người (có chức vụ 22 người). Số người làm việc trong cơ quan hành chính Nhà nước là 24 người, cơ quan Đảng là 6 người, cơ quan đoàn thể là 10 người, đơn vị sự nghiệp là 14 người”, đại diện Bộ Nội vụ nói với báo chí.

Ngoài ra, qua kiểm tra, Bộ Nội vụ phát hiện một số tồn tại trong công tác bổ nhiệm như: thiếu tiêu chuẩn, chứng chỉ, trình tự thủ tục…