Người dân hưởng ứng xử lý vi phạm giao thông qua Cổng Dịch vụ công trực tuyến

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc xử phạt vi phạm giao thông qua cổng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 không chỉ góp phần hướng tới Chính phủ điện tử, mà còn mang lại nhiều sự thuận tiện cho người dân. Chính vì vậy, việc đưa ứng dụng này vào thực tế đời sống đã được đa số người dân ủng hộ.

Anh Nguyễn Thành T., trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội dù bị xử lý hành chính vi phạm giao thông nhưng lại rất vui vẻ cho biết: “Mình vi phạm thì việc chấp hành nộp phạt là lẽ đương nhiên. Điều mà khiến tôi cảm thấy rất hài lòng là lực lượng Cảnh sát giao thông Thủ đô đã hướng dẫn nộp phạt qua Cổng Dịch vụ công trực tuyến”.

Theo chia sẻ của anh T., nếu như trước đây vi phạm sẽ phải mất thời gian cho việc xử lý, nộp phạt. Đối với người không quá bận thì có thể việc này không ảnh hưởng nhiều, nhưng với anh lại bất tiện vì đa số những lần vi phạm đều là do có việc gấp. Nếu như việc xử phạt giống như trước thì sẽ rất mất thời gian. Do vậy, anh ủng hộ việc sử dụng ứng dụng dịch vụ công trực tuyến như hiện tại.

Cán bộ Đội Cảnh sát giao thông phát tờ rơi tuyên truyền về việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến để nộp phạt cho người vi phạm giao thông

Cán bộ Đội Cảnh sát giao thông phát tờ rơi tuyên truyền về việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến để nộp phạt cho người vi phạm giao thông

Cùng chung ý kiến với anh T., chị Nguyễn Thị Thu C., ở quận Tây Hồ, Hà Nội cho rằng, hiện nay đa phần người dân đều sử dụng điện thoại thông minh. Việc mua bán đều có thể sử dụng chuyển khoản qua dịch vụ Mobi-banking, vậy thì việc nộp phạt online cũng là điều cần thiết.

“Một người bán hàng ngoài chợ giờ cũng dùng tài khoản ngân hàng, tôi nghĩ ai cũng có thể sử dụng các dịch vụ trực tuyến để giải quyết thủ tục hành chính. Bản thân tôi là một người trẻ, với tôi đây cũng là một hình thức trải nghiệm. Ban đầu có thể bỡ ngỡ, không quen, nhưng rồi sẽ trở thành tiện ích” - Chị C. nói thêm.

Thấy được những lợi ích từ việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến để nộp phạt khi vi phạm giao thông, nhiều người dân đã đồng tình ủng hộ

Thấy được những lợi ích từ việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến để nộp phạt khi vi phạm giao thông, nhiều người dân đã đồng tình ủng hộ

Trao đổi với phóng viên An ninh Thủ đô, chỉ huy Đội Cảnh sát giao thông số 2 - Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội cho biết, địa bàn quản lý của đơn vị nằm gọn trong hai quận nội thành là Tây Hồ và Ba Đình. Mặt bằng chung là dân trí cao, hiểu biết nên việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến để nộp phạt vi phạm giao thông không gặp nhiều cản trở.

Dù là địa bàn ít phương tiện từ tỉnh ngoài, hay huyện ngoại thành vi phạm, mà chủ yếu là người dân trên địa bàn các quận trung tâm, nhưng rất nhiều người dân khi được hướng dẫn thì đã vui vẻ lựa chọn nộp phạt qua cổng dịch vụ công quốc gia, bởi với họ, đây cũng là một hình thức trải nghiệm.

Theo số liệu thống kê, từ 23-2 đến nay, Đội Cảnh sát giao thông số 2 đã giải quyết cho 257 trường hợp chọn nộp phạt vi phạm qua cổng dịch vụ công trực tuyến, trong đó 19 trường hợp sử dụng dịch vụ công mức độ 4.

“Thậm chí có những người ở trong địa bàn quận, nhưng họ muốn một lần trải nghiệm nên vẫn chọn dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Với việc chọn dịch vụ công mức độ 4, người dân ngồi ở nhà cũng nhận được các giấy tờ bị tạm giữ trước đó” - Thiếu tá Đặng Thị Hà Thu, Tổ trưởng tổ hành chính, Đội Cảnh sát giao thông số 2 thông tin thêm.

Trước đó, để việc triển khai được thuận lợi, Đội Cảnh sát giao thông số 2 đã tập trung công tác tuyên truyền đến người dân. “Chúng tôi xác định, mỗi cán bộ chiến sĩ là một tuyên truyền viên. Khi người dân vi phạm, cán bộ xử lý sẽ hướng dẫn và giải thích những lợi ích khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến để nộp phạt” - Chỉ huy Đội Cảnh sát giao thông số 2 cho biết.

Ngoài ra, đơn vị cũng tổ chức phát tờ rơi; phối hợp với các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn để tuyền truyền tới các lái xe; lồng ghép trong các chương trình tuyên truyền đến học sinh, sinh viên trong các nhà trường; niêm yết công khai tại trụ sở đơn vị…

Quá trình triển khai, Đội Cảnh sát giao thông số 2 cũng gặp một số khó khăn nhất định như người vi phạm sử dụng số điện thoại không chính chủ, số điện thoại đăng ký bằng chứng minh nhân dân không trùng khớp với căn cước công dân hiện tại… Những khó khăn này đơn vị cũng đã giải thích để người dân tự khắc phục.

Khó khăn lớn nhất là nhiều người lớn tuổi do việc sử dụng điện thoại thông minh còn hạn chế, nên chưa thể ngay lập tức cập nhật phương thức xử phạt mới, hoặc nhiều người khi thông báo lỗi vi phạm qua tin nhắn thì sợ bị lừa đảo công nghệ cao, nên đã từ chối sử dụng dịch vụ.

Tuy nhiên, với việc đưa ứng dụng dịch vụ công trực tuyến vào đời sống về cơ bản đã mang đến sự công khai, minh bạch, góp phần giảm thiểu thời gian đi lại, phục vụ người dân ngày một tốt hơn và chắc chắn trong thời gian tới, ứng dụng này sẽ được người dân đồng tình và sử dụng rộng rãi.