"Người dân đi bộ về quê trong khi phương tiện giao thông đắp chiếu"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - "Vừa qua một lượng lớn người lao động từ các thành phố đổ về quê tránh dịch bằng xe cá nhân, thậm chí đi bộ, trong khi các phương tiện giao thông công cộng đắp chiếu", đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa dẫn chứng để nhấn mạnh sự chậm trễ trong một số quyết sách phòng chống dịch Covid-19.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp)

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp)

Chiều 9-11, thảo luận về tình hình kinh tế xã hội và công tác phòng chống dịch Covid-19 trước Quốc hội, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) nêu thực trạng trẻ em nghỉ học lâu ngày xuất hiện tình trạng sang chấn tâm lý, học trực tuyến ảnh hưởng xấu tới thị lực, sức khỏe và chất lượng không đảm bảo.

"Việc không thể tiếp cận các địa điểm vui chơi trực tiếp còn khiến các em nghiện game, điện thoại nhất là trong bối cảnh bố mẹ đã đi làm", ông Hạ nói và khoăn về độ an toàn vaccine cho trẻ em khi trở lại trường.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) nêu thực trạng một số quyết sách phòng chống dịch Covid-19 còn chậm trễ.

Nữ đại biểu lấy ví dụ về việc thiếu quyết liệt trong phòng chống dịch Covid-19 trước dịp lễ 30/4-1/5, và mới đây nhất, tình trạng lượng lớn người từ các tỉnh phía Nam tự phát dùng xe cá nhân để về quê thậm chí là đi bộ, trong khi hệ thống phương tiện giao thông công cộng "đắp chiếu".

Về nguyên nhân, nữ đại biểu tỉnh Đồng Tháp nêu ra thực trạng chủ quan trong đánh giá tình hình và mượn quy trình để né tránh trách nhiệm. Nhưng hơn cả, bà Hoa nói tới vai trò tổng chỉ huy của Chính phủ và các bộ ngành.

"Chính phủ cần có một loại vaccine riêng để chống bệnh trì trệ, né trách nhiệm, cục bộ", nữ đại biểu Đồng Tháp kiến nghị.

Đại biểu Lê Đào An Xuân (Phú Yên) cho rằng nhiều địa phương hiện nay đang trăn trở việc chưa thể đảm bảo đủ việc làm cho lượng lớn lao động hồi hương vì dịch.

Bà Xuân kiến nghị cần có sự kết nối sớm giữa các tỉnh có nhu cầu sử dụng lao động và tỉnh có nguồn lao động, từ đó có chính sách phù hợp tạo điều kiện cho doanh nghiệp tuyển được công nhân để phục hồi sản xuất.

Cho rằng đời sống an sinh xã hội của công nhân còn nhiều vấn đề, cần được quan tâm ngay, đại biểu của Phú Yên cho rằng cấp thiết phải xây dựng nhà ở công nhân.

"Trong bối cảnh hiện nay, rất cần có cơ chế sửa đổi các điều khoản bất cập, không nên chờ sửa đổi toàn bộ Luật Nhà ở", bà Xuân nói.

Đại biểu Hà Đức Minh (Lào Cai) đánh giá nếu dịch bệnh còn kéo dài thì sẽ tạo nên cú sốc với sự tăng trưởng và nền kinh tế. Trong khi đó, tính đến tháng 8-2021 thì 57/63 địa phương đã sử dụng hết nguồn ngân sách dự phòng và 8/63 địa phương đã sử dụng tối đa số dư quỹ dự trữ tài chính, trong khi nhu cầu còn lớn.

Do vậy để có thêm nguồn lực để phục hồi kinh tế, đại biểu Hà Đức Minh đề xuất 2 nội dung: tăng mức bội chi ngân sách thêm 100.000 tỷ đồng (khoảng 1% GDP) để có thêm nguồn lực thực hiện các mục tiêu chống dịch và phát triển; thực hiện nới trần nợ công lên 50-52% GDP.

Còn đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) ủng hộ phương án cho phép địa phương dùng nguồn cải cách tiền lương còn dư để tập trung cho công tác phòng chống dịch Covid-19.

Ông Luận cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính sớm tổng hợp, hỗ trợ kinh phí để các địa phương có nguồn lực chống dịch hiệu quả, kịp thời, vì thực tế hiện nay có những địa phương đã sử dụng vượt quá hạn mức quy định của nguồn dự phòng ngân sách và quỹ dự trữ tài chính địa phương theo quy định.