Người đàn bà kiếm bộn tiền bất chính nhờ miệng lưỡi "dẻo quẹo"…

ANTD.VN -Do nợ nần, Hằng nảy ra “kế sách” lừa đảo những người thân quen. Và chỉ cần đến miệng lưỡi “dẻo quẹo”, người đàn bà này vẫn kiếm được bộn tiền bất chính.  

Ngày 13-8, đưa Trương Thị Hằng (SN 1988, trú ở xã Lại Yên, Hoài Đức, Hà Nội) ra xét xử sơ thẩm, TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt nữ bị cáo này 17 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bị hại trong vụ án là 9 cá nhân, ít nhiều đều từng thân quen với bị cáo.

Tiến hành xử án, Tòa án Hà Nội nhận thấy, từ tháng 5-2015 đến khi vụ án xảy ra, Trương Thị Hằng vốn kinh doanh, buôn bán các mặt hàng tạp hóa tại phường Phương Canh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Kinh doanh thua lỗ, nợ nần chồng chất, Hằng nảy sinh ý đồ lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Rắp tâm “ăn không” của mọi người, Hằng nói dối là làm kế toán ở một trung tâm mua sắm tại quận Bắc Từ Liêm và quen biết lãnh đạo tại đây nên mua được các mặt hàng tạp hóa rẻ hơn nhiều so với thị trường. Người đàn bà này còn khoe, có người nhà làm lãnh đạo ở Viettel nên mua được sim thẻ điện thoại với chiết khấu cao.

Trương Thị Hằng bị đưa ra xét xử tại phiên tòa.

Nói về mánh khóe của bị cáo, anh Vũ Sơn Lâm (SN 1974, trú ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) - chủ một cửa hàng tự chọn cho biết, do Hằng thường mua hàng tạp hóa số lượng lớn và nghe được thông tin có thể mua thẻ điện thoại chiết khấu từ 30% đến 70%. Thế nên từ ngày 28-8-2015 đến 10-5-2016, anh Lâm đã 10 lần chuyển khoản và giao tiền mặt cho Hằng để nhờ mua sim thẻ điện thoại của các nhà mạng, bán lại kiếm lời.

Các lần hai bên giao tiền, trả thẻ điện thoại đều được anh Lâm ghi chép trong số cá nhân và Hằng ký xác nhận. Trong khi đó, để tạo lòng tin, lần đầu Hằng giao đúng số lượng sim, thẻ như thỏa thuận.

Những lần sau đó, cô ta đều giao hàng thiếu và nói với anh Lâm là sắp có đơn hàng mới giá rẻ hơn để nạn nhân yên tâm, tin tưởng và giao tiền tiếp. Tổng số tiền anh Lâm đưa cho Hằng là hơn 2,9 tỷ đồng nhưng mới chỉ nhận số thẻ điện thoại tương ứng gần 360 triệu đồng.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Thanh (SN 1988, ở huyện Đan Phượng) – chủ một cửa hàng buôn bán tạp hóa cũng là một nạn nhân của Hằng. Lý do chị Thanh vướng “bẫy” cũng chỉ vì tin tưởng bị cáo là kế toán và có nguồn cung cấp hàng rẻ gồm rượu bia, nước giải khát, mỳ chính, thuốc lá… Từ đó, chị này đã nhiều lần giao tiền đặt mua hàng.

Ban đầu, Hằng cũng giao hàng hóa đúng số lượng, chủng loại, rồi mới dần dần đưa thiếu hàng cho chị Thanh. Với thủ đoạn đơn giản này nhưng tính đến tháng 6-2016, Hằng đã chiếm đoạt được của chị Thanh 315 triệu đồng.

Buồn hơn nữa là trường hợp của anh Nguyễn Trọng Khoa (SN 1983) - hàng xóm của Hằng cũng bị đối tượng lừa đảo bằng chiêu mua hàng tạp hóa giá rẻ. Hằng cũng nói với anh Khoa là bản thân làm kế toán tại trung tâm mua sắm. Từ tháng 8-2015 đến tháng 7-2016, Hằng đã chiếm đoạt của anh Khoa 350 triệu đồng.

Không chỉ lừa đảo người quen biết, Hằng còn chiếm đoạt tiền của cả những người là họ hàng với mình như bà Nguyễn Thị Mai (SN 1965), trú ở Hoài Đức. Theo đó, tuy là họ hàng thân thiết nhưng bà Mai không hề biết Hằng nói dối làm kế toán ở trung tâm mua sắm.

Vì thế bà Mai cũng tin đối tượng khi đặt mua thẻ, sim điện thoại để được chiết khấu cao. Tổng cộng, bà Mai đã đưa tiền và bị Hằng chiếm đoạt hơn 970 triệu đồng... Kết quả điều tra cho thấy, với miệng lưỡi “dẻo quẹo”, từ tháng 6-2015 đến tháng 7-2016, Hằng đã chiếm đoạt của 9 cá nhân với tổng số tiền hơn 7,5 tỷ đồng.

Quá trình giải quyết vụ án, Hằng khai khi nhận tiền của các bị hại, bị cáo thường mua hàng hóa đúng với giá thị trường để giao đúng thời hạn, số lượng nhằm tạo sự tin tưởng nhất định. Sau đó, khi mà các bị hại đã thực sự “cắn câu” và giao số tiền lớn thì đối tượng mới chiếm đoạt.

Áp dụng mức án nêu trên, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội khẳng định, hành vi của Trương Thị Hằng là rất nguy hiểm đối với xã hội vì đã sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn của nhiều người. Do đó, cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với bị cáo để tạo tính răn đe.