Người đàn bà đâm cán bộ tiếp dân "nổi loạn", tòa án phải… "bó tay"

ANTD.VN - Bị dẫn giải tới tòa, Thuận liên mồm nói oang oang đủ thứ trên đời. Phiên tòa khai mạc, đối tượng này vẫn không ngừng “phá bĩnh” bằng việc nói năng bừa bãi.

Theo đó, ngày 12-8, TAND TP Hà Nội đưa Phạm Thị Thuận (SN 1957, trú ở xã Yên Thọ, huyện Như Thanh, Thanh Hóa) ra xét xử phúc thẩm về tội “Cố ý gây thương tích”, quy định tại Điều 104-BLHS. Thế nhưng phiên tòa này đã buộc phải trì hoãn lại sau phần thủ tục với lý do hết sức hy hữu.

Cụ thể, ngay từ khi bị dẫn giải tới phiên tòa, Thuận lập tức nói oang oang đủ thứ trên đời và gây rất mất trật tự. Khi HĐXX phúc thẩm bước vào làm việc, bị cáo càng lúc càng “nổi loạn” hơn với việc tiếp tục vung tay “chém gió” nghênh ngang và thao thao nói đến những câu chuyện không hề liên quan gì đến vụ án.

Phạm Thị Thuận không ngừng "chém gió" và nói năng lung tung tại phiên tòa

Hành vi “phá bĩnh” phiên xử của bị cáo còn đến mức, Thuận không nghe tòa án giải thích quyền và nghĩa vụ của bản thân. Thậm chí, ngay cả khi vị KSV cùng một vị thẩm phán trong HĐXX tiến sát vành móng ngựa vỗ về, động viên và trấn tĩnh cũng bị Thuận đáp lại bằng những loạt âm thanh quá mức không ngừng nghỉ.

Trước những hành vi bất bình thường và thêm việc bị cáo bị “nặng tai” nên sau ít phút hội ý, HĐXX phúc thẩm TAND TP Hà Nội đã buộc phải đưa ra quyết định trì hoãn lại phiên tòa. Tuy nhiên, ngay sau khi bước chân ra khỏi xử án, người đàn bà đâm nữ cán bộ tiếp dân lại nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường.

Nhìn lại bản án sơ thẩm của TAND quận Hà Đông thì thấy, ngày 16-6 vừa qua, Phạm Thị Thuận đã bị cấp tòa sơ thẩm tuyên phạt 30 tháng tù giam về tội “Cố ý gây thương tích”. Bị hại trong vụ án là bà Trần Thị Thu H, một nữ thanh tra viên được phân công tiếp công dân, tại trụ sở tiếp công dân Trung ương, vào cuối tháng 1-2016.

Nội tình vụ án thể hiện, cũng như nhiều ngày trước đây, sáng 28-1-2016, Thuận đến trụ sở tiếp công dân Trung ương, ở phố Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông. Khoảng 10h cùng ngày, người đàn bà quê Thanh Hóa đột ngột xộc thẳng vào phòng làm việc của bà Trần Thị Thu H.

Tại đây, Thuận yêu cầu người  tiếp công dân cho gặp lãnh đạo Ban Phòng, chống tham nhũng. Thế nhưng do không có hồ sơ khiếu nại, tố cáo và cũng không có giấy tờ tùy thân nên yêu cầu vô lý của Thuận không được đáp ứng.

Sau một hồi được giải thích cặn kẽ, Thuận quay sang lấy nước uống tại trụ sở tiếp công dân Trung ương, rồi bất ngờ trở lại chỗ bà H rút dao mang theo đâm 1 nhát vào mặt người phụ nữ đối diện. Bị bảo vệ khống chế, đẩy ra ngoài, người đàn bà ngang ngược sau đó bị cơ quan công an bắt giữ xử lý.

Theo kết luận giám định thương tích, vị nữ cán bộ tiếp công dân Trung ương nêu trên bị tổn hại 13% sức khỏe. Ngoài ra, vết đâm dao của Thuận lên khuôn mặt bà H còn để lại vết sẹo và gây rất mất thẩm mỹ đối với nạn nhân.

Sau xét xử sơ thẩm, Thuận cho rằng Tòa án quận Hà Đông xử tội đối tượng là không đúng nên có đơn kháng cáo toàn bộ nội dung bản án. Dù vậy, khi được Tòa án Hà Nội mở phiên phúc thẩm để xem xét lại vụ án thì người đàn bà không bình thường này lại “nổi loạn” như đã nêu.

Cùng với việc phá vỡ hoạt động đúng đắn, bình thường của cơ quan xét xử, tại phiên tòa phúc thẩm, Phạm Thị Thuận còn liên mồm kể về những "chiến tích" tội phạm tương tự trước đây của đối tượng đối với không ít cán bộ thuộc một số cơ quan Nhà nước ở Thanh Hóa.