Người con gái bị trao nhầm mẹ 42 năm: "Tôi linh cảm sẽ tìm lại được cha mẹ đẻ của mình"

ANTĐ -  “Gần nửa năm qua, kể từ ngày biết được sự thật về thân phận của mình, tôi đã tìm đủ mọi cách, lặn lội đủ mọi nơi, ai khuyên gì cũng làm theo đó, thậm chí viết thư gửi đến Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch UBND TP Hà Nội tôi cũng đã làm rồi. Bằng linh cảm của mình, tôi vẫn tin một ngày gần đây mình sẽ tìm lại được bố mẹ đẻ của mình”. Chị Tạ Thị Thu Trang - người bị trao nhầm cho bà Nguyễn Thị Mai Hạnh (ở phố Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội) ngay từ lúc mới chào đời cách đây 42 năm - chia sẻ với chúng tôi bằng giọng nghẹn ngào.

Người con gái bị trao nhầm mẹ 42 năm: "Tôi linh cảm sẽ tìm lại được cha mẹ đẻ của mình" ảnh 1Chị Tạ Thị Thu Trang (bên phải) ngồi kể lại câu chuyện về cuộc đời mình

Đau khổ đã qua, giờ chỉ còn hy vọng...

Vài ngày gần đây, câu chuyện khó tin này diễn ra ngay tại Hà Nội về một người phụ nữ bị trao nhầm con suốt 42 năm trời khiến dư luận, cộng đồng mạng xôn xao bàn tán. Câu chuyện được biết đến rộng rãi khi trên Facebook xuất hiện dòng tin tìm con bị thất lạc của bà Nguyễn Thị Mai Hạnh (trú tại phố Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội).

Vào ngày 10-10-1974, bà chuyển dạ tại Nhà hộ sinh Ba Đình (phố Phan Huy Ích, Ba Đình, Hà Nội - sau này là Nhà hộ sinh 12 Lê Trực) và sinh ra một bé gái. Sau khi chào đời, con gái bà được đánh số vào chân cùng một số với mẹ là 33, rồi được chuyển ra ngoài chăm sóc. Nhưng khi nhận lại con, bà lại thấy, số thứ tự được đánh trên chân đứa trẻ là số 32. Biết có sự nhầm lẫn, bà và chồng nhanh chóng tìm các bác sĩ, y tá để hỏi nhưng được giải thích rằng, do lúc tắm cho bé, số 33 bị mờ, mất móc nên thay bằng số 32, chứ không phải nhầm con. 

Vì những đứa trẻ cận kề số 33 đều đã được gia đình đưa về nhà, nên vợ chồng bà đành ôm đứa trẻ số 32 về. Bé gái được đặt tên là Tạ Thị Thu Trang. Kể từ đó, gia đình bà Nguyễn Thị Mai Hạnh nuôi nấng và yêu thương Thu Trang như con ruột của mình suốt hơn 40 năm qua. Bằng linh cảm của một người mẹ, bà Hạnh luôn cảm nhận được Trang không phải con đẻ của mình. Cho đến năm 1998, trước sự day dứt về nỗi nghi hoặc bị thất lạc con đẻ, bà Hạnh đã âm thầm thực hiện xét nghiệm ADN và kết quả cho thấy linh cảm của bà là đúng. Dù vậy, vợ chồng bà quyết định giữ kín chuyện này, vẫn yêu thương chị Trang như con ruột và định bụng sẽ “chết mang theo”. 

Mãi đến tháng 10 năm ngoái, sau rất nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, bà quyết định nói ra sự thật cho chị Trang biết vào đúng ngày sinh nhật lần thứ 41 của người con gái mà bà đã coi như con đẻ của mình ngần ấy năm qua. Quyết định nói ra sự thật của bà Hạnh được lý giải với ba mục đích. Thứ nhất, bà hy vọng biết được sự thật thì cô con gái Tạ Thị Thu Trang có thể tìm được gốc gác ruột thịt của mình. Thứ hai, biết được sự thật thì gia đình bà Hạnh có thêm cơ hội tìm lại được đứa con bị trao nhầm cho người khác 42 năm trước. Và thứ ba, biết được sự thật thì bản thân bà cũng được thanh thản, nhẹ nhõm hơn! 

Trò chuyện với phóng viên ANTĐ chiều 11-3, chị Tạ Thị Thu Trang một lần nữa xác nhận câu chuyện đau lòng và cũng đầy xúc động về cuộc đời mình với những chi tiết tưởng chỉ có trong phim.

Suốt 5 tháng qua, kể từ ngày được người mẹ mà chị hết mực yêu thương kể ra toàn bộ sự thật, chị Trang đã nhiều đêm thức trắng, nước mắt giàn giụa, thương mình, thương mẹ Hạnh và thương cả những người bố mẹ mà trước đó chưa bao giờ chị biết đến sự tồn tại của họ trên đời...

Cho đến giờ, thời gian làm những cảm xúc đã tạm lắng lại, chị Hạnh không còn cảm thấy ái ngại khi  chúng tôi hỏi về cảm xúc riêng tư của các thành viên trong gia đình, về tình cảm của những người trong ngôi nhà mà chị là thành viên suốt hơn 40 năm qua. Hiện tại, cả gia đình cùng chung một tâm trạng là nuôi hy vọng tìm lại bố mẹ đẻ của chị Trang, tìm lại được người con gái ruột thịt của bà Hạnh bị thất lạc nhau ngay từ lúc mới chào đời.

Người con gái bị trao nhầm mẹ 42 năm: "Tôi linh cảm sẽ tìm lại được cha mẹ đẻ của mình" ảnh 2

Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh đang ở bên nước Anh gọi điện về,  xác nhận với báo chí câu chuyện thật như đùa của gia đình mình

Khát khao cháy bỏng tìm lại cha mẹ đẻ

Chị Tạ Thị Thu Trang kể,  sau khi biết sự thật, chị đã tìm đủ mọi cách, nhờ đến đủ mọi mối quan hệ, ai khuyên gì cứ thấy có lý là nghe theo, làm theo. Thậm chí, người ta bảo chị viết tâm thư gửi Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, thì chị cũng đã làm.

Nhà hộ sinh Ba Đình - nơi mà số phận oái oăm của chị bắt đầu gieo mầm, chị cũng đã tìm đến. Nay nhà hộ sinh đó đã chuyển địa điểm, chị hỏi thăm tìm đến địa chỉ mới. Thế nhưng tất cả những gì chị có thể làm được vẫn chưa đủ để  tìm lại cha mẹ đẻ của mình. 

“Chị trạm trưởng của nhà hộ sinh bây giờ còn ít tuổi hơn tôi, cái năm mà tôi bị trao nhầm mẹ, chị ấy còn chưa ra đời. Hỏi sổ sách thì cũng không có, bởi thời đó toàn bộ hồ sơ, giấy tờ lưu bằng sổ sách và họ nói cứ 10 năm thì lại hủy hồ sơ sổ sách một lần” - chị Trang kể về chuyện chị tìm đến Nhà hộ sinh 12 Lê Trực.

“Sau đó, tôi liên hệ đến Đài Truyền hình Việt Nam để có thể được lên chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”, nhưng vì tôi không có chứng cứ hay thông tin gì khả dĩ có thể cung cấp cho chương trình nên ý tưởng này của tôi vẫn chưa thành hiện thực. Chờ mãi đến vài hôm trước, tôi nghe được thông tin là Đài truyền hình đã chấp nhận đặt lịch làm chương trình cho tôi rồi. Lại nuôi tiếp hy vọng” - chị Trang tiếp chuyện. 

Vẫn theo lời kể của chị Trang: “Chiều hôm qua, Trung tâm Y tế quận Ba Đình đã đến nhà động viên, chia sẻ với gia đình tôi. Họ cho biết đã tìm được manh mối về 3 hộ lý từng công tác tại Nhà hộ sinh Ba Đình vào thời điểm tôi chào đời. Công an quận Ba Đình cũng đã đến thực hiện các biện pháp nghiệp vụ. Cán bộ tư pháp quận cũng đã vào cuộc…”

Chiều 10-3, ngay sau khi đại diện Trung tâm Y tế quận Ba Đình về, người nhà chị Trang đã tức tốc đi tìm địa chỉ 3 hộ lý nói trên. Tuy nhiên khi tìm được 2 người thì cả 2 đều đã ngoài 80 tuổi, không còn nhớ được thông tin gì khả dĩ. “Dù hiện chưa có thêm tiến triển nào, nhưng tôi luôn tin sự vào cuộc tích cực của các anh công an, của cán bộ tư pháp sẽ có hiệu quả. Và bằng linh cảm của mình, tôi luôn tin một ngày gần đây thôi, tôi sẽ tìm lại được bố mẹ đẻ của mình” - chị Trang nói.

Về phía Sở Y tế Hà Nội và Trung tâm Y tế quận Ba Đình, sau khi nhận được đơn của chị  Trang cũng đã vào cuộc, song vẫn chưa tìm được manh mối liên quan đến vụ việc này. Không chỉ đến thăm, động viên gia đình chị Trang mà Giám đốc Trung tâm Y tế quận Ba Đình Phạm Hữu Tiệp cũng đã có văn bản gửi đến bà Nguyễn Thị Mai Hạnh - người mẹ đã bị trao nhầm con.

Trong văn bản này, ông Tiệp nói: “Sau khi nhận được phản ánh của bác, chúng tôi đã chỉ đạo nhà hộ sinh, phòng Kế hoạch - nghiệp vụ và các khoa phòng chức năng của Trung tâm lục tìm lại toàn bộ hồ sơ lưu tại đơn vị, tìm và trao đổi với những cán bộ lâu năm công tác tại nhà hộ sinh giai đoạn 1974-1975. Tuy nhiên, do nhà hộ sinh đã chuyển sang địa điểm mới, và thời gian quá lâu (41 năm) nên không thể tìm lại bất cứ thông tin nào liên quan đến trường hợp của bác. Rất mong bác thông cảm và xin chia sẻ với nỗi buồn của bác”.

Có lẽ, chờ đợi trong hy vọng là tâm trạng chung của gia đình chị Trang, bác Hạnh vào lúc này.

Lực lượng công an vào cuộc trợ giúp

Liên quan đến vụ trao nhầm con từ 42 năm trước ở nhà hộ sinh quận Ba Đình, Hà Nội, chỉ huy CAQ Ba Đình cho biết, dù chưa nhận được đề nghị hỗ trợ của phía gia đình chị Tạ Thị Thu Trang, nhưng qua thông tin báo chí, CAQ Ba Đình đã nắm được sơ bộ vụ việc và sáng 11-3, đã cử một tổ công tác đến các đơn vị liên quan nắm bắt tình hình. 

Đồng thời, chỉ huy CAQ cũng cho biết, cơ quan công an đang lọc lại danh sách những bé gái có cùng ngày sinh với chị Trang, sau đó sàng lọc, phân loại hoặc tra cứu hồ sơ của toàn bộ thành phố, hy vọng những người có liên quan sớm tìm ra người thân của mình.