Người có công định cư ở nước ngoài sẽ được hưởng chế độ

ANTD.VN - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã đồng ý về nguyên tắc cần xây dựng chính sách cho người có công định cư ở nước ngoài chưa hưởng chính sách.

Người có công định cư ở nước ngoài sẽ được hưởng chế độ ảnh 1

Chính sách dành cho người có công luôn được quan tâm, tới đây người có công định cư ở nước ngoài cũng sẽ được hưởng chế độ

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, chính sách dành cho người có công với cách mạng luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Trong 10 năm gần đây (từ năm 2007-2016), tổng kinh phí trợ cấp dành cho đối tượng người có công với cách mạng là 133.306 tỷ đồng. Ngoài ra, ngân sách địa phương hằng năm dành cho công tác người có công với cách mạng bình quân khoảng 2.000 tỷ đồng/năm.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, người có công với cách mạng ở nước ngoài hiện có 2 nhóm, gồm nhóm người có công đang hưởng chính sách trong nước, sau đó ra nước ngoài sinh sống và nhóm người có công định cư ở nước ngoài nhưng chưa được hưởng các chế độ, chính sách.

Đối với nhóm đối tượng người có công thứ nhất sẽ vẫn hưởng chính sách như khi còn ở trong nước. Riêng với nhóm người có công nhưng định cư ở nước ngoài và chưa hưởng chính sách gì, Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư và được đồng ý về nguyên tắc cần xây dựng chính sách cho nhóm đối tượng này. Chính phủ đã giao Bộ Quốc phòng phối hợp Bộ LĐ-TB&XH để trình Chính phủ ban hành cơ sở pháp lý về chế độ. 

Liên quan tới những người sinh ra ở thế hệ thứ ba (đời cháu) vẫn bị nhiễm di chứng của chất độc hóa học thời ông bà đi hoạt động cách mạng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết: “Đây là câu chuyện phải bàn tới và sẽ có kiến nghị chính sách với nhóm đối tượng này lên Ban Bí thư”.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: “Người Việt Nam ở nước ngoài có công với cách mạng có nhiều đối tượng khác nhau, nên chính sách cho từng nhóm đối tượng cũng phải khác nhau”.

Có thể khẳng định rằng, chính sách dành cho người có công với cách mạng luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, đến nay, tuyệt đại bộ phận người có công và thân nhân người có công được hưởng đúng, đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi.

Số lượng đối tượng người có công được công nhận và thực hiện chế độ người có công ngày càng tăng, các mức trợ cấp thường xuyên được điều chỉnh.

Liên quan tới chính sách người có công, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho rằng, hành lang pháp lý và cơ chế triển khai thực hiện chính sách ưu đãi người có công đã tương đối đầy đủ, hoàn thiện. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn những hạn chế.

Ví dụ như, công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực người có công ở một số địa phương chưa được chú trọng cải cách hành chính gắn với phòng, chống tham nhũng trong việc xác lập hồ sơ hưởng chế độ và quản lý. Một số vấn đề trong xác nhận và giải quyết chế độ ưu đãi cho người có công chưa được nghiên cứu bổ sung, chưa thống nhất.

Vẫn chưa có quy định chế độ ưu đãi đối với người tham gia chiến tranh bảo vệ tổ quốc, bị bắt và tù đày sau 30-4-1975. Chưa có quy định việc giám định vết thương tái phát đối với người bị thương đã giám định, kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động dưới 21%.

Bên cạnh đó, tình trạng khai man hồ sơ, xác nhận sai sự thật để hưởng chế độ vẫn diễn ra phổ biến, gây bức xúc trong dư luận, trong đó, đối tượng người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học chiếm tỷ lệ lớn.

Ngoài ra, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cũng đồng tình với việc cần thiết thực hiện chế độ BHYT đối với thân nhân lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa còn sống...