Cấp thuốc bổ cho tuyển thủ dự SEA Games 26:

Người cần không có, người có không cần

ANTĐ - Nhiều bộ môn như bắn súng, vật, bơi, bóng bàn, taekwondo… đã bắt đầu dự các giải thi đấu vòng loại Olympic 2012, trong khi quá trình chuẩn bị cho SEA Games 26 tới đang vào thời điểm quan trọng. Thế nhưng, một trong những yếu tố nâng cao thành tích là… thuốc bổ thì lại chưa thể đến được với các tuyển thủ.

“Bóc ngắn, cắn dài”

Theo Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia I (Hà Nội) thì cho tới thời điểm này, chỉ duy nhất có đội tuyển bắn súng là nhận được thuốc bổ, dù theo kế hoạch, tất cả các đội tuyển phải nhận được ngay từ đầu năm. Lý giải về sự chậm trễ này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lê Quý Phượng cho biết: “Vừa qua, ngành thể thao đã rút ngân sách đáp ứng những nhu cầu cần thiết khác như cơ sở vật chất, tập luyện, tập huấn, thi đấu quốc tế…

 

Ngoài bắn súng, các đội tuyển khác tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội
vẫn chưa nhận được thuốc bổ như dự kiến

Đặc biệt, mới đây Tổng cục TDTT phải chi hơn 20 tỷ đồng để tăng tiền ăn và chế độ dinh dưỡng cho các VĐV từ nay đến SEA Games 26, dẫn tới việc thiếu hụt kinh phí”. Đối với thể thao, thuốc bổ (gồm các loại thực phẩm chức năng, thuốc ép cân, hồi phục chấn thương) được xem như giải pháp giúp các VĐV nâng cao thành tích tập luyện, thi đấu. Song với thực trạng chậm trễ như hiện nay, chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình chuẩn bị cho các giải đấu quan trọng, đặc biệt là SEA Games 26 diễn ra vào tháng 11 tới.

Cào bằng

Từ trước đến nay, việc cấp phát thuốc bổ từ Tổng cục TDTT đến các Trung tâm HLTTQG vẫn theo phương thức đại trà và chia đều cho từng bộ môn. Song trên thực tế, phương thức đó là thiếu hợp lý.

Theo một cán bộ lâu năm tại Phòng Y tế thuộc Trung tâm HLTTQG Hà Nội: “Kinh phí là một chuyện song quan trọng hơn là phải có kế hoạch chi tiết cho việc cấp phát thuốc. Tùy từng đặc thù của bộ môn, tùy từng VĐV và từng thời điểm tập luyện khác nhau mà cần đáp ứng loại thuốc nào, liều lượng bao nhiêu cho hợp lý. Và khi việc cấp phát thuốc hợp lý sẽ có tác động lớn đến thành tích của các VĐV”.

Song thực tế, ngành thể thao đang cấp phát thuốc theo kiểu “miếng bánh chia đều” cho các đội. Điều đó không những không mang lại hiệu quả mà còn gây lãng phí. Người cần thì không có, người có thì không cần hoặc thời điểm cần bồi dưỡng thì không có, đến lúc lại “no dồn đói góp”.

Điều mà các VĐV cả người hâm mộ thể thao nước nhà chờ đợi, chính là việc ngành thể thao cần xây dựng và có kế hoạch thẩm định, cấp phát thuốc một cách khoa học, tỉ mỉ để mang về hiệu quả lớn nhất và tránh lãng phí tiền của Nhà nước.