Ngư dân nơm nớp mỗi lần ra biển

(ANTĐ) - Tàu cá và ngư dân nước ta liên tiếp bị các nước trong khu vực bắt giữ, phá hủy tàu, đòi tiền chuộc... đã và đang gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân các tỉnh ven biển. Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, đang đàm phán hợp tác trong việc khai thác ngư trường với các nước để sang năm 2011, ngư dân sẽ yên tâm hơn mỗi lần ra khơi.

Ngư dân nơm nớp mỗi lần ra biển

(ANTĐ) - Tàu cá và ngư dân nước ta liên tiếp bị các nước trong khu vực bắt giữ, phá hủy tàu, đòi tiền chuộc... đã và đang gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân các tỉnh ven biển. Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, đang đàm phán hợp tác trong việc khai thác ngư trường với các nước để sang năm 2011, ngư dân sẽ yên tâm hơn mỗi lần ra khơi.

Ngư dân cần được đảm bảo quyền lợi
Ngư dân cần được đảm bảo quyền lợi

Giữ tàu, bắt người đòi tiền chuộc

Gần đây, vào giữa tháng 10 vừa qua, 1 tàu cá cùng 9 ngư dân Quảng Ngãi đã bị phía Trung Quốc bắt giữ. Họ đã phải trải qua 45 ngày đêm đằng đẵng. Mệt mỏi, sợ hãi là những gì hằn lại trên gương mặt 9 ngư dân. Song, đây không phải lần đầu tiên, ngư dân Quảng Ngãi nói riêng, ngư dân các tỉnh ven biển cả nước nói chung rơi vào tình trạng trên.

Con số thống kê mới nhất mà Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (KTBVNLTS) đưa ra ngày 5-11 cho thấy, tính đến nay, đã có 94 vụ việc với 1.575 ngư dân và 205 tàu cá nước ta bị các nước trong khu vực bắt giữ. Những hình thức xử mà các nước lân cận thường áp dụng là tịch thu tàu, phạt tiền, bỏ tù thuyền trưởng từ 3 đến 6 tháng, đòi tiền chuộc. Đặc biệt, Indonesia thường xuyên áp dụng biện pháp phá hỏng tàu trên biển bằng cách bắn cháy, phun dầu đốt. Cũng tính đến thời điểm này, vẫn còn 89 tàu cùng 486 ngư dân đang bị Indonesia, Malaysia và Thái Lan giam giữ.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó cục trưởng Cục KTBVNLTS nhìn nhận, trên thực tế, số tàu cá, ngư dân bị bắt giữ, xử lý còn lớn hơn rất nhiều bởi nhiều trường hợp ngư dân ta bị xử lý nhưng không khai báo với cơ quan chức năng. Không ít trường hợp, chủ tàu cá phải sang các nước Indonesia, Malaysia để chuộc tàu với số tiền rất lớn. Riêng tại vùng hải phận Campuchia, hầu hết các vụ bắt giữ ngư dân ta đều được nhân viên an ninh xử phạt tại “trận” bằng tiền mặt rồi thả ngay trên biển.

Ông Chu Tiến Vĩnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết: “Sau khi có tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, Cục KTBVNLTS luôn cố gắng can thiệp nhanh nhất bằng cách phối hợp với các đơn vị liên quan, địa phương để xác nhận sự việc, kịp thời can thiệp, hoàn thiện thủ tục để tiếp nhận tài sản và số ngư dân được trao trả”. Song, ông Vĩnh cũng thừa nhận, hoạt động tàu cá trên biển diễn biến ngày càng phức tạp và khó kiểm soát hơn. Bản thân ngư dân dù phần lớn biết được ranh giới các vùng biển song vẫn vi phạm, chưa ý thức hậu quả khôn lường và bất trắc mà họ gánh chịu. Nên hàng năm, vẫn còn quá nhiều vụ vi phạm đáng tiếc xảy ra.

Từ năm 2011 liệu có yên tâm hơn?

Thời gian qua, tỉnh Quảng Ngãi là địa phương có lượng tàu cá và ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử phạt nhiều nhất cả nước. Đáng nói, tình trạng này ngày một gia tăng qua các năm. Từ năm 2005-2009, số tàu cá Quảng Ngãi bị bắt giữ là 111 chiếc với 1.247 ngư dân. Riêng năm 2009 là 45 tàu với gần 600 ngư dân bị bắt. Ông Lê Văn Sơn-Chi cục trưởng KTBVNLTS Quảng Ngãi nhìn nhận: “Quan hệ hợp tác đánh cá giữa nước ta với các nước trong khu vực vẫn chưa được cụ thể hóa, do đó vấn đề về giải quyết, phân định ngư trường là rất cần thiết và cấp bách”.

Trước thực trạng trên, ông Chu Tiến Vĩnh cho biết, việc đàm phán hợp tác khai thác với các nước lân cận đang được triển khai. Đến nay, Việt Nam đã đàm phán xong với Philippines và Indonesia. Trong tháng 11, việc đàm phán sẽ được tiếp tục với Campuchia về khai thác hải phận biên giới Tây Nam. Công việc này cũng sẽ tiến hành với Malaysia vào đầu năm sau. Cũng theo ông Vĩnh, mọi sự đàm phán đang tiến triển thuận lợi. “Nếu không có gì thay đổi, từ đầu năm 2011 việc khai thác hải sản của ngư dân nước ta với các nước lân cận sẽ có sự thống nhất và cụ thể hơn nhằm giảm thiểu tối đa mọi sự tranh chấp không đáng có, đồng thời bảo đảm quyền lợi của ngư dân nước ta khi khai thác trên ngư trường”, ông Vĩnh nói.

Hạ Quỳnh