Ngôi làng đang có đông người tị nạn nhất thế giới

ANTĐ - Một ngôi làng nhỏ ở vùng núi Lebanon đang là nơi trú ngụ của số người tị nạn Syria đông nhất thế giới. Ước tính người Syria hiện chiếm hơn ¼ dân số của Lebanon, tạo nên áp lực không nhỏ đối với quốc gia nhỏ bé này.

Ngôi làng đang có đông người tị nạn nhất thế giới ảnh 1

Vợ chồng chị Sihan cùng các con đã phải rời bỏ quê hương vì chiến tranh

Những tấm lòng rộng mở

Nằm ở tận cùng phía nam của rặng núi Lebanon, làng Ketermaya là một nơi khá yên tĩnh với những khoảng đất trồng trọt xung quanh. Tuy không phải là một thị trấn giàu có đặc biệt nhưng cư dân ở đây đã đón hàng nghìn người Syria phải rời bỏ quê hương vì chiến tranh. 

Chủ một doanh nghiệp địa phương tên Tafesh có lẽ là người tích cực nhất. Ông đã sắp xếp nơi ở cho 330 người tị nạn, thậm chí ở cả trên đất của mình và xây nhà vệ sinh, dẫn nước về cho họ mà không lấy tiền trong khi hầu hết người khác đều thu phí. Theo Tafest, mỗi gia đình người tị nạn có tới 10 người mới được ở trong một cái lều và cứ 40 người dùng chung 1 nhà vệ sinh.

Bác sĩ Bilai Kasem, đồng thời là người đứng đầu khu vực này cho biết, số người tị nạn Syria đến đây hiện đã gần 5.000 người , hơn 400 gia đình đang cho người tị nạn ở và  50 lều tạm đã được dựng lên. 80% bệnh nhân ở đây được bác sĩ Kasem khám, chữa bệnh miễn phí.

Hiện tại có hơn 1 triệu người tị nạn Syria đã đăng ký ở Lebanon, dù con số thực tế được cho là lớn hơn nhiều. Nếu bao gồm cả số người tị nạn chưa đăng ký, thì người Syria chiếm hơn ¼ dân số của Lebanon. Khu vực Chouf bao gồm cả làng Ketermaya đang có gần 60.000 người tị nạn. Ở một số nơi, người tị nạn đổ về khiến người địa phương căng thẳng vì việc làm và tài nguyên trở nên khan hiếm hơn.

Ngôi làng đang có đông người tị nạn nhất thế giới ảnh 2

Những khu lều trại được dựng lên ở làng Ketermaya, Lebanon

Vẫn mong ngày về

Cuối tháng 12-2015, Tổ chức Di dân quốc tế (IOM) cho biết hơn 1 triệu người tị nạn và nhập cư đã vào châu Âu năm 2015, so với 280.000 người năm 2014. Các nhà lãnh đạo châu Âu phải vật lộn để tìm một giải pháp thống nhất cho cuộc khủng hoảng di cư ngày càng tồi tệ. Đức là nước dẫn đầu, họ cam kết trong vài năm tới, mỗi năm sẽ nhận nửa triệu người tị nạn. Trong khi đó Hungary bắt đầu đưa ra những luật mới hà khắc nhằm vào người nhập cư và mau chóng xây dựng một hàng rào chống người di cư ở đường biên giới phía nam của mình.

 Giữa tháng 12, Nhà Trắng cho biết Mỹ đã tái định cư cho 2.174 người tị nạn Syria. Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra con số 2.234 vào ngày 25-12. Ngôi làngKetermaya cũng đón nhận con số người tị nạn kỷ lục cùng tháng đó là 2.000 người. Hồi tháng 9-2015, Tổng thống Obama cho biết đã chuẩn bị đón nhận 10.000 người vào năm 2016 nhưng  các tổ chức cứu trợ cho rằng như vậy là chưa đủ, tổ chức Oxfam America kêu gọi Mỹ tái định cư cho 70.000 người tị nạn Syria. Tuy nhiên, so với cuộc khủng hoảng mà Lebanon đang đối mặt thì con số này chỉ là giọt nước giữa đại dương.

Nhiều người đến Lebanon vì đây là lựa chọn duy nhất của họ. Chị Sihan rời bỏ quê hương Qusayr cùng với chồng và 4 con của mình vào năm 2013, sau khi nhà của họ bị phá hủy trong một đợt không kích và họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đến đây. Hiện rất khó tìm việc làm và nếu may mắn được ai thuê, chồng của Sihan chỉ kiếm được 20 USD một ngày.  Gia đình Sihan nhận được 13 USD mỗi người một tháng từ Liên hợp quốc để mua thực phẩm và thường thì chưa tới 2 tuần đã hết. “Ơn Chúa chúng tôi có cái lều này. Lebanon còn vất vả lo cho người dân của họ nên khó mà cưu mang hết người Syria” - chị Sihan nói.

Mặc dù sống trong điều kiện khổ sở vì thiếu thốn và thời tiết khắc nghiệt nhưng không phải tất cả người tị nạn đều muốn đi tiếp tới châu Âu. Anh Ahmed đã từ Damascus đến Lebanon 3 năm trước mang theo vợ và 2 con. Anh và một vài người khác đã dựng trường học và dạy bọn trẻ ở trại tị nạn. Anh cũng không muốn đi châu Âu vì ngại rằng một ngày nào đó trở về Syria sẽ khó hơn.